Người nuôi gặp khó trong đầu ra cho con tôm (Ảnh tư liệu)
Từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, giá tôm giảm mạnh, nhiều hộ nuôi tôm ở các huyện vùng hạ của tỉnh vì thế mà hạn chế đầu tư. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, toàn tỉnh có tổng diện tích thả nuôi tôm là 4.255ha (tôm sú 393ha; tôm thẻ chân trắng 3.862ha).
Tại huyện Cần Đước, tình hình tiêu thụ tôm đang gặp khó khăn, giá tôm liên tục giảm. Ông Nguyễn Văn Sên (xã Tân Ân, huyện Cần Đước) chia sẻ: “Ao tôm 0,6ha của gia đình tôi đã hơn 60 ngày tuổi nhưng thương lái không thu mua hết mà mua theo đợt. Điều này làm ảnh hưởng lớn đến năng suất tôm. Giá thu mua rất thấp, chỉ 90.000 đồng/kg (khoảng 50 con/kg). Với giá bán này, gia đình tôi cầm chắc thua lỗ nhưng nếu chần chừ không bán thì sẽ lỗ nặng hơn vì phải tốn thêm chi phí thức ăn và tôm dễ chết”.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Đước - Nguyễn Hồng Chương cho biết: “Đến thời điểm này, việc tiêu thụ tôm còn nhiều khó khăn nhưng so với nửa tháng trước thì ổn hơn. Tuy nhiên, trong thời gian giãn cách xã hội, thương lái không có nhiều thị trường nên việc tiêu thụ chậm, vì vậy vẫn còn tình trạng một ao phải thu hoạch nhiều lần”.
Từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Cần Giuộc thả nuôi khoảng 1.200ha tôm, trong đó đã thu hoạch hơn 900ha. Năng suất ước khoảng 3 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Thiện, ngụ ấp 1, xã Phước Vĩnh Tây, bộc bạch: “Vụ tôm này, mặc dù thời tiết tương đối thuận lợi, năng suất, sản lượng đạt khá cao nhưng do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên sức mua giảm, khó bán. Hiện tôi còn khoảng 2 tấn tôm thẻ chân trắng (khoảng 60 con/kg) chưa thể bán được. Tôi đã báo ngành Nông nghiệp huyện để nhờ hỗ trợ, tìm giúp nơi tiêu thụ tôm”.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giuộc - Ngô Bảo Quốc, tính đến này 10/8, sản lượng tôm tồn đọng trên địa bàn huyện là 79,6 tấn. Hiện ngành Nông nghiệp huyện tích cực liên hệ, nắm tình hình sản xuất, thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ nông sản của các địa phương để báo cáo, đề xuất UBND huyện tìm giải pháp hỗ trợ nông dân. Đồng thời, tăng cường kết nối với các kênh tiêu thụ nông sản như hệ thống San Hà, VinMart, các điểm bán hàng bình ổn giá trên địa bàn huyện, trang mua, bán, kết nối tiêu thụ nông sản của Tổ công tác 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn),...
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp huyện còn chủ động phối hợp Trung tâm Y tế huyện tạo điều kiện cho thành viên các hợp tác xã, tổ hợp tác nuôi tôm được test nhanh Covid-19 để tham gia quá trình lưu thông, vận chuyển nông sản được thuận lợi hơn./.
Kim Ngọc - B.Tùng