Tiếng Việt | English

25/04/2018 - 09:21

Ngày 7/5, xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương vụ bệnh nhân chạy thận chết

TAND tỉnh Hòa Bình đã quyết định mở phiên xét xử sơ thẩm vụ vô ý làm chết người, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình từ ngày 7 đến 11/5.

Bác sĩ Hoàng Công Lương (trái) và luật sư Nguyễn Văn Chiến (người bào chữa cho bác sĩ Lương) - Ảnh: N.V

3 bị cáo phải hầu tòa gồm bác sĩ Hoàng Công Lương (Khoa hồi sức tích cực- Đơn nguyên thận nhân tạo); Trần Văn Sơn (Cán bộ phòng vật tư, trang thiết bị y tế của Bệnh viện) bị đưa ra xét xử về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. 

Riêng bị cáo Bùi Mạnh Quốc (giám đốc công ty Trâm Anh) bị đưa ra xét xử về tội vô ý làm chết người.

Trước đó, bác sĩ Lương đã có đơn mời luật sư Lê Văn Thiệp (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) tham gia bào chữa ở phiên tòa sơ thẩm. Luật sư Thiệp đã gửi hồ sơ để đăng ký bào chữa theo quy định. 

Tuy nhiên tại quyết định đưa vụ án ra xét xử, danh sách các luật sư bào chữa cho bác sĩ Lương lại không có tên luật sư Lê Văn Thiệp.

Luật sư Thiệp cho biết từ nay đến ngày 7/5, nếu TAND tỉnh Hòa Bình không cấp giấy chứng nhận người bào chữa cho ông thì phiên tòa có khả năng sẽ bị hoãn xử lần đầu.

Như Tuổi Trẻ Online đã thông tin, việc các cơ quan tố tụng tỉnh Hòa Bình khởi tố, truy tố và đưa ra xét xử đối với bác sĩ Hoàng Công Lương đã khiến dư luận có nhiều ý kiến không đồng tình.

Sự cố y khoa xảy ra tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 20/4/2017 khiến 8 bệnh nhân chạy thận bị tử vong. Viện khoa học hình sự Bộ Công an đã xác định nguyên nhân chết của 8 bệnh nhân đều do bị ngộ độc Florua.

Trước đó, do hệ thống lọc nước bị hỏng nên bệnh viện đã ký hợp đồng với công ty sửa chữa. Bùi Mạnh Quốc là người đã sử dụng hỗn hợp Axit Flohydric (HF) và Axit Clohydric (HCL) để sục rửa các vỏ màng lọc. 

Đây là những loại hóa chất không có trong danh mục được dùng trong y tế. Do cẩu thả nên Quốc đã để tồn dư một lượng lớn hóa chất trong hệ thống nước.

Theo quy trình sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước, để đảm bảo chất lượng nước trước khi đưa vào sử dụng chạy thận nhân tạo thì nhất thiết phải làm xét nghiệm để kiểm tra chất lượng nước có phù hợp với tiêu chuẩn hay không. 

Việc xét nghiệm tồn dư hóa chất khi súc rửa hệ thống lọc nước RO là bắt buộc. 

Tuy nhiên, Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn - người được giao nhiệm vụ giám sát việc sửa chữa hệ thống đã không thực hiện việc xét nghiệm chất lượng nước trước khi tiến hành chạy thận cho các bệnh nhân.

Bác sĩ Hoàng Công Lương bị cáo buộc khi chỉ mới nghe điều dưỡng thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường đã "chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn cho điều trị và để hoạt động lọc máu diễn ra".

Cáo buộc này của Viện KSND tỉnh Hòa Bình đã gặp phải sự phải đối của nhiều chuyên gia. TS.Nguyễn Quang Huy, Vụ trưởng Vụ pháp chế, Bộ Y tế cho rằng nhiệm vụ của bác sĩ là chữa bệnh chứ không thể chịu trách nhiệm về việc kiểm tra máy móc và chất lượng nước. 

Theo TS.Huy, nếu bác sĩ Lương kiểm tra cũng không kiểm tra nổi vì bác sĩ không được đào đạo, cũng không có máy móc và vật tư để kiểm tra./.

Theo Tuoitre.vn

Chia sẻ bài viết