Người lao động nên cân nhắc khi rút bảo hiểm xã hội một lần
Nhận bảo hiểm xã hội một lần - Lợi trước mắt, thiệt về sau
Vợ chồng anh H.T.S. (SN 1986) và chị H.T.H.M. (SN 1990, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An) cùng làm trong một công ty (Cty) tại Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn. Gần đây, anh nghỉ làm tại Cty cũ, chuyển sang một Cty khác và có trên 6 năm tham gia BHXH. Tháng 4/2021, anh đến BHXH tỉnh để xin rút BHXH với lý do “chờ đến khi nhận lương hưu còn khá lâu”. Điều đáng nói là dù hiện nay, anh đã có việc làm mới nhưng vẫn chần chừ chưa đóng lại bảo hiểm vì chưa hiểu đầy đủ quyền lợi của BHXH. Còn chị M. - vợ anh, sau thời gian nghỉ hậu sản, gần 4 năm tham gia BHXH, mới đây, chị cũng rút BHXH một lần với lý do “ở nhà nuôi con nhỏ, lại trong lúc dịch bệnh nên cần tiền để trang trải cuộc sống”. Tương tự, chị N.T.L. (SN 1977, ngụ xã Thái Trị, huyện Vĩnh Hưng) có hơn 10 năm làm công nhân tại một Cty trên địa bàn huyện Bến Lức và tham gia BHXH cũng ngần ấy năm. Thế nhưng, đợt dịch vừa qua, chị xin nghỉ việc và cũng rút BHXH một lần vì nghỉ làm về quê.
Nhận BHXH một lần, người LĐ bị thiệt thòi nhiều về quyền lợi. Hiện nay, tổng mức đóng BHXH vào Quỹ Hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người LĐ (người LĐ chỉ phải đóng 8%, còn người sử dụng LĐ đóng 14%), tổng mức đóng hàng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu hưởng BHXH một lần thì người LĐ chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương làm căn cứ đóng BHXH cho 1 năm tham gia BHXH. Như vậy, người LĐ mất đi 0,64 tháng lương mỗi năm. Nếu so sánh giữa việc hưởng lương hưu hàng tháng và việc lãnh BHXH một lần cùng một khoảng thời gian đóng BHXH thì tổng lợi ích bằng tiền khi hưởng lương hưu hàng tháng sẽ cao hơn. Vì vậy, người LĐ nên cân nhắc thiệt, hơn khi rút BHXH một lần: Số tiền nhận ít hơn số tiền đóng; không được cộng nối thời gian tham gia BHXH; không có bảo hiểm y tế lúc gặp khó khăn, hoạn nạn,…
Anh H.T.S. rút bảo hiểm xã hội một lần với lý do chờ đến hưởng lương hưu thì thời gian lâu
Ảnh hưởng đến an sinh xã hội
Trưởng phòng Lao động - Việc làm và Giáo dục nghề nghiệp, Sở LĐ - Thương binh và Xã hội - Châu Công Rỡ cho biết: Tình trạng người LĐ đề nghị nhận BHXH một lần gia tăng đồng nghĩa với việc số LĐ khi về già không có lương hưu đang tăng lên. Đây là thực tế đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người LĐ, KT-XH cũng như chính sách an sinh. “Theo Bộ luật LĐ năm 2019, tuổi hưu tăng lên, thời gian để chờ lương hưu lâu hơn và khả năng hưởng lương lưu ngắn hơn. Trong đó, phải kể đến cuộc sống của người LĐ còn nhiều khó khăn; nhiều người LĐ chưa hiểu hết về lợi ích của chính sách BHXH;… Người LĐ chỉ thấy cái lợi trước mắt, chưa thấy được lợi ích lâu dài. Bên cạnh đó, việc rút BHXH một lần sẽ đẩy người LĐ vào rủi ro rất lớn khi về già. Khi không còn sức LĐ, lại không có nguồn thu nhập hưu trí từ BHXH thì họ sẽ mất đi sự tự chủ, phụ thuộc vào con, cháu. Vì vậy, để tiến tới an sinh xã hội bền vững, người LĐ nên cân nhắc đến vấn đề rút BHXH một lần” - ông Rỡ nói.
