Mô hình Trồng nấm rơm sạch trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao cho gia đình chị Kim Quyên
Mô hình Trồng nấm rơm sạch trong nhà được gia đình chị Quách Thị Kim Quyên, ngụ xã Thanh Phú, triển khai từ năm 2020 với quy mô 10 nhà nấm, mỗi nhà khoảng 67m2 với 8 kệ chứa, mỗi kệ 4 luống rơm, mỗi luống có chiều dài 1m. Sau hơn 2 tuần trộn, ủ và chăm sóc, chị Quyên thu hoạch được gần 2.000kg nấm tươi. Hiện nay, nấm có giá dao động từ 80.000-90.000đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình chị thu lợi nhuận từ 70-80 triệu đồng/tháng.
Trồng nấm rơm trong nhà theo hướng ứng dụng công nghệ cao có nhiều ưu điểm hơn so với cách trồng nấm rơm ngoài trời. Cụ thể, nông dân chủ động điều chỉnh được ẩm độ, nhiệt độ, việc vệ sinh khu vực trồng nấm được thuận lợi hơn, tiết kiệm diện tích chất mô và không phụ thuộc vào thời tiết như trồng nấm rơm ngoài trời. Tuy nhiên, trồng nấm rơm trong nhà có nhược điểm là chi phí đầu tư ban đầu khá cao, đó là xây, cất nhà trồng và sản phẩm nấm làm ra không đẹp và bắt mắt như trồng bên ngoài nhưng bù lại là nấm sạch nên người tiêu dùng rất ưa chuộng. Đặc biệt, việc sử dụng nguyên liệu rơm phối trộn bông vải cũng cho năng suất cao hơn so với cách trồng nấm truyền thống là phải sử dụng 100% nguyên liệu rơm.
Chị Quyên chia sẻ: “Ở các giai đoạn như ủ tơ, kết phôi, ra quả thể đều có nhu cầu về nhiệt độ khác nhau. Do đó, việc điều chỉnh nhiệt độ phù hợp từng giai đoạn giúp nấm sinh trưởng và phát triển tốt hơn. Ngoài ra, thông qua điều chỉnh nhiệt độ có thể điều chỉnh màu sắc của nấm, đáp ứng nhu cầu của từng đối tượng khách hàng. Thời gian tới, nếu có điều kiện, gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô, diện tích canh tác; đồng thời, tìm hiểu thêm thông tin, nghiên cứu các phương pháp canh tác mới để giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm”.
Để giúp nông dân tiếp cận phương pháp canh tác mới theo hướng ứng dụng KHKT vào sản xuất, Hội Nông dân xã Thanh Phú đã chuyển giao kỹ thuật canh tác nấm sạch theo hướng ứng dụng công nghệ cao; đồng thời, thành lập Hợp tác xã Trồng nấm công nghệ cao tại địa phương, qua đó giúp nông dân thuận tiện trong việc trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật sản xuất với nhau.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Thanh Phú - Lê Minh Thưởng cho biết: “Hướng tới, chúng tôi tuyên truyền, vận động và hỗ trợ kỹ thuật cho những hộ trồng nấm rơm ở bên ngoài để tạo điều kiện cho họ xây dựng được các mô hình trồng nấm trong nhà kín. Đồng thời, thành lập các tổ hợp tác để các hộ liên kết lại với nhau, cùng nhau sản xuất để tạo ra sản phẩm sạch, có thị trường tiêu thụ ổn định, từng bước xây dựng thương hiệu riêng cho nấm rơm của xã Thanh Phú”.
Với những hiệu quả bước đầu mang lại cho thấy mô hình Trồng nấm rơm sạch trong nhà là hướng đi mới cho người dân trên địa bàn huyện, bởi vì nó có nhiều ưu điểm là dễ chăm sóc, dễ thu hoạch, thuận lợi trong khâu vệ sinh trại, bên cạnh đó, chất lượng sản phẩm nấm rơm trong nhà tăng, dễ bán hơn và giá bán cao hơn,... Ngoài ra, trồng nấm rơm sử dụng nguyên liệu rơm phối trộn bông vải sẽ giúp người trồng có nhiều sự lựa chọn hơn trong việc sử dụng các nguyên liệu, phụ phẩm nông nghiệp khác ngoài rơm. Đây là điều kiện để thúc đẩy phát triển diện tích trồng nấm rơm trên địa bàn huyện Bến Lức, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, mang lại thu nhập ổn định cho người dân./.
Việt Hằng - Kim Phượng