Phóng viên, nhà báo luôn có mặt ở mọi sự kiện để kịp thời thông tin đến bạn đọc
Những trải nghiệm đáng quý
Tốt nghiệp Đại học Tổng hợp TP.HCM (bây giờ được tách thành Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), chuyên ngành Ngữ văn, năm 1983, nhà báo Lưu Sanh Minh về Đài Phát thanh và Truyền hình Long An công tác với vị trí phóng viên biên tập. Qua thời gian công tác, nhà báo Sanh Minh có hàng trăm bài viết, phóng sự phản ánh kịp thời tình hình thời sự, những vấn đề đời sống xã hội trên địa bàn. Hiện nay, nhà báo Sanh Minh không còn trực tiếp “tay máy, tay bút” vì đã chuyển sang công tác quản lý. Với nhà báo Sanh Minh, sau gần 40 năm công tác, nghề báo đã mang đến cho bản thân nhiều trải nghiệm đáng quý về công việc và cuộc sống. Tháng 6-2020, nhà báo Sanh Minh vinh dự là 1 trong gần 200 nhà báo tiêu biểu của toàn quốc được vinh danh gặp gỡ tại Thủ đô Hà Nội.
Nhà báo Lưu Sanh Minh, Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, 1 trong gần 200 nhà báo tiêu biểu được tuyên dương tại Thủ đô Hà Nội
Theo nhà báo Sanh Minh, muốn là một nhà báo được tôn trọng, trước hết phải ra sức học tập, rèn luyện, trau dồi kiến thức, kỹ năng, có lập trường, tư tưởng vững vàng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, mỗi nhà báo phải giữ vững đạo đức người làm báo, khi tác nghiệp luôn tôn trọng lẽ phải, công tâm, hành nghề khách quan, trung thực, không đổi trắng thành đen, đen thành trắng, không vì lợi ích cá nhân để nói sai sự thật mà luôn bênh vực lẽ phải, công bằng xã hội. “Là người quản lý mảng thời sự của Đài Phát thanh và Truyền hình Long An, tôi cũng có nhiều áp lực trong xử lý công việc chuyên môn vì đây là chương trình được đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh quan tâm, theo dõi. Do đó, xử lý tin tức vừa phải đáp ứng những vấn đề mang tính chính trị, vừa phải đáp ứng thông tin thời sự, những vấn đề nóng được dư luận, nhân dân quan tâm. Trong điều hành công việc, tôi phải bảo đảm sự công tâm, minh bạch, không vị nể cá nhân để được đồng nghiệp tín nhiệm” - nhà báo Lưu Sanh Minh cho biết.
Phóng viên Văn Đát, công tác tại Báo Long An, trưởng thành từ Đài Truyền thanh huyện Tân Hưng. Lúc đầu, anh là nhân viên kỹ thuật nhưng sau này lại “gắn” với nghề báo. Môi trường báo chí đã mang đến cho anh nhiều trải nghiệm. sau hơn 11 năm làm tại Đài Truyền thanh huyện, năm 2016, phóng viên Văn Đát được chuyển về Báo Long An công tác. Những vùng đất biên giới Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Kiến Tường với những con người đôn hậu đã trở thành đề tài bất tận trong các bài viết của anh.
Phóng viên Văn Đát cho biết: “Khi mới về cơ quan báo chí, dù đã có kinh nghiệm hơn 10 năm làm tại đài truyền thanh huyện nhưng ban đầu, tôi có những khó khăn nhất định. Khó vì trước đây quen viết báo nói, nay chuyển sang báo in, hơn nữa phải thực hiện nhiều bài viết với những mảng đề tài khác nhau. Thời gian làm nghề giúp tôi tích lũy kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ của đồng nghiệp nên bản thân ngày càng trưởng thành hơn trong nghề”. Gần 5 năm gắn bó với Báo Long An, phóng viên Văn Đát là một trong số những phóng viên dẫn đầu về số lượng tin, bài và có không ít tác phẩm báo chí đoạt giải thưởng hàng năm. Anh cũng là phóng viên gắn bó thường xuyên với các địa bàn biên giới.