Chính sách BHXH đang được thực hiện với 2 loại hình BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện và linh hoạt trong cách đóng. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, mặc dù số người tham gia BHXH tự nguyện đã vượt chỉ tiêu đến năm 2021 đạt trên 1% lực lượng LĐ trong độ tuổi, tuy nhiên, tỷ lệ này còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng KT-XH địa phương, trong đó có nhiều nguyên nhân. Trước hết là công tác tuyên truyền chưa tiếp cận được đối tượng tiềm năng, người dân còn có quan niệm “Trời sinh voi sinh cỏ” mà thời gian đóng tối thiểu để hưởng chế độ lương hưu khá dài (20 năm); mức bình quân thu nhập lựa chọn làm căn cứ đóng BHXH tự nguyện đã giảm so với mức bình quân của các năm trước; chế độ được hưởng ít hơn so với tham gia BHXH bắt buộc.
Số người LĐ trong khu vực doanh nghiệp làm đến 20 năm để đủ điều kiện hưởng lương hưu chiếm tỷ lệ rất thấp do một số nguyên nhân. Đó là không đủ điều kiện về sức khỏe để làm các công việc có yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; công việc không ổn định, thường xuyên thay đổi nơi làm việc để tìm nơi làm việc có nguồn thu nhập cao hơn,... nên đa số người LĐ cho rằng, thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu tối thiểu 20 năm là quá dài. Nếu khi nghỉ việc thời gian dưới 20 năm, muốn hưởng lương hưu thì phải đóng thêm theo 2 cách hoặc là tiếp tục làm việc hoặc là tham gia BHXH tự nguyện.
Tuy nhiên, đối với người LĐ, 2 lựa chọn này không thể áp ứng được do điều kiện về tuổi và kinh tế gia đình nên hiện nay, tình trạng người LĐ thôi việc hưởng trợ cấp BHXH một lần là rất nhiều. Bên cạnh đó, theo quy định mới đối với mức hưởng BHXH một lần thì cứ mỗi năm đóng được tính 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi cũng là một nguyên nhân khiến người LĐ lựa chọn hưởng BHXH một lần.
Đâu là giải pháp?
Việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi sẽ được Chính phủ xem xét. Điều này được cho là tác động ít nhiều đến quyết định rút BHXH một lần của một bộ phận người LĐ ở thời điểm hiện tại.
Theo Sở LĐ - Thương binh và Xã hội, tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề BHXH được đưa ra thảo luận. Một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi luật lần này là xem xét về việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm. Đề xuất này là một trong các bước thể chế hóa chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương tại Nghị quyết 28/NQ-TW năm 2018 về cải cách chính sách BHXH. Cụ thể, Nghị quyết 28 nêu rõ: “Sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho người LĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH”. Đây cũng là một trong những nội dung mà lãnh đạo BHXH Việt Nam kiến nghị đưa vào dự thảo Luật BHXH do Bộ LĐ - Thương binh và Xã hội chủ trì soạn thảo.
Theo đó, thời gian đóng BHXH sẽ được rút ngắn, người LĐ chỉ cần đáp ứng thêm điều kiện về tuổi nghỉ hưu. Đề xuất nêu trên là tín hiệu đáng mừng cho những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng thiếu số năm đóng BHXH. Thay vì phải rút BHXH một lần hay phải đóng tiếp BHXH tự nguyện thì sắp tới, những người này đã đủ điều kiện được nhận lương hưu. Do đó, người LĐ có ý định rút BHXH một lần cần cân nhắc vào giai đoạn này. Xét thấy, dù ở trường hợp nào, việc giảm số năm đóng BHXH để nhận lương hưu cũng có lợi cho người LĐ, giúp người LĐ dễ dàng tiến đến cơ hội được nhận lương hưu hơn.
Ngoài ra, các cấp, ngành, tổ chức Công đoàn các cấp cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giải thích cho người LĐ hiểu rõ những thiệt thòi khi hưởng BHXH một lần. Chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất của các doanh nghiệp, từ đó phối hợp các đơn vị liên quan vận động người LĐ bị mất việc làm tham gia BHXH tự nguyện để sau này được hưởng lương hưu;.../.
Song Nhi