Nhà báo Phạm Văn Định: Phóng viên muốn trưởng thành phải đi nhiều, viết nhiều
Quê ở Thái Bình nhưng sau khi tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP.HCM, tôi lại về Long An lập nghiệp. Chọn nghề báo, một nghề không đúng với chuyên ngành được đào tạo, đối với tôi những ngày đầu không phải chuyện dễ dàng, mọi thứ đều xa lạ. Có người nói với tôi, làm phóng viên phải mất ít nhất 5 năm mới có thể gọi là trưởng thành, phải thường xuyên đi cơ sở, tiếp xúc nhiều với người dân để có những bài viết chân thực nhất, gần gũi nhất. Đó cũng là cách tốt nhất để tôi quen với công việc và địa bàn.
Nhà báo Phạm Văn Định (áo đỏ) tác nghiệp tại Trường Sa
Mặc dù được phân công viết mảng pháp luật - bạn đọc, là một mảng tương đối khó nhưng tôi cũng may mắn khi từ những ngày đầu tiên được anh đồng nghiệp nhiều kinh nghiệm trong cơ quan hướng dẫn và chở đi công tác cùng. Sau mỗi chuyến đi, đối với tôi như được trải nhiệm những câu chuyện mới về đất và người Long An. Đặc thù công việc liên quan nhiều đến mảng pháp luật - bạn đọc, tôi luôn trân trọng những lá đơn, những cuộc điện thoại từ bạn đọc phản ánh. Cũng chính từ đó, tôi luôn tự học hỏi, trau dồi thêm cho mình những kiến thức pháp luật để đáp ứng yêu cầu công việc.
Gắn bó với nghề gần 8 năm, khoảng thời gian chưa phải là dài so với các đồng nghiệp khác nhưng với tôi, mỗi chuyến công tác đều là những trải nghiệm đáng quý trong cuộc sống. Đó là khi đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, là những trăn trở, băn khoăn khi tôi không thể giúp được một cô giáo vì đấu tranh với sai phạm mà chịu nhiều thiệt thòi. Và đó là những niềm vui khi thông qua bài viết của mình nói lên được tiếng nói của người dân, hay phản ánh được các vấn đề bức xúc trong đời sống thường ngày. Bạn đọc sẽ ngày càng khắt khe hơn, đòi hỏi cao hơn nhưng với tôi cũng như nhiều đồng nghiệp khác, đó vừa là thách thức, vừa là động lực, yêu cầu để mỗi phóng viên phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Phóng viên Nguyễn Huỳnh Quế Quyên: Luôn phấn đấu để ngày càng hoàn thiện hơn
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành truyền thông, tôi chọn về quê công tác. Đến nay, tôi có hơn 7 năm “xông pha” với tuyến đầu thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An. Những tác phẩm báo chí mà bản thân thực hiện được khán giả công nhận là niềm động viên rất lớn để tôi theo đuổi nghề báo. Dù còn một số hạn chế nhưng tôi sẽ luôn cố gắng, phấn đấu để ngày càng hoàn thiện hơn, vững nghề hơn. Nếu được chọn lại một lần nữa, tôi sẽ vẫn chọn nghề báo!
Đối với phóng viên Nguyễn Huỳnh Quế Quyên, mỗi chuyến công tác là một trải nghiệm bổ ích
Hơn 7 năm gắn bó với nghề cho tôi biết bao niềm vui, vinh quang nhưng cũng lấy đi rất nhiều nước mắt. Những kỷ niệm buồn, vui trong nghề khó mà kể hết. Tôi buồn khi gặp những cảnh đời bất hạnh rồi lại vui khi nhìn thấy những nụ cười, những ánh mắt hạnh phúc của họ khi được giúp đỡ thông qua bài viết của mình. Làm báo, tôi được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Những chuyến tác nghiệp thực tế cho tôi nhiều trải nghiệm, giúp tôi trưởng thành hơn trong công việc, chín chắn hơn trong cuộc sống và ngày thêm say mê với nghề mình đã chọn.
Phóng viên Lê Việt Hằng: Làm phóng viên đài truyền thanh huyện phải đa năng
Với đòi hỏi chuyên môn về sự nhanh nhạy, kịp thời trong thông tin, phóng viên chúng tôi lúc nào cũng trong tư thế sẵn sàng tác nghiệp. Không chỉ phải đi thực tế để thu thập thông tin mà còn phải hoàn thành tác phẩm đúng kỳ, đúng “hẹn”. Để tồn tại, báo nói (phát thanh) cũng có sự cạnh tranh rất lớn về tính chính xác, độ nhanh nhạy của thông tin. Do đó, trong nghề báo không cho phép tồn tại những khái niệm “hình như” hay “nghe nói” mà mỗi tin, bài đều phải có cơ sở, căn cứ, xuất phát từ quá trình khảo sát thực tế và trên cơ sở tiếp cận thông tin đa chiều.
Phóng viên Lê Việt Hằng lắng nghe và ghi chú kỹ mỗi lần tác nghiệp
Mỗi một chuyến đi, một mảnh đời hay một nhân vật từng tiếp xúc đều cho tôi những kỷ niệm, bài học bổ ích riêng. Phóng viên đài truyền thanh huyện đa năng lắm, quay phim được, chụp ảnh được, viết tin, phóng sự từ báo hình, báo nói cho đến báo in đôi khi còn kiêm luôn nhiệm vụ của một phát thanh viên. Dù lượng công việc tương đối lớn và đa dạng nhưng mỗi một phóng viên vẫn luôn nỗ lực, sống hết mình bằng cái tâm của nghề để tiếp tục đi, viết, trải nghiệm những điều mới mẻ, để có những tác phẩm báo chí chất lượng phục vụ độc giả, khán giả, thính giả.
Phóng viên Trương Huỳnh Thùy Hương: Người làm báo không thể ngồi một chỗ
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Văn học nhưng tôi lại chọn gắn bó nghề báo với mong muốn được đi “du lịch” nhiều nơi, tìm hiểu những điều mới mẻ mỗi ngày. Làm báo đòi hỏi mỗi phóng viên phải luôn suy nghĩ. Đề tài cũ chưa hoàn thành xong lại lo tìm đề tài mới. Tôi vẫn còn nhớ những ngày đầu chống dịch Covid-19, đó là những ngày mà tôi cùng chị đồng nghiệp liên tục có những chuyến công tác đột xuất để vừa bảo đảm tin thời sự, vừa hoàn thành bài viết được giao. Công việc cứ thế quay cuồng nhưng đó lại là niềm vui, động lực để tôi cố gắng đem những thông tin mới nhất đến với độc giả.
Phóng viên Trương Huỳnh Thùy Hương tác nghiệp trong ngày hội tòng quân
Để có những tác phẩm báo chí chất lượng, mang “hơi thở” cuộc sống, người làm báo không thể ngồi một chỗ mà phải thường xuyên “đi đây, đi đó” để thu thập thông tin. Người làm báo phải chịu được áp lực và có trách nhiệm với mỗi bài viết của mình. Chính vì thế, tôi luôn cố gắng học hỏi kinh nghiệm từ những đồng nghiệp đi trước, dành nhiều thời gian đi công tác, không ngừng tự trau dồi thêm kỹ năng để có những tác phẩm hay và bám trụ với nghề mình đã chọn./.
Kỳ Nam (ghi)