Tiếng Việt | English

19/06/2021 - 15:35

Nghề báo tuy nhọc nhằn nhưng hạnh phúc

Nghề báo luôn đối mặt với những khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn làm báo hiện nay nhưng đổi lại, niềm vui, hạnh phúc luôn đong đầy khi chúng ta nhận thấy “đứa con tinh thần” kịp thời đến với bạn đọc, được độc giả trân trọng và đón nhận.

Nghề báo luôn đối mặt với những khó khăn, vất vả, thậm chí là nguy hiểm, nhất là trong giai đoạn làm báo hiện nay nhưng đổi lại, niềm vui, hạnh phúc luôn đong đầy khi chúng ta nhận thấy “đứa con tinh thần” kịp thời đến với bạn đọc, được độc giả trân trọng và đón nhận.

Nhiều năm trước, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã biết đến nghề báo vì khi ấy ở quê tôi, rất nhiều đoàn mạnh thường quân về hỗ trợ tiền, học bổng, xe đạp, tập, sách cho học sinh nghèo,... đều do các anh nhà báo làm cầu nối. Họ là những người con xa xứ nhưng lúc nào cũng hướng về quê hương, nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình. 

Niềm vui, hạnh phúc khi tác phẩm của mình được đón nhận và đoạt giải trong cuộc thi báo chí

Tôi cũng là một trong số những người được hưởng những điều tốt đẹp ấy. Nói thật, khi nhận được những khoản tiền hỗ trợ hay những phần quà,... từ các nhà báo, mạnh thường quân tôi cảm thấy rất vui, có thêm niềm tin, động lực để phấn đấu học tập thật tốt.

Tôi muốn kể câu chuyện này vì bản thân là một minh chứng cho những gì mà nghề báo đã đem lại cho cuộc sống này. Một nghề mang lại nhiều màu sắc tươi đẹp, không chỉ đem đến những bài viết hay, chất lượng, phục vụ bạn đọc mà còn hỗ trợ, chia sẻ, giúp đỡ rất nhiều mảnh đời còn cơ cực trong cuộc sống. Ngày đó, tôi đã hỏi mấy anh làm báo cùng quê rằng: Tại sao các anh không quản ngại khó khăn, vất vả, bỏ thời gian, công sức “gõ cửa” từng mạnh thường quân, nhà hảo tâm để kêu gọi, xin hỗ trợ, làm cầu nối trao những phần quà giúp đỡ gia đình khó khăn, học trò nghèo? Một anh trong nhóm đáp, đây là hạnh phúc mà nghề đem lại. Các anh còn lại đều gật đầu đồng ý. Từ đó, tôi ngưỡng mộ các anh, ngưỡng mộ nghề báo. 

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi về làm việc tại Báo Long An. Những tháng ngày đầu tiên chập chững vào nghề, tôi hiểu rằng nghề báo cũng như những công việc khác, không phải dễ dàng, muốn là làm được. Nghề báo cũng nhọc nhằn, vất vả không kém. Một phóng viên mới ra trường, trẻ, kinh nghiệm, kỹ năng hầu như là con số “0” tròn trĩnh, muốn đứng vững và theo đuổi nghề, bản thân phải nỗ lực, học hỏi rất nhiều. 

Tôi xác định rõ, ngoài việc học hỏi từ đồng nghiệp, việc đi cơ sở, bám địa bàn quan trọng không kém. Chỉ trong khoảng 1 năm, tôi đã lặn lội đặt chân đến hầu hết địa bàn, cơ sở, tận những vùng sâu, vùng xa của tỉnh Long An. Đến hiện tại, sau những năm làm nghề, tôi đã đi hầu hết các tỉnh từ miền Trung, Tây Nguyên cho đến miền Đông và miền Tây Nam bộ. 

Mỗi ngày của anh em phóng viên, nhà báo phải luôn chủ động, sẵn sàng và đổi mới, bám theo dòng chủ lưu thời sự, theo dòng sự kiện để kịp định hướng cho bản thân những đề tài để tìm cách khai thác, thực hiện. Có những đề tài, chúng tôi phải tốn rất nhiều thời gian, công sức để thực hiện. Có những lúc, những cuộc hẹn với cơ sở xa hơn 100km tưởng chừng là xong nhưng đôi lúc "công cốc" phải quay về vì các anh em bận việc, quên cuộc hẹn với phóng viên mà không báo lại hoặc không thể thu xếp được. 

Nghề báo đi nhiều, gặp gỡ nhiều hoàn cảnh khác nhau giúp bản thân thêm trân trọng cuộc sống (Trong ảnh: Phóng viên Thanh Mỹ, Báo Long An, (trong cùng bên trái) trong một lần tác nghiệp tại xã biên giới Hưng Hà, huyện Tân Hưng)

Việc di chuyển của chúng tôi mỗi ngày với quãng đường 100km (cả đi và về) là chuyện bình thường, có thời gian cao điểm một ngày tôi đi tầm 300km. Di chuyển bằng xe máy liên tục ở ngoài đường đối diện nguy cơ tai nạn rất cao nên anh em ai cũng thận trọng. Việc thức khuya, dậy sớm đối với phóng viên, nhà báo là chuyện thường ngày nhưng mỗi người phải luôn trong tư thế sẵn sàng, chấp nhận thử thách.

Tuy nghề báo có những nhọc nhằn là thế nhưng đổi lại, nghề cũng đem đến rất nhiều niềm vui, hạnh phúc. Việc đi nhiều, tiếp cận địa bàn, cơ sở giúp chúng tôi có được những kiến thức, kỹ năng cần thiết, gặp gỡ rất nhiều người, nhiều trường hợp, mảnh đời, số phận khác nhau, từ đó hiểu thêm và trân quý cuộc sống. Mỗi ngày, bản thân sống tích cực hơn. Đặc biệt, những bài viết, sản phẩm của mình đến với bạn đọc, được bạn đọc trân trọng, đón nhận là món quà vô cùng quý giá, hạnh phúc đối với người làm báo. Vui mừng không kém là tác phẩm của mình đoạt giải trong một cuộc thi báo chí.

Bên cạnh đó, nghề báo còn hỗ trợ kịp thời nhiều mảnh đời bất hạnh cũng như giúp những người yếu thế được nói lên tiếng nói để cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Bản thân tôi thấy chẳng cần phải “đao to, búa lớn” mà mỗi ngày mình cố gắng một ít, tự nhiên nghề sẽ đem lại cho mình niềm vui, hạnh phúc bất ngờ. Nếu so với các anh em làm báo đồng hương mà tôi kể ở trên thì bản thân tôi còn phải học hỏi, tích lũy rất nhiều. Tuy nhiên, trong quá trình làm nghề của mình, ngoài việc phát huy vai trò, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, bản thân cố gắng kết nối những mạnh thường quân để kịp thời hỗ trợ, chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn mà mình đã gặp trong quá trình tác nghiệp. Khi ấy, tôi cảm thấy thật sự hạnh phúc vì được sống và làm nghề mà mình đã chọn. 

Nghề báo hiện nay đã thay đổi rất nhiều, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, phấn đấu và quyết tâm cao trong mọi hoàn cảnh. Nghề báo cũng như những nghề khác trong cuộc sống, sẽ có những khó khăn, nhọc nhằn nhất định nhưng đổi lại, niềm vui, hạnh phúc vẫn luôn đong đầy. Nếu bạn đã chọn thì hãy đem tinh thần, trách nhiệm, biến khó khăn thành động lực để làm nghề tốt hơn và nghề báo luôn được mọi người yêu quý, trân trọng./.

Châu Sơn

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích