Trường Tiểu học Tân Bửu (huyện Bến Lức) đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, chất lượng quản lý, dạy và học không ngừng được nâng lên
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngày 09-6-2014, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Chương trình số 37-CTr/TU và tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc từ tỉnh đến cơ sở. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của địa phương, ngày 05/6/2015, Sở GD&ĐT ban hành Chương trình hành động số 1166/CTr-SGDĐT và triển khai thực hiện trong toàn ngành. |
Chuyển biến mạnh mẽ
Qua hơn 3 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013, của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nền GD&ĐT của tỉnh có những chuyển biến mạnh mẽ. Đổi thay rõ nét nhất là quy mô và mạng lưới trường, lớp các ngành học, cấp học được sắp xếp, củng cố, phát triển hợp lý trên các địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp dạy học.
Theo Phó Hiệu trưởng Trường THCS Trần Văn Giàu (xã Thạnh Trị, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) - Trương Huế Phương: “Những ngày đầu khi mới chia tách từ Trường Tiểu học và THCS Thạnh Trị, trường chỉ có một dãy phòng học, trang thiết bị còn thiếu thốn. Năm 2016, trường được quan tâm đầu tư thêm dãy phòng chức năng và sân chơi cho học sinh, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy và học trên địa bàn”.
Công tác phổ cập giáo dục (PCGD) - xóa mù chữ được các địa phương đặc biệt chú trọng. Theo Sở GD&ĐT, năm 2016, có 15/15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn về PCGD mầm non trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 1, PCGD THCS mức độ 1, xóa mù chữ mức độ 1. Toàn tỉnh có 78,5% (47.207/60.097) thanh niên trong độ tuổi 18-21 có bằng tốt nghiệp THPT và tương đương (chỉ tiêu nghị quyết 73,5%).
Chất lượng GD toàn diện, GD mũi nhọn được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên theo tinh thần đổi mới. Khoảng cách chênh lệch về chất lượng GD giữa nông thôn và thành thị dần được thu hẹp. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý được củng cố, kiện toàn theo yêu cầu đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về trình độ đào tạo, đáp ứng yêu cầu đổi mới trong quản lý và dạy học.
Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Bến Lức - Trần Văn Vinh thông tin: “Ngay từ những ngày đầu thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, phòng tổ chức rà soát, sắp xếp, bổ sung, kiện toàn đội ngũ giáo viên (GV), cân đối ở các đơn vị trường học, không để tình trạng thừa, thiếu bất hợp lý. Công tác xây dựng đội ngũ được tập trung theo hướng chuẩn hóa. Hiện nay, toàn huyện có 1.241 GV, trong đó, GV đạt trình độ chuẩn và trên chuẩn là 1.240 người (chiếm 99,92%)”.
Ngoài ra, công tác quản lý GD cũng được quan tâm cải tiến, đổi mới về nội dung và phương pháp thực hiện, tác động tích cực đến việc nâng cao chất lượng và hiệu quả GD ở các đơn vị. Công tác xã hội hóa GD tiếp tục được đẩy mạnh, thu hút các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự phát triển GD&ĐT trên địa bàn.
Còn nhiều hạn chế
Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, điều kiện để bảo đảm chất lượng GD toàn diện: Sân chơi, bãi tập, các phòng chức năng, phòng bộ môn, phòng thí nghiệm, thực hành, nhà ăn,... vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Phòng học phục vụ lớp 2 buổi/ngày, lớp bán trú còn thiếu, nhất là ở vùng sâu, vùng xa trong tỉnh.
“Mặc dù ngân sách đầu tư có tăng nhưng chưa theo kịp sự phát triển quy mô GD. Hiện nay, tỷ lệ phòng học trên địa bàn huyện chỉ đáp ứng 83% so với nhu cầu, phòng đa năng chỉ đáp ứng 14%, phòng bộ môn, thiết bị, phòng thư viện, phòng y tế học đường chỉ đáp ứng 50%” - Phó Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Đức Việt đánh giá.
