Nghề trồng nấm rơm vất vả nhưng thu nhập khá
Dù nghề trồng nấm rơm vất vả nhưng với giá bán khoảng 80.000 đồng/kg hiện nay, nghề trồng nấm rơm cho thu nhập khá.
Sau mỗi vụ thu hoạch lúa, tại nhiều địa phương, nông dân tận dụng nguồn rơm, rạ để trồng nấm. Tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An trên những cánh đồng khó sản xuất, nhiều hộ dân từ các tỉnh miền Tây đến thuê đất để trồng nấm rơm, cho thu nhập khá
Trước đây, trồng nấm rơm thường vào mùa sau thu hoạch nhưng với kỹ thuật canh tác hiện nay, nấm rơm được trồng quanh năm, tùy theo nhu cầu của thị trường mà người trồng nấm quyết định trồng nhiều hay ít
Cũng như bao nghề nông khác, nghề trồng nấm rơm cũng tương đối vất vả, tốn nhiều công sức. Đặc biệt, nghề trồng nấm phải có kinh nghiệm và kỹ thuật cao
Vợ chồng anh Trần Văn Hoàng (46 tuổi) từ tỉnh Sóc Trăng đến xã Hòa Khánh Đông thuê gần 3.000m2 đất để trồng nấm. Từ lúc 15 tuổi, anh Hoàng đã theo chân gia đình trồng nấm khắp các tỉnh miền Tây. Hơn 1 năm nay, vợ chồng anh về Đức Hòa trồng nấm bởi nấm trồng ở Đức Hòa bán có giá hơn nhiều địa phương khác
Theo anh Hoàng, nguyên liệu trồng nấm truyền thống vẫn là rơm được thu mua của nông dân. Rơm sau khi mua về được anh Hoàng ủ bằng cách chất thành đống. Mỗi đống rơm thường rộng khoảng 2m, chiều dài khoảng 7-8m
Khi rơm chất đống, mỗi lớp rơm chừng 30cm, anh Hoàng tưới nước cho rơm thấm đều và dùng chân dậm cho dẽ. Các lớp tiếp theo đều được làm tương tự
Thông thường, rơm sẽ được ủ trong khoảng 3 tuần và trải qua 2 đợt đảo rơm. Trong các đống rơm ủ, nhiệt độ phải đạt từ 60-700C giúp diệt các mầm nấm dại và phân hủy chất hữu cơ trong rơm, giúp phôi nấm phát triển sau này
Khi rơm được ủ xong, chị Lam - vợ anh Hoàng cuộn tròn rơm thành cuộn to, xếp thành dãy thẳng hàng. Những người trồng nấm thường gọi là ra luống
Người nông dân có thể ra luống bằng khuôn hoặc bằng tay sao cho thuận tiện đi lại để chăm sóc nấm và tiết kiệm diện tích
Theo anh Hoàng, khi chọn giống, các mô nấm phải có màu trắng trong, tơ nấm phát triển đều khắp trong bịch meo, không chọn bịch meo có màu nâu, đen, ướt, nhão, có mùi chua vì đây là 1 dạng meo đã nhiễm bệnh
Nấm giống được anh Hoàng chọn rất kỹ phải bảo đảm giống không quá già, không non, không nhiễm bệnh và có mùi thơm dễ chịu. “Việc chọn giống rất quan trọng, quyết định đến sản lượng, thành bại của cả vụ nấm”, anh Hoàng cho biết
Sau khi xuống meo giống, người trồng nấm thường sẽ xịt một lớp dưỡng chất và kích rễ meo giúp nấm phát triển tốt sau này
Giống nấm khi xuống xong sẽ được đắp thêm 1 lớp rơm đã ủ trên bề mặt meo giống sao cho thật chắc tay
Những người trồng nấm lâu năm thường sẽ chọn vị trí trồng tại nơi có nhiều bóng mát, thoáng đãng, sạch sẽ và có độ cao nhất định để tránh ngập úng khi trời mưa
Con trai anh Hoàng cũng theo phụ giúp gia đình cũng như nắm bắt kỹ thuật trồng nấm rơm
Việc trồng nấm rơm không cần dùng phân bón, chỉ cần tưới nước, theo dõi nhiệt và ẩm độ. Người trồng nấm đặc biệt chú ý đến độ ẩm bởi độ ẩm giúp quá trình phân hủy rơm thuận lợi giúp nấm phát triển. Trung bình, từ khi xuống meo giống đến lúc thu hoạch lứa đầu tiên khoảng 15 ngày và thu hoạch liên tục trong những ngày tiếp theo trong khoảng 1 tháng
Nấm rơm là loại nấm giàu dinh dưỡng chứa nhiều vitamin và axit amin rất tốt cho sức khỏe. Hiện với giá bán 80.000 đồng/kg cho thương lái, mỗi vụ nấm, gia đình anh Hoàng có thu nhập đáng kể
Kiên Định – Võ Thành Nguyễn
- Tiễn đoàn công tác ra thăm, chúc Tết quân và dân huyện đảo Trường Sa (26/12)
- Cần duy trì vững chắc mức sinh thay thế (26/12)
- Nâng cao chất lượng dân số để đất nước phồn vinh, gia đình hạnh phúc (26/12)
- Thời tiết hôm nay 26/12: Miền Trung mưa to dù bão tan (26/12)
- Từ bệnh viện đến trường học và những câu chuyện đầy nghị lực (25/12)
- Văn hóa đón Giáng sinh của người Việt (25/12)
- Gương mẫu trong giữ gìn an ninh, trật tự (25/12)
- Khai trương điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP (25/12)