Tiếng Việt | English

17/06/2022 - 15:09

Nghiên cứu: Biến thể Omicron ít gây hội chứng COVID kéo dài

Theo Cục Thống kê quốc gia Anh, 438.000 người Anh đã mắc hội chứng COVID kéo dài sau khi nhiễm Omicron, tương đương 24% tổng số người có hội chứng này từ đầu dịch.


Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 ít khả năng gây hội chứng COVID kéo dài như các biến thể trước đó. Đây là kết quả của một nghiên cứu đầu tiên về việc này được thực hiện ở Vương quốc Anh, đăng trên tạp chí y học The Lancet ngày 16/6.

Hội chứng COVID kéo dài, bao gồm các triệu chứng từ mệt mỏi đến sương mù não, có thể kéo dài nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau nhiễm. Các triệu chứng này được thừa nhận là một vấn đề y tế cộng đồng và các nhà nghiên cứu đang nỗ lực tìm hiểu xem liệu Omicron có đặt ra nguy cơ lớn như các biến thể trước đó hay không.

Các nhà nghiên cứu tại trường King's College London sử dụng dữ liệu từ một ứng dụng nghiên cứu triệu chứng ZOE COVID, và phát hiện rằng tỷ lệ xuất hiện các triệu chứng COVID kéo dài sau nhiễm trong làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron thấp hơn 20-50% so với làn sóng lây nhiễm biến thể Delta trước đó tại Anh. Tỷ lệ trên có sự thay đổi tùy theo độ tuổi và thời điểm tiêm mũi vaccine gần nhất.

Đây là nghiên cứu hàn lâm đầu tiên chỉ ra rằng Omicron không có nguy cơ lớn gây hội chứng COVID kéo dài nhưng không đồng nghĩa với việc số bệnh nhân có hội chứng này đang giảm.

Thực tế là dù nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài đang giảm sau nhiễm Omicron, số người nhiễm tăng cao hơn khi xuất hiện biến thể này, vì vậy số người bị ảnh hưởng trên thực tế của đại dịch COVID-19 cũng cao hơn.

Tiến sỹ Claire Steves, đứng đầu nghiên cứu trên, cho biết đây là một tin tốt lành nhưng mọi người không nên từ bỏ việc theo dõi các triệu chứng COVID kéo dài của mình.

Theo Cục Thống kê quốc gia Anh, 438.000 người Anh đã mắc hội chứng COVID kéo dài sau khi nhiễm Omicron, tương đương 24% tổng số người có hội chứng này từ đầu dịch.

Nguy cơ mắc hội chứng COVID kéo dài sau nhiễm Omicron thấp hơn Delta nhưng chỉ đối với những người đã tiêm đủ các mũi vaccine cơ bản. Hiện chưa có sự khác biệt về thống kê đối với những người đã tiêm mũi tăng cường.

Trong nghiên cứu trên, 4,5% trong số 56.003 người được nghiên cứu trong thời điểm đỉnh dịch Omicron (từ tháng 12/2021 đến tháng 3/2022) có các triệu chứng COVID kéo dài. Con số này trong làn sóng lây nhiễm Delta là 10,8%. Số liệu này không so sánh giữa những người đã tiêm và chưa tiêm vaccine.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cần thêm các nghiên cứu khác để giải thích tại sao Omicron có ít nguy cơ gây hội chứng COVID kéo dài./.

Bích Liên (TTXVN/Vietnam+)

Chia sẻ bài viết