Tiếng Việt | English

18/04/2017 - 09:16

Nghịch lý giá heo từ chuồng ra chợ

Gần đây, giá heo hơi giảm mạnh trong khi chi phí đầu vào khá cao khiến người chăn nuôi hòa vốn hoặc thua lỗ. Trong khi đó, tại các chợ, giá thịt heo gần như không giảm. Điều nghịch lý này diễn ra trong thời gian dài khiến người chăn nuôi, người tiêu dùng đều chịu thiệt.


Nghịch lý giá heo hơi - thịt thành phẩm cần sớm được khắc phục để trả lại quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi

Người nuôi lỗ vốn

Năm nay 75 tuổi và bắt đầu nuôi heo từ năm 1978, ông Nguyễn Văn Hai (Hai Mập), ở ấp Bình Thủy, xã Bình Quới, huyện Châu Thành, tỉnh Long An hiện là một trong những hộ chăn nuôi trong vùng GAPH của Dự án Lifsap tại Long An. Ông Hai nói: “Chưa bao giờ người nuôi heo lại lâm vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay, bởi giá heo sụt giảm gần như đến mức kỷ lục. Hiện nay, thương lái mua với giá 28.000 đồng/kg heo hơi (heo tốt), còn heo quá lứa, nhiều mỡ chỉ khoảng 26.000 đồng/kg; tệ hơn, có đàn, thương lái vào nhìn rồi bỏ đi không trả giá”.

Trước đây, ông Hai nuôi 20 heo nái và khoảng 200 heo thịt. Trước tình trạng giá heo sụt giảm như hiện nay, ông bán 15 heo nái và đàn heo thịt chỉ còn khoảng 100 con. Cũng là hộ chăn nuôi trong vùng GAPH và cùng xóm với ông Hai, ông Trần Quang Thức hiện nuôi 30 heo nái và 300 heo con.

Ông Thức tính: Để nuôi 1 con heo đủ tạ, người chăn nuôi phải bỏ vốn từ 3,5-3,8 triệu đồng, trong đó, vốn mua heo con từ 1,5-1,8 triệu đồng, 2 triệu đồng tiền thức ăn (mỗi con heo từ 30-100kg ăn hết 8 bao cám, mỗi bao có giá 250.000 đồng). Nếu như trước đây, giá heo hơi bình quân khoảng 45.000-50.000 đồng/kg, người chăn nuôi lãi khoảng 1 triệu đồng/con thì với giá như hiện tại, người nuôi lỗ bình quân 1 triệu đồng/con, chưa tính công chăm sóc”.

Theo ông Hai, nguyên nhân giá heo giảm là do nguồn cung vượt cầu và tình hình xuất khẩu heo hơi bằng đường tiểu ngạch sang các nước láng giềng ngày càng khó khăn. Lợi dụng cơ hội này, thương lái mua heo bắt tay với tiểu thương buôn bán sỉ ép giá người chăn nuôi. Ông Hai thở dài: “Trước tình hình khó khăn kéo dài như hiện nay, chúng tôi khó duy trì đàn heo”.


Người nuôi heo cần tập trung vào khâu chăm sóc, tiêm ngừa để nâng chất lượng cũng như giảm rủi ro cho đàn heo

Tiểu thương đắc lợi

Trong khi giá heo hơi tại chuồng, trại giảm liên tục thì giá bán tại các chợ hầu như không thay đổi, nếu có thì giảm rất ít. Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP.Tân An, hiện thịt thăn, đùi có giá từ 85.000-95.000 đồng/kg, thịt ba chỉ (ba rọi) từ 80.000-90.000 đồng/kg, riêng thịt ba chỉ rút sườn và sườn non có giá từ 110.000-120.000 đồng/kg,...

Khi đi chợ, người tiêu dùng thắc mắc vì sao giá thịt heo cao hơn nhiều so với heo hơi, một tiểu thương tại chợ phường 1, TP.Tân An nói: “Heo hơi được mua tại chuồng rẻ nhưng để thịt heo được bán tại chợ qua rất nhiều khâu trung gian và nhiều chi phí. Thông thường, thịt heo được bán ở những giờ đầu tiên của buổi chợ giá sẽ cao hơn hết, rồi sau đó giảm dần. Ngoài ra, tiểu thương phải bán giá cao để bù lỗ những lúc ế ẩm”.

Trưởng ban Quản lý chợ Tân An - Nguyễn Văn Luông thông tin: “Để có thịt thành phẩm bán ở chợ, từ lò giết mổ đến tay người tiêu dùng phải mất từ 2-3 khâu trung gian. Cứ mỗi khâu trung gian, giá thịt “đội” lên, vì vậy, thịt đến tay người tiêu dùng với giá khá cao”.

