Tiếng Việt | English

14/06/2017 - 08:36

Ngăn chặn nguồn lây bệnh Zika trong cộng đồng

Ngày 13/6, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Long An tổ chức giám sát kỹ thuật phun thuốc diệt muỗi lần II toàn bộ các hộ gia đình tại ấp 3, xã Tân Trạch, huyện Cần Đước (địa bàn có bệnh nhân dương tính với vi-rút Zika, với bán kính 200m).


Kiểm tra các dụng cụ chứa nước và thả cá diệt lăng quăng tại các hộ gia đình, phòng bệnh do vi-rút Zika

Như thông tin Báo Long An đưa trước đó, tại ấp 3, thai phụ H.T.K.T, mang thai 28 tuần tuổi được phát hiện bị nhiễm vi-rút Zika vào ngày 02/6/2017. Đây là ca nhiễm vi-rút Zika thứ 3 trong tỉnh tính từ năm 2016 đến nay. Ngày 03/6/2017, địa phương tổ chức điều tra, giám sát, phun thuốc diệt muỗi và thả cá diệt lăng quăng ở các hộ gia đình lần 1, tại ấp 3, xã Tân Trạch, với bán kính 200m.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh - bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Dũng cho biết: “Người nhiễm vi-rút Zika do bị đốt bởi muỗi Aedes aegypti (muỗi vằn) bị nhiễm vi-rút (đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue). Người bị bệnh sẽ có biểu hiện sốt, nổi ban dát sần trên da, đau đầu, đau cơ,... Bệnh thường diễn biến lành tính, hiếm gặp những ca bệnh nặng và tử vong nhưng chưa có vắc-xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu.

Vi-rút Zika có thể gây chứng đầu nhỏ ở trẻ sinh ra từ những người mẹ mắc bệnh trong thời kỳ mang thai. Trẻ bị chứng đầu nhỏ thường chậm phát triển trí tuệ, thể chất. Biện pháp phòng bệnh do vi-rút Zika hữu hiệu nhất là diệt lăng quăng; diệt muỗi, phòng muỗi đốt; loại bỏ nơi sinh sản của muỗi. Nếu thấy có biểu hiện bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn và điều trị. Phụ nữ có thai khi đi về từ các khu vực có dịch, cần đến ngay các cơ sở y tế để được tư vấn, xét nghiệm phát hiện sớm yếu tố lây nhiễm”./.

Ngọc Mận

Chia sẻ bài viết