Ngành xuất khẩu dệt may, da giày của Việt Nam dự báo sẽ có nhiều cơ hội để được hưởng lợi lớn nhờ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Song, để tận dụng cơ hội này, các doanh nghiệp (DN) trong ngành phải nhanh chóng nâng cao khả năng cạnh tranh cũng như tuân thủ các nguyên tắc cam kết theo Hiệp định này. Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo “TPP với ngành dệt may, da giày: Làm gì để tận dụng cơ hội?” diễn ra ngày 24/3 tại TP HCM.
Dệt may VN có nhiều cơ hội khi vào TPP (Ảnh minh họa: KT)
Từ nhiều năm nay, 2 ngành xuất khẩu dệt may và da giày đã trở thành mũi nhọn hết sức quan trọng của nền kinh tế VN, khi hàng năm, dệt may và da giày không ngừng mang về cho đất nước hàng chục tỷ đô la Mỹ. Mặt khác, dệt may và da giày, dù còn rất non trẻ, song đã trở thành niềm tự hào, khi đưa VN trở thành một trong những quốc gia sản xuất - xuất khẩu lớn trên thế giới trong 2 lĩnh vực này. Chỉ tính năm 2015, kim ngạch xuất khẩu của dệt may là 27,5 tỷ USD và của da giày – túi xách là 15 tỷ USD. Song, bên cạnh những thành công nói trên, còn không ít khó khăn, thách thức đối với VN, một khi TPP đang đến rất gần.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Đặng Huy Đông, việc tham gia TPP sẽ giúp kim ngạch dệt may, da giày của Việt Nam có cơ hội tăng đáng kể, trong đó dệt may là một trong những mặt hàng được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ Hiệp định này. Tuy nhiên cơ hội này chỉ thực sự được hiện thực hóa nếu có được các bước chuẩn bị chủ động, tích cực để có thể đáp ứng tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP, đồng thời giải quyết được những khó khăn nội tại của ngành như nguyên phụ liệu chủ yếu nhập khẩu, công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, tỷ lệ gia công cao, năng lực cạnh tranh còn yếu…
Ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), Phó trưởng đoàn đàm phán TPP cho rằng, khi tham gia TPP, ngành dệt may, da giày sẽ có nhiều thuận lợi khi thị trường tăng trưởng đáng kể, là tiền đề đạt quy mô sản xuất lớn; tiết kiệm tiền thuế phải nộp, có thể có lợi nhuận cao hơn cho DN; thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài… Song vấn đề đặt ra là Việt Nam có nâng cấp được chuỗi giá trị, có cạnh tranh được với các nước khác và những thuận lợi nói trên thì DN sản xuất hay nhà nhập khẩu được hưởng lợi?
Với ngành da giày, ông Diệp Thành Kiệt - Phó Chủ tịch Hiệp hội Da giày Túi xách Việt Nam - cho biết, mặc dù gần 50% nguyên liệu cho ngành hiện đã được nội địa hóa song khả năng tham gia vào trong chuỗi giá trị toàn cầu của DN Việt còn hạn chế. Cụ thể, chuỗi giá trị thời trang toàn cầu gồm 4 phân khúc: nghiên cứu phát triển-marketing, chuẩn bị điều kiện đầu vào cho sản xuất, tổ chức sản xuất (con người, máy móc thiết bị, nhà xưởng) và phân phối. Trong các phân khúc này, DN Việt mới chỉ làm được ở phân khúc tổ chức sản xuất nên tính cạnh tranh kém và sẽ khó tận dụng được cơ hội từ TPP.
Theo các chuyên gia, để tận dụng ưu đãi từ TPP, ngành dệt may, da giày cần đảm bảo quy tắc xuất xứ, đảm bảo điều kiện môi trường tốt hơn, tuân thủ nghiêm các tiêu chuẩn của ILO như không có lao động cưỡng bức, lao động trẻ em và cho phép tự do liên kết.
Ngoài ra, liên quan đến những khó khăn nội tại của ngành dệt may, da giày các chuyên gia cũng cho rằng hai ngành này cần thúc đẩy mối liên kết giữa các DN trong chuỗi giá trị thông qua việc phát triển/quy hoạch các cụm công nghiệp dệt may, da giày; tăng cường đầu tư, thu hút đầu tư vào các công đoạn sản xuất nguyên phụ liệu dệt và nhuộm; tăng cường hợp tác với các nhà đầu tư nước ngoài; đầu tư công nghệ máy móc, nâng cao khả năng thiết kế, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm…/.
Nguồn: VOV