Một thương lái tại xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành cho rằng, giá heo hơi giảm, ông không bị áp lực nhiều vì sức mua từ người tiêu dùng nội địa không giảm. Với giá như hiện nay, thương lái bỏ ra tiền vốn quay vòng không cao và giảm rủi ro về vốn. Thông thường, vòng quay từ heo hơi đến chợ gồm heo xuất chuồng được thu gom bởi các thương lái nhỏ, lẻ. Họ bán lại cho thương lái lớn hơn, từ đó, thương lái vận chuyển về lò giết mổ. Sau đó, thịt heo phải mất thêm 2-3 khâu trung gian mới đến tay người tiêu dùng. Hiện tại, heo móc hàm (tức heo sau khi được giết mổ và xẻ làm 2 mảnh) tại lò dao động từ 42.000-47.000 đồng/kg. Sau đó, heo tiếp tục được xẻ mảnh để đến tay người tiêu dùng.

Theo nhận định của các cơ quan chức năng cũng như người tiêu dùng, phần tiền chênh lệch giá bán thịt heo hơi tại chuồng và thịt thành phẩm ngoài chợ gần như đang “rơi” vào túi thương lái và lái buôn ở các khâu. Theo ông Nguyễn Văn Hai, chính vì tỷ lệ chênh lệch khá cao giữa giá heo hơi và giá thịt thành phẩm ở chợ như hiện nay, người chăn nuôi phải bỏ vốn nhưng không được hưởng lợi mà còn thua lỗ vì bán thấp. Chắc chắn người chăn nuôi sẽ bỏ nghề hoặc giảm đàn.


Theo ông Nguyễn Văn Hai, chính vì tỷ lệ chênh lệch khá cao giữa giá heo hơi và giá thịt thành phẩm ở chợ như hiện nay, có thể người chăn nuôi sẽ giảm đàn

Để người chăn nuôi bám nghề?

Ông Hai chia sẻ, ước gì người chăn nuôi được tạo mối liên kết với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh thịt heo để họ đặt hàng đầu vào và bao tiêu đầu ra, người chăn nuôi sẵn sàng đáp ứng tất cả yêu cầu và bảo đảm chăn nuôi có lãi.

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Lê Minh Đức, để giải quyết bài toán mất cân đối cung - cầu khiến nghịch lý giá heo từ chuồng ra chợ có khoảng cách quá lớn như hiện nay, cần rất nhiều giải pháp, sự chung tay giữa “4 nhà” (Nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nông). Trước mắt, các chủ trang trại, hộ nuôi heo cần cố gắng duy trì tổng đàn hiện có, tập trung vào khâu chăm sóc, tiêm ngừa để nâng chất lượng cũng như giảm rủi ro đàn heo.

Bên cạnh đó, người chăn nuôi phải tuân thủ áp dụng quy trình chăn nuôi theo hướng truy xuất nguồn gốc thịt heo như hiện nay nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường lớn như TP.HCM. Vào ngày 25/4/2017, Sở Công Thương tổ chức đoàn công tác xúc tiến tiêu thụ heo đến Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ súc sản - VISSAN nhằm bàn giải pháp tiêu thụ heo của tỉnh.

Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, nhắc nhở, xử lý tiểu thương kinh doanh thịt heo tại các chợ phải thực hiện niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Ngành Công Thương phối hợp Saigon Co.op lựa chọn địa điểm trên địa bàn tỉnh để tiến hành mở các điểm bán hàng tiện ích, trong đó có thịt heo nhằm giảm khâu trung gian để người tiêu dùng có cơ hội mua thịt heo an toàn nhưng giá thành phải chăng.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Đinh Thị Phương Khanh thông tin: “Ngành nông nghiệp đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ nuôi heo nhỏ, lẻ chuyển dịch tái cơ cấu chăn nuôi sang tập trung; khuyến khích, vận động các cơ sở chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết theo mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra. Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi, thăm dò, nắm bắt nhu cầu thị trường để có hướng đầu tư phù hợp, tránh tình trạng phụ thuộc nhiều vào thương lái, cung vượt cầu, heo không bán được, bị ép giá dẫn đến thua lỗ”.

Nghịch lý giá heo hơi - thịt thành phẩm cần sớm được khắc phục, giải quyết để tránh tình trạng trên, cũng là để trả lại quyền lợi chính đáng cho người chăn nuôi, giúp nghề chăn nuôi heo phát triển bền vững./.

Mai Hương

Chia sẻ bài viết