Tiếng Việt | English

14/11/2017 - 15:33

Ngành Giáo dục và Đào tạo: Thi đua đổi mới, phát triển toàn diện

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo (GD&ĐT), đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”, ngành GD&ĐT Long An có bước chuyển mình, góp phần nâng chất lượng dạy và học.


Hệ thống trường, lớp ngày càng đáp ứng yêu cầu dạy và học

Nỗ lực đổi mới

Theo đánh giá từ Sở GD&ĐT, nhiều năm qua, ngành quan tâm GD toàn diện, GD đạo đức và kỹ năng sống cho học sinh (HS) cũng như tăng cường GD về pháp luật. Đồng thời, ngành thực hiện tốt chủ trương đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy và học; tích hợp giảng dạy các bộ môn văn hóa và các hoạt động ngoài giờ lên lớp, gắn đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” với các phong trào thi đua của ngành.

Năm học 2016-2017, quy mô và mạng lưới trường, lớp các ngành học, cấp học được sắp xếp, củng cố và phát triển hợp lý trên các địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi và cơ hội học tập cho mọi người. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tiếp tục được đầu tư, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và phương pháp dạy học.

Ngành GD&ĐT hoàn thành phổ cập GD mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thành quả công tác xóa mù chữ, phổ cập GD tiểu học, phổ cập GD THCS được giữ vững cả về số lượng lẫn chất lượng. Tỷ lệ huy động trẻ em đi học trong độ tuổi luôn đạt chỉ tiêu kế hoạch của tỉnh. Chất lượng GD các cấp được duy trì, củng cố và ngày càng được nâng lên theo tinh thần đổi mới. Hoạt động GD kỹ năng sống, hoạt động trải nghiệm với nhiều hình thức tổ chức phong phú, tạo hứng thú cho HS tham gia. Mô hình lớp chất lượng cao bước đầu đạt hiệu quả, tạo được lòng tin của phụ huynh, HS,...

Ngành tiếp tục triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch GD, dạy học theo chuẩn kiến thức, kỹ năng, điều chỉnh nội dung dạy học theo đúng quy định của Bộ GD&ĐT. Tăng cường quản lý, kiểm tra chuyên môn của cơ sở, thực hiện đổi mới phương pháp, phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của HS, rèn luyện phương pháp tự học và vận dụng kiến thức vào thực tế. Tham gia các hội thi cấp quốc gia đạt nhiều giải cao, thể hiện sự tiến bộ của giáo viên (GV) và HS.

Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT - Nguyễn Hồng Phúc cho biết, mạng lưới trường, lớp phát triển rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Các xã cơ bản đều có trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học. Xã, liên xã có trường THCS. Mạng lưới trường THPT được mở rộng ở nhiều địa phương. Loại hình trường mầm non - tiểu học; trường tiểu học, THCS và THPT; trường THPT phát triển theo định hướng chất lượng cao được thành lập. Cấp huyện có trung tâm GD nghề nghiệp - GD thường xuyên; cấp xã có trung tâm văn hóa - thể thao và học tập cộng đồng. Hầu hết cơ sở GD mầm non đều tạo môi trường GD phù hợp điều kiện thực tế của trường, lớp và khả năng của trẻ.

Về GD tiểu học, các trường tập trung dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng chương trình; điều chỉnh nội dung dạy phù hợp yêu cầu đổi mới kiểm tra, đánh giá; chú trọng GD đạo đức, kỹ năng sống cho HS; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học và quản lý; tổ chức kiểm tra định kỳ nghiêm túc, đúng thực chất.

Đối với GD trung học, trong dạy và học luôn chú trọng hướng dẫn HS phương pháp tự học, tự nghiên cứu; tăng cường tổ chức cho các em học tập, nghiên cứu, làm việc nhóm; khuyến khích, hướng dẫn và tạo điều kiện để HS nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức được học vào thực tế. Các trường tiếp tục tham gia dạy thí điểm tiếng Anh theo chương trình mới 10 năm (cấp THCS có 128/135 trường tham gia, cấp THPT có 6/49 trường tham gia (tăng so với cùng kỳ) và dạy lớp 6 theo mô hình trường học mới. Mở rộng thực hiện các lớp 2 buổi/ngày, lớp bán trú nhằm nâng chất lượng GD, giảm tỷ lệ học sinh yếu, kém, học sinh bỏ học do học lực yếu, kém.