Trường THCS Tân Đông (huyện Thạnh Hóa) được xây dựng từ năm 1996 nên diện tích phòng học khá nhỏCùng với đó, tình trạng nhập cư với nhiều trẻ em trong độ tuổi đi học ở khu dân cư mới, khu chế xuất, khu, cụm công nghiệp tại một số địa phương tạo sức ép và tình trạng quá tải đối với hệ thống trường, lớp công lập, số học sinh trên lớp vượt quy định so với điều lệ nhà trường, nhất là ở bậc mầm non và tiểu học.
Trình độ, năng lực một số cán bộ quản lý giáo dục chưa theo kịp yêu cầu đổi mới. Vẫn còn tình trạng GV thiếu, thừa, chưa đồng bộ ở các cấp học. Một số GV chưa đổi mới phương pháp dạy học, ý thức và tinh thần trách nhiệm chưa cao trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Trình độ lý luận chính trị của GV còn hạn chế.
Giám đốc Sở GD&ĐT - Nguyễn Thanh Tiệp thẳng thắn nhìn nhận: “Chất lượng GD toàn diện tuy có chuyển biến tích cực nhưng chất lượng GD đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh còn hạn chế. Chất lượng GD mũi nhọn chưa được duy trì bền vững. Công tác GD hướng nghiệp để phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS vẫn chưa hiệu quả”.
Nỗ lực vượt khó
Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT là nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu của cả hệ thống chính trị, góp phần quan trọng trong việc phát triển KT-XH. Để làm tốt nhiệm vụ này, đồng thời thực hiện mục tiêu của Nghị quyết số 29-NQ/TW “... phấn đấu đến năm 2030, nền GD Việt Nam đạt trình độ tiến tiến trong khu vực”, ngành GD&ĐT tỉnh triển khai thực hiện một số giải pháp trọng tâm.
“Tiếp tục quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 29-NQ/TW, tăng cường và đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, giảng viên, GV và sự đồng thuận của xã hội trong đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT. Đồng thời, vận dụng, đưa những nội dung cốt lõi của Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng vào các chương trình, kế hoạch phát triển GD&ĐT đến năm 2020 để thực hiện” - ông Nguyễn Thanh Tiệp chia sẻ.
Ngày càng nhiều ngôi trường mới khang trang được xây dựng trên địa bàn tỉnhBên cạnh đó, ngành tập trung đổi mới căn bản và nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý GD, coi trọng quản lý chất lượng và đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh các tiêu cực, sai phạm hoạt động GD, nhất là hoạt động dạy thêm, học thêm, đào tạo liên thông, liên kết không đúng quy định.
Đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố cơ bản của GD, thực hiện đạt các mục tiêu về GD đến năm 2020. Trong đó, quan tâm GD đạo đức, nhân cách, lối sống, kỹ năng sống, pháp luật, ý thức công dân, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, kết hợp hài hòa dạy chữ, dạy người và dạy nghề, xây dựng môi trường GD lành mạnh.
Điều chỉnh, phát triển mạng lưới trường, lớp theo hướng đồng bộ và tập trung, bảo đảm yêu cầu về quy mô và chất lượng của các cơ sở GD mầm non, trường phổ thông, các cơ sở GD nghề nghiệp, GD thường xuyên, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện Đề án “Giải quyết vấn đề trường, lớp cho con em công nhân vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh Long An giai đoạn 2017-2020”.
Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW tuy còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng những kết quả trên chính là động lực quan trọng để ngành GD&ĐT Long An tiếp tục nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện trong thời gian tới./.
Hiện nay, các xã trên địa bàn tỉnh đều có trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học; xã hoặc liên xã có trường THCS; trường THPT được mở rộng ở nhiều địa phương. Cấp huyện đều có trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên. Cấp xã đều có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng. Đến thời điểm hiện tại, số trường đạt chuẩn quốc gia trong toàn tỉnh là 242/669 trường, đạt 36,17%, trong đó, mầm non đạt 50/224 trường (22,32%), tiểu học đạt 112/262 trường (42,75%), THCS đạt 71/135 trường (52,60%), THPT đạt 9/48 trường (18,75%). |
An Kỳ