Thời gian qua, liên tiếp các vụ bạo lực học đường (BLHĐ) lan truyền trên mạng xã hội khiến dư luận không khỏi bức xúc. Đã đến lúc xã hội cần phải quan tâm, chung tay thực hiện các giải pháp nhằm xóa bỏ các hành vi bạo lực trong môi trường học đường.
BLHĐ không phải là câu chuyện mới. Vấn nạn này xuất hiện từ nhiều năm trước và xảy ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, thời gian gần đây, vấn nạn này xảy ra liên tục trong các trường học với tính chất nguy hiểm và nghiêm trọng hơn. Điều đáng lo ngại, lý do dẫn đến bạo lực đôi khi rất đơn giản như va chạm trong lúc chơi đùa, trên đường đi học, mâu thuẫn nói xấu nhau trên các diễn đàn, mạng xã hội,... Theo số liệu thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trung bình một năm học, toàn quốc xảy ra 1.600 vụ việc học sinh đánh nhau (bình quân 5 vụ/ngày) và có chiều hướng gia tăng; không ít vụ BLHĐ xảy ra đã vượt quá giới hạn là các xô xát thông thường giữa học sinh với nhau, trở thành các vụ việc vi phạm pháp luật.
Nguyên nhân dẫn đến BLHĐ được các cấp quản lý ngành Giáo dục cũng như nhiều chuyên gia đưa ra, đó là giáo dục còn nặng dạy chữ mà coi nhẹ việc rèn người; áp lực từ gia đình, học hành, giới tính, tình cảm rồi những mối nguy từ căn bệnh nghiện game online, nghiện mạng xã hội. Giáo dục công dân - môn được xem là giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh lại xa rời thực tế, chưa thể giúp học sinh trang bị kỹ năng sống, hoàn thiện đạo đức, nhân cách. Ở một khía cạnh khác, nhà trường lại thiếu sự chung tay, chia sẻ của phụ huynh học sinh, các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát và ngăn chặn hành vi BLHĐ. Các biện pháp để ngăn chặn nạn BLHĐ chưa đủ mạnh để răn đe, thay đổi tình thế, trong đó bất cập lớn nhất là thiếu sự phối hợp và tính liên kết chặt chẽ giữa nhà trường - gia đình - xã hội.
Vì vậy, việc ngăn chặn BLHĐ đòi hỏi giải pháp quyết liệt từ nhiều phía. Trước hết, nhà trường cần tổ chức những buổi ngoại khóa, đan xen với chương trình văn nghệ, các hoạt động tình nguyện, quyên góp, ủng hộ,… nhằm đề cao tinh thần sẻ chia, “tương thân, tương ái”,... giúp các em giải tỏa áp lực tinh thần, giảm áp lực trong học tập và hơn hết là gắn kết, yêu thương mái trường, thầy cô, bè bạn. Chú trọng nâng cao vai trò của đội ngũ giáo viên, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, kịp thời phát hiện và giúp học sinh giải quyết những mâu thuẫn học đường. Chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh để nắm bắt tình hình, có biện pháp giải quyết ngay khi các em có biểu hiện hành vi tiêu cực và bạo lực.
Từ đó, có các phương án xử lý thích hợp, mang tính răn đe và phòng ngừa chung, nhưng cũng luôn tạo cơ hội để học sinh vi phạm hiểu và sửa đổi. Cha mẹ cần hiểu mỗi đứa trẻ có một năng lực khác nhau, vì vậy cần tìm hiểu để giúp con phát triển đúng; tạo ra một môi trường sống lành mạnh, yêu thương cho con. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ nhà trường và giáo viên chủ nhiệm để kịp thời nắm bắt tình hình học tập của con tại trường học. Đặc biệt, cha mẹ, giáo viên hãy là tấm tấm gương sáng để các em noi theo bởi đạo đức, lối sống của phụ huynh và thầy, cô giáo luôn là bài học có ý nghĩa và hiệu quả thiết thực hơn rất nhiều bài học lý thuyết về đạo đức mà học sinh được học. Có như vậy mới góp phần ngăn chặn BLHĐ.
BLHĐ không phải là vấn đề của riêng học sinh mà cần sự chung tay của cả cộng đồng, sự phối, kết hợp đồng bộ của gia đình - nhà trường - xã hội. Quan tâm và tìm cách “giải mã” nó bằng tình thương, trách nhiệm chính là “phương thuốc” hiệu quả nhất để ngăn chặn BLHĐ!./.
Thanh Tuyền