Không những vậy, đội ngũ GV và cán bộ quản lý tăng về số lượng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Tỷ lệ cán bộ quản lý, GV đạt chuẩn và trên chuẩn ở các cấp học đạt 99,98%. Số công chức, viên chức có trình độ sau đại học là 161 (gồm 1 tiến sĩ, 160 thạc sĩ).

Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục được đẩy mạnh, tạo sự chuyển biến tích cực nhằm thu hút các nguồn lực của xã hội, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân đến sự phát triển GD&ĐT trên địa bàn.

Năm học 2016-2017, kết quả tốt nghiệp THPT của tỉnh cao nhất từ trước đến nay với 99,15%. Trong đó, giáo dục (GD) phổ thông 99,63%; GD thường xuyên 95,97%.

Năm học qua, ngành đề nghị Bộ GD&ĐT xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân cho 1 giáo viên và Nhà giáo ưu tú cho 65 cán bộ, giáo viên trong tỉnh; xét tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp GD” năm 2017 cho 104 cá nhân trong và ngoài ngành. Có 21 tập thể nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh.

Đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 242/659 trường từ mầm non đến phổ thông đạt chuẩn quốc gia, đạt 36,72%. Trong đó, mầm non 50/213 trường (23,47%), tiểu học 112/262 trường (42,75%), THCS 71/135 trường (52,59%), THPT 9/49 trường (18,37%).

Không ngừng phấn đấu

Góp vào thành tích của ngành, chắc chắn không thể thiếu những đơn vị điển hình, những tấm gương tận tụy, hết lòng vì công việc. Một trong số đó phải kể đến Trường THPT Đức Hòa, huyện Đức Hòa - ngôi trường với bề dày thành tích.

Năm học vừa qua là năm khá thành công với thầy và trò Trường THPT Đức Hòa khi liên tục “gặt hái” được nhiều kết quả. Là năm thứ 3, trường nhận cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh, có nhiều học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia về văn hóa, khoa học - kỹ thuật và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, đậu đại học thuộc tốp cao trong tỉnh.


Học sinh Trường THPT Đức Hòa trong một tiết học Giáo dục ngoài giờ

Một trong những học sinh tiêu biểu của trường là em Lê Tấn Dương, lớp 12A10. Dương không chỉ giỏi văn hóa mà còn có niềm đam mê sáng tạo. Đặc biệt, với sản phẩm “Giàn phơi quần áo thông minh” giúp Dương đoạt giải Nhì cấp tỉnh và Khuyến khích cấp Quốc gia cuộc thi Sáng tạo khoa học - kỹ thuật dành cho học sinh THCS và THPT năm học 2016-2017.

Dương cho biết: “Em luôn có niềm đam mê với khoa học nên dù trải qua khó khăn, thất bại nhiều lần, em vẫn không nản lòng. Bước vào năm học cuối khá bận rộn nhưng em luôn ước mơ sáng tạo thêm những sản phẩm khác, có thể giúp ích cho mọi người”.

Hiệu trưởng trường - thầy Huỳnh Công Thành nhận định, xuyên suốt nhiều năm nay, trường luôn duy trì khá nhiều phong trào nhằm nâng chất lượng dạy và học. Mỗi năm, tập thể GV trong trường đều phải suy nghĩ, có sự đổi mới trong giảng dạy để “kích thích” và thu hút học trò. Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, trường phát động hội thi với chủ đề “Tiết dạy tốt”. Theo đó, mỗi tổ chọn một GV đại diện đăng ký. GV đó phải dốc hết sức lực, khả năng, giảng dạy thật hiệu quả, thú vị và nhất là tiết học đó phải truyền cảm hứng cho học trò. Ban Giám khảo tham dự tiết học và đưa ra nhận xét, đánh giá. Vì vậy, bản thân GV cần cố gắng, tự học, thể hiện tốt nhất vì mình là gương mặt đại diện cho tổ.