Phóng viên Văn Đát tâm sự: “Nghề báo đi nhiều nên đôi lúc chưa lo cho gia đình trọn vẹn nhưng may mắn, tôi luôn có hậu phương vững chắc để toàn tâm, toàn ý cho công việc”. Nói về những gì nghề báo mang lại, phóng viên Văn Đát cho rằng, nghề báo có những đặc thù, được tiếp xúc với nhiều vấn đề, khía cạnh của cuộc sống, qua đó mang đến cho người làm nghề nhiều trải nghiệm. “Nếu không làm nghề báo, có lẽ tôi sẽ khó có được trải nghiệm những ngày lênh đênh trên biển để đến các nhà giàn DK1, tận tay mang những món quà của đồng bào trong đất liền gửi đến những cán bộ, chiến sĩ Trường Sa đang ngày đêm canh giữ, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và nếu không phải là phóng viên, chắc rằng tôi sẽ chẳng được đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người để thấy cuộc đời thật nhiều những điều tốt đẹp”.
Vinh quang nhưng không ít khó khăn, thử thách
Nhiều người nghĩ, nghề báo rất nhàn khi thấy phóng viên, nhà báo thường lang thang ở những quán cà phê hay có khi là bắt đầu ngày mới từ 9 giờ sáng. Nhưng ít ai biết rằng, những người làm báo phải vất vả, thậm chí đối diện với những nguy hiểm để có được thông tin trước khi đưa đến bạn đọc. Nghề báo có thể mang đến những vinh quang nhưng cũng không ít khó khăn, thử thách và cả những cạm bẫy với người cầm bút.
Đến với nghề báo một cách tình cờ, 10 năm công tác tại Báo Long An đã mang đến cho nhà báo Thanh Nga nhiều cung bậc cảm xúc. Đó là những giọt mồ hôi, nước mắt trong những chuyến công tác xa nhà tại các huyện biên giới nhưng đó cũng là niềm vui khi tác phẩm của mình được độc giả đón nhận và có duyên khi đoạt nhiều giải thưởng báo chí.
Nghề báo được xem là nghề khó, áp lực nên đòi hỏi bản thân phải tự học tập, trau dồi để không bị thụt lùi trước thời buổi công nghệ thông tin và lạc hậu so với đồng nghiệp. Nhưng nghề báo cũng “mất” đôi chút khi có những ngày lễ hay ngày nghỉ cuối tuần vẫn phải đi làm, thời gian dành cho gia đình, người thân vì thế không nhiều. Với những nữ nhà báo thì khó khăn sẽ nhân lên gấp bội khi vừa phải tròn bổn phận gia đình, vừa chuyên tâm cho nghề nghiệp”.
Nhà báo Thanh Nga
|
Theo nhà báo Thanh Nga, nghề báo mang tính chất đặc thù, được nhiều người ví là “người thư ký của thời đại” hay “quyền lực thứ tư” nhưng cái được lớn nhất nghề báo mang lại là đi nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người giúp nhà báo có thêm hiểu biết, trải nghiệm trong công việc, cuộc sống. Nghề báo được xem là nghề khó, áp lực nên đòi hỏi bản thân phải tự học tập, trau dồi để không bị thụt lùi trước thời buổi công nghệ thông tin và lạc hậu so với đồng nghiệp. Nhưng nghề báo cũng “mất” đôi chút khi có những ngày lễ hay ngày nghỉ cuối tuần vẫn phải đi làm, thời gian dành cho gia đình, người thân vì thế không nhiều. Với những nữ nhà báo thì khó khăn sẽ nhân lên gấp bội khi vừa phải tròn bổn phận gia đình, vừa chuyên tâm cho nghề nghiệp.
“Suy cho cùng, tôi nghĩ rằng, được nhiều hơn mất trong 10 năm làm nghề. Nghề báo là một nghề chân chính như bao nghề khác để nuôi sống bản thân, gia đình. Dù cuộc sống, công việc không phải lúc nào cũng là màu hồng, cũng có lúc buồn phiền, khó khăn nhưng thay vì “trốn” vào một góc nhỏ nào đó để than thở, tôi sẽ đi đến những vùng đất mới, đơn giản chỉ để trải lòng mình và thỏa sức với nghiệp viết lách. Và những lúc như vậy, tôi lại nhớ đến lời động viên của một đồng nghiệp đã từng an ủi mình: “Hãy yêu nghề, phấn đấu với nghề đi rồi bạn sẽ được những thành công của nghề mang lại” - nhà báo Thanh Nga cho biết./.
Kiên Định