Tiếng Việt | English

09/05/2022 - 14:15

Ngôi trường vùng sâu đặc biệt ở Châu Thành

Trường Tiểu học (TH) Việt Lâm thuộc địa phận xã Thanh Vĩnh Đông, xã xa nhất của huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Đây là ngôi trường đặc biệt bởi có nhiều nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân tiêu biểu của huyện.

Trường được thành lập năm 1980. Khi đó, Thanh Vĩnh Đông còn là xã vùng sâu nghèo khó. Ngôi trường được dựng lên vách lá, mái tôn, nền đất. Đường đến trường đầy bùn đất, sình lầy. Giờ đây, các thầy, cô giáo trong trường vẫn đọc cho nhau nghe câu thơ của cựu giáo viên (GV) trường tả cảnh trường những ngày đầu thành lập:

Học trò tôi chân đất đến trường

Đứa quần đùi, đứa sơ mi ngắn tay.

Khó khăn là vậy nhưng từ thời điểm đó, Trường Việt Lâm đã là điểm sáng trong việc dạy và học của huyện. Phong trào thi đua dạy tốt duy trì và phát triển cho đến ngày nay được đặt nền tảng từ những ngày gian khó. Hiệu trưởng Trường TH Việt Lâm - Nguyễn Văn Bảy kể: “Phong trào thi đua dạy giỏi được hình thành, phát triển mạnh từ những năm 1990. Ban Giám hiệu (BGH) rất quan tâm, động viên GV tích cực tham gia thi GV giỏi. GV đăng ký thi thường đạt 100%”.

Người hiệu trưởng tâm huyết

Có thể nói, thầy Bảy là người đã cùng BGH trường gầy dựng nên “thương hiệu” Trường Việt Lâm, mái trường vùng sâu có nhiều nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân ở Châu Thành. Về trường từ năm 1989 với vị trí phó hiệu trưởng, thầy Bảy cùng BGH dành hết tâm huyết cho ngôi trường vùng sâu. Sự quan tâm của thầy, động lực do thầy và BGH nhà trường tạo ra như chất keo tạo nên khối đoàn kết, thống nhất trong nội bộ. Đó chính là yếu tố quan trọng giúp Việt Lâm trở thành ngôi trường vùng sâu có thành tích dạy và học tốt, có nhiều nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân trong huyện.

Có thể nói, thầy Nguyễn Văn Bảy đã cùng Ban Giám hiệu nhà trường gầy dựng nên “thương hiệu” Trường Việt Lâm, mái trường vùng sâu có nhiều nhà giáo ưu tú, nhà giáo nhân dân ở Châu Thành

Truyền thống đoàn kết, gắn bó trong nội bộ nhà trường được xây dựng, gìn giữ và phát triển từ những ngày đầu thành lập cho đến ngày nay. Các thầy, cô giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong chuyên môn, đặc biệt là các đợt thi GV dạy giỏi các cấp. Để chuẩn bị tốt nhất cho GV dự thi, BGH và các đồng nghiệp tại trường cùng nhau đóng góp, hoàn thiện giáo án, soạn Powerpoint, góp ý tiết giảng sao cho hoàn chỉnh nhất. Tiết giảng của từng GV đều được hội đồng thẩm định của trường gồm BGH và các GV giàu kinh nghiệm dự giờ, góp ý từng chi tiết trước khi thi giảng chính thức.

Biết rõ các GV lớn tuổi thường giàu kinh nghiệm nhưng lại hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ thông tin nên BGH thành lập tổ hỗ trợ các thầy, cô thiết kế file bài giảng, trong đó, thầy Bảy trực tiếp tham gia tổ. Có thời điểm, thầy cùng các đồng nghiệp miệt mài cả tuần lễ để hoàn thành 20 file bài giảng cho các GV tham gia thi. Luôn nhiệt tình với đồng nghiệp, đi đầu trong việc tự học nâng cao trình độ, thầy Bảy được GV tại trường kính trọng. Trong suốt quá trình làm công tác quản lý tại trường, thầy không ngừng học tập, trau dồi năng lực chuyên môn để hiểu rõ những khó khăn, vướng mắc mà người GV đứng lớp thường gặp phải. Cũng nhờ nắm vững chuyên môn, hiểu rõ thực tế nên sau mỗi lần góp ý xây dựng bài giảng, thầy đều có hướng dẫn chi tiết cách khắc phục những lỗi đó.

Ngôi trường có 3 nhà giáo ưu tú, 1 nhà giáo nhân dân

Từng cá nhân tiến bộ, cả tập thể cùng tiến bộ, Trường TH Việt Lâm từ một trường vùng sâu, khó khăn trở thành trường nổi bật về phong trào thi đua dạy tốt. Đến nay, tính cả GV đã nghỉ hưu, trường có 3 nhà giáo ưu tú và 1 nhà giáo nhân dân. Trong các hội thi GV dạy giỏi, GV của trường luôn đạt thành tích cao. Riêng năm học 2021-2022, trường có 1 GV đoạt giải nhất GV dạy giỏi cấp huyện, đại diện dự thi GV dạy giỏi cấp tỉnh và 3 GV đoạt giải khuyến khích GV dạy giỏi cấp huyện. Trường có nhiều GV đạt chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, liên tục được tăng lương trước niên hạn.

Dù được tạo điều kiện về gần nhà, nhưng thầy Trương Văn Phát vẫn từ chối để được ở lại giảng dạy tại Trường Tiểu học Việt Lâm

Trường TH Việt Lâm trở thành nơi các thầy, cô giáo đã gắn bó thì không muốn rời đi, dù chọn ở lại trường là phải gặp nhiều vất vả. Như thầy Trương Văn Phát đã gắn bó với trường từ năm 1997 đến nay. Nhà cách trường khoảng 15km, thầy Phát vẫn chấp nhận mỗi ngày vượt quãng đường xa để được giảng dạy ở trường. Thầy Phát kể: “Từ khi về trường đến nay, tôi có 4 - 5 lần được cấp trên gợi ý chuyển trường, về công tác gần nhà nhưng tôi đều từ chối. Tôi đã gắn bó với tập thể này thì chỉ muốn ở đây cho đến ngày về hưu mà thôi. Ở đây, các thầy, cô rất đoàn kết, tôi thích dạy ở mái trường này”. Không chỉ riêng thầy Phát, trường cũng có nhiều GV khác từ chối cơ hội về gần nhà để được ở lại giảng dạy tại trường.

Trường TH Việt Lâm vì thế là một mái trường vùng sâu đặc biệt ở Châu Thành./.

Quế Lâm

Chia sẻ bài viết