Tiếng Việt | English

24/02/2016 - 11:08

Ngành Y tế Long An: Nhiều kết quả nổi bật

Năm 2015, ngành y tế tỉnh Long An thực hiện tốt chức năng quản lý, điều hành y tế công lập, tiếp tục tăng cường quản lý, kiểm tra công tác y dược tư nhân. Hệ thống y tế dự phòng từ tỉnh đến cơ sở đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, góp phần giảm thiểu việc lây truyền các dịch bệnh nguy hiểm, không có bệnh dịch mới nổi.

Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho nhân dân

Chủ động phòng, chống dịch bệnh

Năm 2015, Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Long An luôn cố gắng, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Trong công tác phòng, chống dịch bệnh, chủ động xây dựng kế hoạch, đánh giá nguy cơ tiềm ẩn, thường xuyên kiểm tra, giám sát, nâng cao chất lượng công tác chẩn đoán để phát hiện dịch sớm, hạn chế lây lan ra cộng đồng.

Các đơn vị chuyên môn của ngành Y tế tỉnh cũng giám sát chặt chẽ các bệnh gây dịch như: Tiêu chảy cấp; viêm đường hô hấp vùng Trung đông MERS-CoV; bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhóm A (Ebola, cúm A/H7/N9, cúm A/H5N1, và cúm A/H1N1 và SARS); bệnh tay - chân - miệng (theo ghi nhận mắc 2.679 ca, giảm 28,1% so với cùng kỳ);…

Công tác tiêm chủng mở rộng đạt nhiều thành tựu, được Bộ Y tế đánh giá cao về tính chủ động. Hằng năm, ngành Y tế tỉnh duy trì tiêm chủng đầy đủ từ 98% trở lên, bảo đảm an toàn tuyệt đối, đem lại niềm tin cho nhân dân; củng cố toàn bộ hệ thống tiêm chủng từ huyện đến cơ sở, rà soát trang thiết bị, hệ thống kỹ thuật, đào tạo nhân lực, bảo đảm các chỉ tiêu đề ra.

Nhiều kết quả nổi bật

Xác định lao là bệnh nguy hiểm, mức độ lây lan cao, ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và sự phát triển KT-XH, vì thế, công tác phòng, chống lao được ngành Y tế tỉnh triển khai và duy trì tại 100% huyện, thị xã, thành phố. Việc quản lý, cấp phát thuốc, điều trị cho bệnh nhân lao tại tuyến y tế cơ sở được bảo đảm, tỷ lệ dân số được chương trình chống lao tiếp cận và bảo vệ đạt 100%.

Các chương trình phòng, chống bệnh phong và da liễu, HIV/AIDS, sức khỏe tâm thần, đái tháo đường và tăng huyết áp cũng được ngành Y tế tỉnh thực hiện khá tốt.

Riêng công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm được ngành Y tế tỉnh đặc biệt quan tâm. Năm 2015, ngành cấp chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm cho 480 trường hợp, đồng thời chỉ đạo cho Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm phối hợp các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở mua bán, kinh doanh thực phẩm.

Tuy nhiên, tình trạng ngộ độc thực phẩm vẫn xảy ra. Trong năm, trên địa bàn tỉnh ghi nhận 5 vụ ngộ độc thực phẩm, với 521 người mắc (không tăng về số vụ và số người tử vong nhưng tăng về số người mắc so cùng kỳ năm 2014).

Trong năm 2015, ngành Y tế tỉnh khám và điều trị bệnh cho gần 2.600.000 lượt bệnh nhân. Các đơn vị thuộc ngành Y tế tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, thực hiện các biện pháp nâng cao y đức, cải tiến quy trình chuyên môn, cải cách thủ tục hành chính giảm chờ đợi, phiền hà cho người bệnh; xây dựng kế hoạch phát triển kỹ thuật, đào tạo, từng bước nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ y tế, nhất là ở các chuyên khoa, chuyên ngành, một số kỹ thuật chuyên sâu được triển khai tại tuyến huyện.

Vận động, khai thác ngoại lực

Cùng với phát huy nội lực, ngành Y tế tỉnh còn tranh thủ nguồn kinh phí hỗ trợ (vốn ODA) thực hiện hai dự án: Hỗ trợ xử lý chất thải bệnh viện giai đoạn 2013-2017; sử dụng vốn kết dư giúp hệ thống xử lý nước thải công nghệ AAO-MBR và xử lý chất thải rắn công nghệ không đốt vi sóng hoàn thiện và sử dụng hiệu quả tại Bệnh viện Đa khoa Long An; cung cấp bổ sung thiết bị hậu cần nội bộ bảo đảm công tác phân loại, thu gom và vận chuyển chất thải y tế tạo cảnh quan môi trường sạch, đẹp cho bệnh viện; Dự án phòng, chống bệnh truyền nhiễm tiểu vùng sông Mê Kông, được triển khai thực hiện tại các huyện Tân Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Đức Huệ và thị xã Kiến Tường.

Nỗ lực khắc phục hạn chế

Mặc dù đạt những kết quả đáng ghi nhận, nhưng ngành Y tế tỉnh vẫn tồn tại một số hạn chế cần khắc phục: Tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, mô hình bệnh tật thay đổi, một số bệnh truyền nhiễm có xu hướng quay trở lại; nhân lực còn thiếu về lượng và hạn chế về chất; chưa có chính sách ưu đãi để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao; tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân còn thấp so với nhu cầu tại địa phương (hiện nay mới đạt 21,5 giường).  

Công tác khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế mặc dù có cải tiến quy trình tại các cơ sở khám, chữa bệnh nhưng có nơi, có lúc chưa đáp ứng nhu cầu của người dân do thiếu nhân sự; tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế (giai đoạn 2011-2020) còn rất thấp do chưa đạt tiêu chí về cơ sở vật chất và vệ sinh môi trường; việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng và công tác tiêm ngừa dịch vụ còn chậm; thủ tục đề nghị cấp chứng nhận an toàn sinh học cho phòng xét nghiệm một số đơn vị chưa đầy đủ;…

Thực hiện phương châm “thầy tại chỗ, thuốc tại chỗ”, những chiến sĩ khoác áo blouse trắng tỉnh Long An tiếp tục ghi dấu thêm nhiều chiến công trên mặt trận chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân./.

Thanh Bình

Chia sẻ bài viết