Rộng đường tiêu thụ
Giám đốc HTX Rau an toàn Phước Hòa (huyện Cần Đước) - Kiều Anh Dũng cho biết: “Trồng rau VietGAP giúp các thành viên HTX có thu nhập ổn định vì đầu ra được các doanh nghiệp đăng ký thu mua, cũng như cung cấp kỹ thuật, giống. Không những vậy, thời gian qua, Ban Giám đốc HTX hợp đồng chặt chẽ với thành viên theo nguyên tắc “an toàn cho người tiêu dùng là trên hết”. Do vậy, HTX tạo được uy tín về chất lượng sản phẩm đối với khách hàng và đối tác. Đến nay, qua kiểm tra nhanh, chưa có lô hàng nào có dư lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép. Hiện các sản phẩm của HTX được phân phối tại hệ thống các siêu thị, công ty, trường học, bếp ăn tập thể,... trên địa bàn và 2 cửa hàng của HTX (tại phường 2, TP.Tân An và thị trấn Thạnh Hóa, huyện Thạnh Hóa). Trung bình mỗi ngày, HTX cung cấp cho các đơn vị từ 2-3 tấn rau an toàn các loại”.
Nhu cầu sử dụng rau an toàn của người tiêu dùng rất lớn
Chị Nguyễn Thị Nhanh (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) cho hay: “Khi tham gia vào mô hình sản xuất rau an toàn, được hướng dẫn chu đáo, cụ thể, gia đình tôi và những hộ trồng rau ở địa phương rất phấn khởi. Sản xuất ra các loại rau đạt tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp sạch VietGAP hoặc rau an toàn đầu ra ổn định hơn, nông dân đạt lợi nhuận cao hơn”.
Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp rau, củ, quả Khánh Hậu (phường Khánh Hậu, TP.Tân An) - Trần Văn Minh chia sẻ: “HTX được thành lập trên nền tảng Tổ hợp tác Rau an toàn phường Khánh Hậu. Sản phẩm tiêu thụ chủ yếu trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn bộ diện tích rau của HTX sản xuất theo hướng công nghệ cao, bước đầu mang lại hiệu quả cao. Tổng thu nhập của các thành viên HTX đạt 3,7 tỉ đồng/năm, lợi nhuận 170-180 triệu đồng/năm/ha, nông dân ổn định đầu ra”.
Với thị trường tiêu thụ ổn định và mang lại giá trị kinh tế cao, những năm gần đây, những mô hình sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh đã góp phần tạo nên một nguồn cung thực phẩm an toàn cho người dân.
Người tiêu dùng ưa chuộng
Chị Nguyễn Thị Cúc (phường 2, TP.Tân An) chia sẻ: “Trong các bữa ăn gia đình không thể thiếu món rau xanh, tuy nhiên, để mua và sử dụng những sản phẩm thật sự an toàn không phải dễ. Ở hầu hết các chợ hay cửa hàng nhỏ, lẻ ở khu dân cư đều bán rất nhiều loại rau xanh, nhưng đa phần không rõ nguồn gốc. Do đó, tôi thường vào siêu thị hay các cửa hàng tiện ích để mua rau xanh về sử dụng, vì ở những nơi này, hàng hóa đã qua kiểm định và có nguồn gốc rõ ràng”. Anh Võ Xuân Huy - chủ cửa hàng rau, củ, quả sạch Huy Store (phường 2, TP.Tân An), thông tin: “Hiện nay, nhu cầu thực phẩm sạch của người tiêu dùng rất cao, nhưng nhiều người chưa biết mua ở đâu. Vì vậy, những cửa hàng thực phẩm sạch là cầu nối đưa nông sản chất lượng cao đến với người tiêu dùng. Cửa hàng của tôi không lấy rau tại các chợ đầu mối hay các cơ sở sản xuất chưa được kiểm soát theo chuỗi thực phẩm an toàn. Hầu hết sản phẩm của cửa hàng mang thương hiệu an toàn đạt chuẩn của Long An”.
Trước nhu cầu sử dụng nông sản sạch ngày càng tăng của người dân, bên cạnh các siêu thị, cửa hàng tiện ích kinh doanh mặt hàng này, hiện có thêm một số doanh nghiệp mở cửa hàng phân phối và bán sản phẩm rau sạch. Giám đốc Công ty TNHH San Hà - Phạm Thị Ngọc Hà cho biết: “Vấn đề an toàn thực phẩm đang rất được quan tâm hiện nay. Với tâm nguyện mang lại bữa ăn dinh dưỡng và an toàn đến mọi người, mọi nhà, công ty không ngừng nỗ lực nhằm cung cấp những sản phẩm chất lượng, an toàn. Thời gian qua, công ty được sự hỗ trợ tích cực của tỉnh trong việc kết nối giữa người sản xuất đến doanh nghiệp nên nhiều sản phẩm bán ra tại cửa hàng của San Hà có nguồn gốc ở Long An. Hiện nay, ngoài các SanHàFoodstore tại huyện Cần Đước, Cần Giuộc, Bến Lức,… công ty tiếp tục mở rộng nhằm đáp ứng nhu cầu trên địa bàn. Tại SanHàFoodstore, có khoảng 90% nông sản bán ra là rau, củ, quả hay các loại thịt,… đều có nguồn gốc tại Long An. Khi muốn biết về nguồn gốc sản phẩm, người tiêu dùng có thể truy xuất bằng điện thoại di động”.
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, tỉnh có 35 HTX, doanh nghiệp sản xuất theo quy trình VietGAP tham gia các phiên chợ nông sản an toàn và chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Tỉnh đã xây dựng và quảng bá được 12 chuỗi liên kết tiêu thụ thực phẩm an toàn được kiểm soát theo chuỗi; có thị trường tiêu thụ chủ yếu tại hệ thống siêu thị Sài Gòn Co.op, Big C, Aeon và trên 70 hệ thống siêu thị mini trên toàn quốc; các đại lý phân phối tại TP.HCM và một số bếp ăn tập thể trong và ngoài tỉnh. Để hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ rau an toàn hiệu quả, sở đang phối hợp các sở, ngành liên quan triển khai đề án truy xuất nguồn gốc tại đơn vị sản xuất rau an toàn, với sản lượng rau, quả dán tem truy xuất nguồn gốc; thường xuyên tổ chức một số chợ phiên nông sản an toàn nhằm giới thiệu, kết nối cung - cầu sản phẩm an toàn cho đông đảo người dân được biết. Bên cạnh đó, sở tiếp tục triển khai những giải pháp về vốn, đất đai, vấn đề đào tạo chuyển giao nông nghiệp công nghệ cao và phát triển giống mới,… nhằm thu hút nông dân, doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất rau an toàn./.
Huỳnh Phong