Tiếng Việt | English

15/09/2015 - 16:31

Nghị định 55/2015/NĐ-CP: Nông dân có phấn khởi?

Từ khi Nghị định 55/2015/NĐ-CP, ngày 25-7-2015 về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn có hiệu lực, khi được hỏi, một số nông dân trả lời họ vẫn còn rất... mơ hồ.

 

Rất nhiều nông dân các xã vùng hạ đang cần nguồn vốn để đầu tư nuôi tôm. Nghị định 55/2015/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ là “cứu cánh” cho nông dân trong vấn đề vay vốn sản xuất

Ông Võ Văn Nhờ, ngụ ấp Tây, xã Long Hựu Tây, huyện Cần Đước, tỉnh Long An cho biết: “Tôi chưa nghe đến nghị định này. Trước đây, khi muốn vay vốn để sản xuất, nạo vét đầm tôm, tôi thường thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngân hàng để vay tiền, nhưng số tiền vay thực tế rất ít so với tài sản thế chấp. Nếu được vay tín chấp để nông dân có vốn sản xuất thì đó là tín hiệu rất phấn khởi”.

Ông Nguyễn Văn Phương, ngụ ấp 7, xã Lương Bình, huyện Bến Lức, tỉnh Long An nói: “Tôi cũng chưa nghe nói về nghị định này, muốn vay vốn để đầu tư sản xuất, chúng tôi phải cần những điều kiện nào. Bởi, từ trước đến nay, chúng tôi muốn có vốn sản xuất phải thế chấp tài sản để vay tiền”.

Chủ tịch UBND huyện Tân Trụ, tỉnh Long An - Trần Văn Đốc cho biết: Vướng mắc lớn nhất trong hoạt động cho vay nông nghiệp là người dân không có tài sản thế chấp, trong khi để đầu tư một trang trại chăn nuôi hiện đại, số vốn đầu tư có khi lên đến hàng tỉ đồng. Nghị định 55/2015/NĐ-CP ra đời được kỳ vọng sẽ là “cứu cánh” cho nông dân trong vấn đề vay vốn sản xuất nông nghiệp.

Theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, các cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chỉ cần nộp sổ đỏ để “làm tin” là có thể được vay vốn sản xuất với lãi suất ưu đãi. Nếu gặp thiên tai, dịch bệnh, họ sẽ được gia hạn nợ và cho vay mới. 

Đối tượng vay vốn sẽ được mở rộng hơn, đặc biệt là mức cho vay được tăng lên gần gấp đôi so với trước. Các cá nhân, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp có thể được vay từ 50-100 triệu đồng (đối tượng đầu tư trồng cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm được vay tối đa 200 triệu đồng), hộ nuôi trồng thủy sản được vay tín chấp tối đa 2 tỉ đồng. Riêng với liên hiệp hợp tác xã (HTX) nuôi trồng thủy sản hoặc khai thác hải sản xa bờ, các ngân hàng được phép cho vay tối đa 3 tỉ đồng không cần tài sản thế chấp.

Theo Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Long An - Công Hoàng Bạch: Nghị định 55/2015/NĐ-CP khuyến khích các tổ chức sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, mô hình ứng dụng công nghệ cao bằng việc cho vay không có tài sản bảo đảm lên đến 70-80% giá trị dự án. Tuy nhiên, điều này cũng khó thực hiện, bởi hiện nay, hầu hết nông dân vẫn tự sản xuất theo hướng riêng lẻ. Ngay cả một số HTX nông nghiệp, rất ít có đơn vị nào đưa ra những dự án khả thi để có thể vay ngân hàng mà không cần thế chấp.

Hiện tại, trong hệ thống các HTX, có một số HTX nông nghiệp cần số vốn lớn để đầu tư sản xuất, nhưng những dự án của họ đã được vay vốn (thường chỉ khoảng 500 triệu đồng) từ Quỹ Hỗ trợ HTX rồi.
Theo ghi nhận, mặc dù hiện nay có rất nhiều ngân hàng tham gia tín dụng nông nghiệp nhưng phần lớn những ngân hàng thương mại này chủ yếu tập trung cho vay các dự án lớn, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, thu mua, xuất khẩu nông sản.

Ngân hàng cũng “mạnh tay” rót vốn hơn đối với những doanh nghiệp đã từng là khách hàng thân thiết. Rất ít ngân hàng tài trợ trực tiếp cho những hộ nông dân làm nông nghiệp.
Đến nay, hầu như chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho vay đối với các hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa. Các ngân hàng thương mại cổ phần còn lại, dù có cho vay nông nghiệp cũng chỉ tập trung vào những thành phố lớn, thị xã, thị trấn.

Dù Nghị định 55/2015/NĐ-CP có hiệu lực, thiết nghĩ, sẽ có rất ít ngân hàng dám cho vay ở mức 3 tỉ đồng mà không cần thế chấp. Chưa kể cho vay nông nghiệp rủi ro rất lớn, không chỉ do trình độ, năng lực quản lý mà còn do nhiều nguyên nhân khác như: Thiên tai, dịch bệnh, giá cả nông sản, gia súc, gia cầm còn quá bấp bênh,.../.

Song Hồng

 

Chia sẻ bài viết