Ông Nguyễn Văn Vần, ngụ phường 3, TP.Tân đang làm đôn cho chậu kiểng
Tất bật sản xuất
Theo chia sẻ của nhiều cơ sở sản xuất chậu kiểng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian qua thị trường chậu kiểng khá trầm lắng, lượng khách mua giảm mạnh. Tuy nhiên, khoảng 1 tháng trở lại đây thì thị trường đã bắt đầu sôi động trở lại do gần đến Tết Nguyên đán nên nhu cầu sử dụng chậu của các nhà vườn tăng cao.
Anh Đoàn Quốc Trung - Chủ cơ sở làm chậu kiểng tại phường 3, TP.Tân An: cho biết: “Nghề làm chậu kiểng sản xuất quanh năm nhưng đến khoảng cuối tháng 8 âm lịch là thời điểm vào mùa. Chậu làm ra chủ yếu cung cấp cho các nhà vườn trồng hoa, cây kiểng phục vụ tết. Cơ sở của tôi làm thủ công là chính, để làm ra một chiếc chậu hoàn chỉnh phải trải qua rất nhiều công đoạn, mỗi thợ đều nắm rõ quy trình làm chậu từ cách pha trộn nguyên liệu, quay chậu theo khuôn, đến trang trí họa tiết cho chậu.”
Chậu kiểng ngày nay khá đang dạng, tùy vào kích thước, kiểu dáng, chất liệu mà chậu sẽ có giá dao động từ vài chục nghìn đến vài triệu đồng
Cách cơ sở của anh Trung khoảng 1km, thời điểm này, cơ sở sản xuất chậu nơi ông Nguyễn Văn Vần đang làm việc cũng nhộn nhịp không kém. Gắn bó với nghề làm chậu cây cảnh đã hơn chục năm nay ông Vần cho biết: “Hiện tại, đang vô mùa tết nên công việc cũng khá nhiều. Cơ sở có 6 thợ mỗi người sẽ phụ trách một công đoạn khác nhau, người chuyên đổ chậu, người sơn chậu, người phụ trách làm đôn cho chậu. Thông thường làm ra một chiếc chậu hoàn chỉnh mất khoảng 1 tuần, chậu được được quay theo khuôn có sẵn, sau khi lên khuôn thì mất khoảng 3 ngày mới khô. Khi chậu khô người thợ mới tiến hành làm láng, sơn màu.”
Được biết, nguyên liệu làm chậu khá đơn giản bao gồm xi măng, cát, đá mi, sắt tuy nhiên mỗi cơ sở sẽ có những công thức pha trộn khác nhau để tạo ra sản phẩm bền, đẹp đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Tết Nguyên đán cũng là dịp để những người làm nghề sản xuất, kinh doanh chậu cây kiểng có thêm thu nhập cho gia đình
Kiểu dáng đa dạng
Đến tỉnh Long An lập nghiệp, gia đình bà Ngô Thị Điệp, ngụ phường 7, TP.Tân An gắn bó với nghề sản xuất, kinh doanh chậu cây kiểng hơn chục năm nay, bà Điệp cho biết: “Quê gốc ở tỉnh An Giang, gia đình tôi đến tỉnh Long An lập nghiệp hơn chục năm nay. Hiện nay, nhiều người kinh doanh mặt hàng này nên sự cạnh tranh khá cao. Để thu hút khách hàng ngoài sản xuất chậu xi măng truyền thống chúng tôi còn nhập thêm chậu sứ, chậu đất nung, chậu nhựa... Hiện, giá chậu vẫn bình ổn tuy nhiên thị trường tiêu thụ chậu kiểng năm nay lại giảm so với những năm trước bởi ảnh hưởng của dịch Covid-19.”
Song song với chất liệu thì hiện nay kiểu dáng, màu sắc của chậu kiểng cũng đa dạng hơn trước. Ông Nguyễn Văn Vần, ngụ phường 3, TP.Tân An thông tin: “Tùy theo yêu cầu của khách mà chúng tôi sẽ sơn màu đỏ, vàng hay giả gỗ. Ngày xưa, chậu kiểng khá đơn giản chủ yếu chậu tròn. Hiện, cơ sở sản xuất thêm chậu hình vuông, lục giác, một số chậu sẽ có thêm các hoa văn, họa tiết để thu hút khách.”
Gia đình bà Ngô Thị Điệp, ngụ phường 7, TP.Tân An gắn bó với nghề sản xuất, kinh doanh chậu cây kiểng hơn chục năm nay
“Ngày nay, chậu không chỉ đơn giản là vật dụng sử dụng trồng cây. Một chiếc chậu đẹp, độc đáo sẽ góp phần tôn lên vẻ đẹp của hoa, cây kiểng, hơn hết nó còn thể hiện được phong cách và độ "chịu chơi" của khách hàng. Ngoài sản xuất chậu theo nhu cầu của thị trường, chúng tôi còn tư vấn cho khách loại chậu phù hợp cho từng dáng cây và túi tiền của khách. Theo đó, để chọn được loại chậu phù hợp phải dựa vào đặc tính của cây, không gian đặt chậu cây của khách” - anh Đoàn Quốc Trung - Chủ cơ sở sản xuất chậu kiểng tại phường 3, TP.Tân An tiết lộ.
Qua bàn tay khéo léo, tỉ mỉ của những người thợ những chiếc chậu xinh xắn, chất lượng lần lượt được ra đời phục vụ cho nhu cầu trồng hoa, cây kiểng của người dân. Tết Nguyên đán cũng là dịp để những người làm nghề sản xuất, kinh doanh chậu cây kiểng có thêm thu nhập cho gia đình./.
Nguyễn Dung