Ngoài ra, trường duy trì 3 lớp tự nhiên ở mỗi khối học, chú trọng rèn luyện học sinh giỏi, các phong trào thi đua về thể dục - thể thao và đặc biệt là văn nghệ,... nhằm giúp các em vui chơi, giải trí, giảm áp lực sau những giờ học.


Các bé Trường Mẫu giáo Phước Lại trong giờ học

Hiện tại, dù chưa đạt chuẩn quốc gia nhưng Trường Mẫu giáo Phước Lại, huyện Cần Giuộc được đánh giá là một trong những trường có nhiều thành tích. Kết quả có được là do sự đoàn kết của tập thể cán bộ, GV.

Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Phước Lại - Trần Thị Mỹ Loan thông tin, Phước Lại chưa đạt chuẩn quốc gia xét về GD mầm non nhưng kiểm định chất lượng GD đạt mức độ 3. Trường có 1 điểm chính và 2 điểm phụ. Dù là xã miền hạ, điều kiện còn khó khăn nhưng trường tổ chức dạy bán trú cho trẻ từ nhiều năm nay. Đặc biệt, công tác xã hội hóa ở trường khá mạnh. Cách đây vài năm, khi tổ chức dạy bán trú, trường vận động xã hội hóa 2 lần để xây bếp tập thể tạm thời nấu ăn cho trẻ với kinh phí lúc ấy lên đến 40 triệu đồng. Trong năm học trước, người dân hiến đất và địa phương hỗ trợ kinh phí làm sân trường khoảng 200 triệu đồng. Mới đây, trường lại tiếp tục xã hội hóa làm hàng rào, máy phun sương,...

Theo cô Loan: “Trường luôn chú trọng giữ gìn vệ sinh, bảo vệ sức khỏe cho trẻ. Chúng tôi luôn lấy việc “sạch” từ phòng học đến phòng ăn làm phương châm cho các GV mầm non. Trong khi một số trường mầm non ký hợp đồng với các cơ sở nấu ăn bên ngoài để cung cấp suất ăn cho trường học, nhà trường chỉ cần quản lý và lưu mẫu thức ăn định kỳ để theo dõi thì ở Trường Mẫu giáo Phước Lại không thực hiện như vậy. Dù khuôn viên trường nhỏ nhưng Ban Giám hiệu vẫn duy trì nấu ăn cho trẻ tại trường nhằm bảo đảm an toàn và chất lượng bữa ăn”.

Mỗi ngày 2 lần, sau khi thức ăn được nấu xong, ông Lê Văn Lơn (người dân địa phương) cùng 2 bảo vệ thay phiên nhau chở từng phần cơm từ điểm chính đến 2 điểm phụ. Việc làm này được ông Lơn duy trì đều đặn từ mấy năm nay. Ông chia sẻ: “Tôi cũng có cháu học tại trường nên rất thương bọn trẻ. Ở nhà, tôi không bận gì nhiều nên sắp xếp thời gian đi chở cơm phụ các cô trong trường. Mỗi lần di chuyển với khoảng cách gần 8km nên tôi thường đi sớm để kịp giao cơm đúng giờ”.

Yêu nghề, mến trẻ, cô Loan luôn tận tụy với công việc. Cô rất tỉ mỉ, dành thời gian nghiên cứu, tìm tòi trang trí một số đồ dùng trong học tập. Sự gần gũi, tận tụy của cô càng thắt chặt mối đoàn kết giữa các thành viên trong trường. Vì lẽ đó, từ bảo vệ đến cấp dưỡng, dù lương thấp nhưng vẫn gắn bó với trường từ nhiều năm nay.

Theo Sở GD&ĐT, năm học 2017-2018, ngành xác định, tiếp tục tăng cường nề nếp, kỷ cương; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh; tập trung nâng cao chất lượng GD ở các cấp học và trình độ đào tạo; quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; chú trọng GD đạo đức, lối sống và ý thức chấp hành pháp luật cho HS, sinh viên./.

Thanh Nga

Chia sẻ bài viết