Anh Lê Thành Cẩn luôn chăm lo cẩn thận từng ngôi mộ liệt sĩ như một cách tri ân với những người ngã xuống
Lặng thầm nghề quản trang
Những ngày đầu tháng 7, chúng tôi có dịp viếng thăm Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) huyện Bến Lức, tỉnh Long An. Trái ngược với cái nắng nóng bên ngoài là cảm giác mát mẻ, yên bình khi bước chân vào khuôn viên nghĩa trang. Chúng tôi gặp anh Lê Thành Cẩn khi anh đang cẩn thận dọn vệ sinh từng ngôi mộ. Qua trò chuyện, chúng tôi cảm nhận được sự tận tụy của người làm công tác quản trang.
Là bộ đội xuất ngũ, có lẽ ý chí, bản chất của người lính Cụ Hồ thôi thúc anh Cẩn chọn và gắn bó với nghề này - nghề mà nghe qua tưởng chừng như đơn giản, ít được chú ý trong xã hội. Chăm lo, giữ gìn, bảo quản 1.726 ngôi mộ và hướng dẫn tận tình từng người đến viếng nghĩa trang là việc làm hàng ngày của anh Cẩn. Những công việc này cứ lặp đi, lặp lại hơn 13 năm nay, vậy mà chưa lúc nào anh cảm thấy khó khăn, vất vả. Anh tâm sự: “Hàng ngày, chăm sóc từng ngôi mộ của các liệt sĩ, tôi xem đó là nhiệm vụ và cũng là trách nhiệm của mình. Dù nhỏ thôi nhưng tôi hy vọng, việc làm của mình sẽ làm ấm lòng thân nhân của liệt sĩ khi đến đây thăm viếng”.
Còn với ông Kiều Công Huệ và ông Phạm Văn Sở, nhiều năm qua, ngày nào, 2 ông cũng đều đặn nhang khói, thắp đèn chiếu sáng, quét dọn làm đẹp khuôn viên NTLS huyện Đức Hòa. Một ngày làm việc của ông Huệ và ông Sở với vô số công việc có tên và không tên. Thế nhưng, 2 ông luôn xác định, làm việc bằng cái tâm, làm hết việc chứ không làm hết giờ. Không phân biệt ngày thường hay ngày lễ, khi có các đoàn khách, thân nhân, đồng đội liệt sĩ đến viếng, ông Huệ và ông Sở kiêm luôn nhiệm vụ hướng dẫn và giới thiệu cho khách. Là người gắn bó từ khi NTLS huyện mới được xây dựng, ông Huệ chứng kiến rất nhiều cuộc “hội ngộ” giữa người sống và người đã hy sinh. Trong số những gia đình tìm được mộ người thân có ông Vũ Văn Kết, là em trai của liệt sĩ Vũ Quốc Ân, quê ở Ninh Bình. Cuộc “trùng phùng” của liệt sĩ và gia đình sau thời gian dài là niềm vui và những giọt nước mắt.
Với ông Kiều Công Huệ và ông Phạm Văn Sở, những người đang yên nghỉ tại nghĩa trang cũng chính là người thân của mìnhÔng Huệ cho biết: “Sau giải phóng, gia đình ông Kết nhiều lần đi tìm mộ liệt sĩ Vũ Quốc Ân ở các nghĩa trang từ Bình Trị Thiên đến tận miền Nam, nhưng đến năm 2010 mới tìm được tại NTLS huyện Đức Hòa. Cũng có rất nhiều người từ khắp các tỉnh, thành trong nước đến NTLS huyện Đức Hòa với hy vọng tìm được mộ người thân nhưng rồi lại lặng lẽ ra về. Có những hành trình tìm kiếm kéo dài hơn một thập kỷ vẫn chưa kết thúc. Hàng năm, vào tháng 7 và các dịp lễ, tết, khách đến viếng rất đông, công việc cũng nhiều hơn nhưng chúng tôi cố gắng hoàn thành tốt để có thể chia sẻ bớt phần nào những mất mát với thân nhân các liệt sĩ”.
Làm bằng cả trái tim
Với những người quản trang ở NTLS thì công việc hàng ngày của họ không chỉ là mưu sinh mà còn là trách nhiệm, như một cách tri ân với những anh hùng liệt sĩ hy sinh vì Tổ quốc. Có thể nói, tất cả những người quản trang mà chúng tôi gặp, những con người không cùng tuổi đời, hoàn cảnh, quê quán, nhưng họ gắn bó với công việc ở điểm chung là cùng có tấm lòng thành kính dành cho những người con ưu tú của quê hương hy sinh vì độc lập dân tộc. Có bàn tay chăm sóc của những người quản trang, những ngôi mộ liệt sĩ như ấm áp hơn.
Ông Ngô Văn Giàu chăm sóc cảnh quan ở Nghĩa trang Liệt sĩ liên huyện Tân Thạnh - Thạnh Hóa |
Gắn bó 12 năm với công việc chăm sóc các phần mộ ở NTLS liên huyện Tân Thạnh - Thạnh Hóa, ông Ngô Văn Giàu chứng kiến hàng ngàn lượt người từ khắp các tỉnh, thành đến đây với hy vọng tìm được mộ người thân nhưng rồi lại ra về lặng lẽ. “Thấy cảnh nhiều đoàn lặn lội từ miền Bắc, miền Trung vào đây tìm mộ liệt sĩ, chúng tôi rất xúc động và không tránh khỏi xót xa. Đa phần họ đi tìm mộ theo linh tính hoặc nghe qua người này, người kia chỉ dẫn nên hy vọng tìm được mộ rất mong manh. Chứng kiến cảnh những thân nhân liệt sĩ lên thăm viếng, cảm nhận được nỗi lòng thầm kín của họ khi thắp nén nhang cho các liệt sĩ, chúng tôi luôn tự hứa với lòng sẽ chăm sóc phần mộ của các anh chu đáo hơn nữa, làm bằng cả trái tim để gia đình các liệt sĩ được ấm lòng và các anh yên nghỉ thanh thản” - ông Giàu chia sẻ. Hiện tại, NTLS liên huyện Tân Thạnh - Thạnh Hóa có khoảng 1.977 phần mộ của các anh hùng liệt lĩ, trong đó có khoảng 1.100 phần mộ chưa biết tên.
Quanh câu chuyện công việc ở nghĩa trang, các cán bộ quản trang vẫn không nói về mình, họ chỉ âm thầm quét dọn lá rụng quanh khu vực, tưới nước cho những hàng cây dọc các lối đi, làm cỏ, lau từng hạt bụi theo gió bám vào bia mộ của các liệt sĩ. “Những ngày lễ hay ngày rằm, mùng một, tôi đều thắp hương điện chính nghĩa trang. Lúc rảnh rỗi, tôi tranh thủ thắp hương, kiểm tra các phần mộ, xem nơi nghỉ của các bác có bị sụt lún, trầy xước, nứt bia hay không để ghi chép, kịp thời báo cáo tu sửa. Tôi cứ đặt bản thân vào vị trí thân nhân của các liệt sĩ nhưng chưa xác định tên, luôn mong ngóng tìm được hài cốt con em mình. Nghĩa trang này là nơi an nghỉ của 3.000 liệt sĩ của mọi miền đất nước. Quản trang phải chăm sóc, khói hương chu toàn bằng cái tâm vô tư, xông xáo khi sức khỏe còn cho phép. Chúng tôi xem đây là trách nhiệm vô cùng thiêng liêng và cao quý” - ông Cao Thành Lai - Quản trang NTLS huyện Cần Đước, tâm sự./.
Huỳnh Phong - Huỳnh Hương