Công nhân Hợp tác xã Phước Thịnh sơ chế rau an toàn
Tạo lối ra cho thực phẩm sạch
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - Lê Văn Hoàng cho biết, để tạo lối ra cho nông sản sạch, thời gian qua, Long An có nhiều chính sách hỗ trợ nông dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Bên cạnh đó, các nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP, được quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, triển lãm, các cuộc xúc tiến thương mại,...
Huyện Cần Giuộc là một trong những địa phương được quy hoạch sản xuất rau an toàn của tỉnh. Địa phương có 8 hợp tác xã (HTX) rau an toàn, trong đó có 3 HTX được cấp chứng nhận VietGAP. Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Cần Giuộc - Đồng Quang Đôn, hiện nay, mỗi ngày, bình quân 1 HTX cung cấp từ 3-6 tấn rau. Ở 3 HTX rau an toàn được chứng nhận VietGAP, chỉ có trên 20% rau an toàn được tiêu thụ thông qua liên kết với các doanh nghiệp đầu mối, bếp ăn tập thể, còn lại 80% phải bán cho các thương lái nên giá cả không ổn định. Đây là khó khăn lớn nhất của nông dân.
HTX Nông nghiệp - Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Phước Thịnh (gọi tắt là HTX Phước Thịnh), xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc hiện có 9 xã viên chính thức và 40 xã viên liên kết sản xuất trên diện tích hơn 25ha rau ăn lá, rau gia vị và củ, quả. Giám đốc HTX Phước Thịnh - Đặng Duy Dũng cho biết, tất cả xã viên đều thực hiện nghiêm ngặt quy trình sản xuất rau an toàn từ sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu đến các kỹ thuật canh tác khác. Chính điều này giúp HTX dần tìm được đầu ra tương đối ổn định, đưa được nhiều loại rau ăn lá vào các siêu thị tại TP.HCM. Bình quân mỗi ngày, HTX cung cấp cho các đơn vị từ 4-5 tấn rau. Ngoài ra, HTX có một lượng hàng xuất khẩu đi các nước bạn. Hiện, doanh thu hàng tháng của HTX từ 2-3 tỉ đồng.
Ngoài thế mạnh về rau an toàn, Long An còn là trung tâm giết mổ các loại gia súc, gia cầm cung cấp thực phẩm cho TP.HCM. Tổng Giám đốc Công ty (Cty) TNHH San Hà (xã Thanh Phú, huyện Bến Lức) - Phạm Thị Ngọc Hà cho biết: “Hiện, Cty cung ứng hơn 70 tấn sản phẩm/ngày cho thị trường TP.HCM. Các sản phẩm của Cty được giám sát nghiêm ngặt từ khâu chăn nuôi, sơ chế, vận chuyển, bảo quản, được cấp chứng nhận “chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn” của cơ quan thẩm quyền”.
Nhằm thỏa mãn các điều kiện về chuỗi an toàn thực phẩm, thời gian qua, Cty TNHH San Hà đầu tư cả trăm tỉ đồng trang bị dây chuyền giết mổ hiện đại từ châu Âu. Cty còn chủ động cung ứng con giống, thức ăn và quy trình nuôi đạt chuẩn đến nông dân,... nhằm hướng đến tiêu chí “Sạch - an toàn”. Sắp tới, doanh nghiệp còn đưa vào hoạt động trang trại nuôi gà công nghiệp rộng 75.000m2 tại Long An nhằm chủ động hơn nữa nguồn nguyên liệu.
Kết nối tiêu thụ
Vừa qua, tại Long An, Sở NN&PTNT Long An và Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM ký kết phối hợp sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong các chuỗi cung ứng nông sản giai đoạn 2017-2020. Tại buổi ký kết, ông Lê Văn Hoàng cho rằng, thực tế hiện nay, nông dân cũng như các doanh nghiệp rất muốn sản xuất, chế biến thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhưng lại gặp rất nhiều khó khăn về đầu ra. Nếu nông sản của Long An có đầu ra, được bao tiêu ổn định thì tỉnh cam kết cung cấp sản phẩm sạch, theo chuẩn mà TP.HCM yêu cầu. Long An sẵn sàng tham gia chuỗi giá trị truy xuất nguồn gốc.
Mục tiêu của việc ký kết nhằm xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản an toàn giữa Long An và TP.HCM được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế/giết mổ, chế biến, kinh doanh nông sản và truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Dự kiến, đến năm 2020, phần lớn nông sản chủ lực của Long An tiêu thụ tại TP.HCM đều kiểm soát an toàn thực phẩm theo chuỗi.
Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM - Phạm Khánh Phong Lan chia sẻ, TP.HCM mong muốn nguồn thực phẩm sạch không chỉ được cung ứng ở các kênh hiện đại như siêu thị hay các cửa hàng tiện ích mà còn ở các chợ đầu mối: Hóc Môn, Bình Điền, Thủ Đức. Bà đề nghị, cả TP.HCM và Long An phải kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu (trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác) đến cơ sở sơ chế hoặc giết mổ, chế biến, kinh doanh nông sản, đồng thời truy xuất được nguồn gốc, xuất xứ. Nếu làm tốt khâu ban đầu, TP.HCM tạo nhịp cầu kết nối tăng sản lượng tiêu thụ nông sản, trong đó, giai đoạn đầu tập trung vào rau, thịt các loại./.
Mai Hương