Tiếng Việt | English

29/03/2017 - 09:20

Người trẻ phạm tội vì thiếu kiến thức, bốc đồng,... yếu kỹ năng xử lý

Tội phạm tuổi chưa thành niên vẫn diễn ra nhiều; mức độ phạm tội ở người trẻ rất nguy hiểm. Nhiều khi chỉ vì những lý do rất đơn giản: “Thấy ghét”, “nhìn đểu”,... cũng có thể xảy ra đâm, chém nhau.


Tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho học sinh

Phạm tội khi còn rất trẻ

Cách đây gần 3 năm, dư luận không khỏi giật mình trước vụ việc, N.M.T.T, ngụ huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An cùng các thành viên trong gia đình chống lại lực lượng chức năng đang thi hành công vụ. Vụ án này xuất phát từ việc không chấp hành quyết định cưỡng chế trong việc giải phóng mặt bằng để thi công công trình bờ kè.

Thời điểm đó, T. chưa đủ 15 tuổi (sinh ngày 31/3/2000), nhưng có hành vi chống trả rất manh động và sử dụng cả axít tạt vào người một trung tá công an đang thi hành công vụ. Kết quả giám định, trung tá công an bị hại bị bỏng, thương tích 35%. Trước những hành vi này, Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh mở phiên xử phúc thẩm và tuyên phạt bị cáo T. 2 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”.

Hay trong năm 2015, một vụ việc hiếp dâm xảy ra ở một địa phương thuộc vùng sâu, xa của tỉnh xuất phát từ nguyên nhân do rượu. Nạn nhân và đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đều ở tuổi rất trẻ. Gia đình của 2 đối tượng thực hiện hành vi phạm tội lại rất khó khăn, thuộc diện nghèo.

Về vụ việc này, tháng 3/2016, TAND tỉnh đưa ra xét xử bị cáo N.V.L (sinh ngày 11/11/2000), ngụ xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa về tội hiếp dâm.

Theo hồ sơ vụ việc, trước đó, vào ngày 14/6/2015, N.V.L và một người bạn tên N.V. T (19 tuổi) rủ một người bạn gái tên T. (13 tuổi) đến nhà một người bạn ở xã Tân Thành, huyện Mộc Hóa chơi. Sau khi uống khá nhiều rượu, cả nhóm rủ nhau về Vĩnh Hưng và Tân Hưng nhậu tiếp. Sau đó, N.V.L và N.V.T cùng hiếp dâm T. Biết mình bị cưỡng hiếp, T. trình báo cơ quan chức năng.

Với hành vi hiếp dâm trẻ em, bị cáo N.V.L bị tuyên án 15 năm tù; trong khi đó, bị cáo N.V.T do còn tuổi chưa thành niên nên bị xử phạt 7 năm tù giam.

Cũng liên quan đến tội phạm chưa thành niên, đến giờ, nhắc lại, nhiều người vẫn rất đau xót trước vụ án mạng do cô gái chưa đủ 16 tuổi dùng dao đâm chết người tình ngay tại phòng trọ.

Hơn 2 giờ sáng, ngày 05/5/2016, những người sống trong dãy nhà trọ ở ấp 1A, xã An Thạnh, huyện Bến Lức nghe tiếng cự cãi và sau đó là tiếng kêu cứu được phát ra từ một căn phòng trọ. Khi mọi người chạy đến, anh N.V.K (SN 1999) nằm sóng soài trên nền gạch, máu chảy lênh láng, trên ngực bị dao đâm. Ngay lập tức, mọi người đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân tử vong ngay sau đó.

Ngay trong đêm xảy ra vụ việc, P.T.M.T (sinh ngày 18/9/2000), quê quán xã Tân Công Chí, huyện Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp đến cơ quan Công an huyện Bến Lức đầu thú chính là người dùng dao đâm nạn nhân dẫn đến tử vong.

Theo lời khai, T. và nạn nhân K. sống chung với nhau như vợ chồng tại căn nhà trọ. T. làm tiếp viên ở quán karaoke nhưng K. lại hay ghen tuông nên cả hai thường xảy ra cãi vã. Trong một lần xảy ra xô xát, T. dùng dao đâm vào ngực người yêu. Trong phiên xử sơ thẩm ngày 24/8/2016 tại TAND tỉnh, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo P.T.M.T 4 năm tù giam vì tội giết người. Ngày 23/12/2016, TAND cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm, tuyên y án 4 năm tù đối với P.T.M.T.


Một bị can chưa thành niên bị đưa ra xét xử

Cần sự chung tay của gia đình, nhà trường và xã hội

Theo thống kê của TAND tỉnh, từ năm 2014 đến hết tháng 02/2017, TAND tỉnh và TAND các huyện, thị xã, thành phố phải giải quyết 13.766 vụ án hình sự sơ thẩm với 5.568 bị cáo. Theo đó, đến hết tháng 02/2017, xét xử 3.529 vụ với 5.494 bị cáo. Qua phân tích đặc điểm nhân thân các bị cáo, có 7 bị cáo từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi; 177 bị cáo từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi; 1.502 bị cáo từ 18 đến 30 tuổi.

Trong đó, năm 2014, đưa ra xét xử có độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi là 3 bị cáo; năm 2015 là 2 bị cáo; năm 2016 là 2 bị cáo và từ đầu 2017 đến hết tháng 02/2017 là 0 bị cáo; độ tuổi từ 16 đến dưới 18 thì năm 2014, đưa ra xét xử 82 bị cáo; năm 2015 là 48 bị cáo; năm 2016 là 43 bị cáo và từ đầu 2017 đến hết tháng 02/2017 là 4 bị cáo; chủ yếu liên quan đến các tội trộm cắp tài sản, tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma túy, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác.

Mặc dù đây là những con số buồn nhưng nếu so sánh qua hàng năm cho thấy, đây là tín hiệu vui vì số người phạm tội ở các lứa tuổi trên có chiều hướng giảm qua các năm.

Đua đòi ăn chơi, tụ tập, hút, chích ma túy, bỏ nhà đi theo bạn xấu,... chính là những nguyên nhân dẫn đến những người trẻ chưa thành niên phạm tội. Ngoài ra, vì tính hiếu thắng, không kiềm chế được bản thân nên có những vụ việc chỉ vì mâu thuẫn, xích mích rất nhỏ cũng dẫn đến cướp giật, đánh nhau,... Đó là một trong nhiều nguyên nhân được Thượng tá Nguyễn Minh Sáng - Trưởng phòng Tham mưu Công an tỉnh chỉ ra.

Còn theo một thẩm phán TAND tỉnh kể, có những lần, khi chủ tọa hỏi bị cáo còn tuổi chưa thành niên vì sao dùng dao đâm người? Mọi người dự phiên tòa sững sờ khi nghe trả lời vì “nhìn thấy ghét”. Muôn vàn lý do nhưng có lẽ, tội phạm ở độ tuổi chưa thành niên còn nhiều là do ảnh hưởng, tác động từ môi trường sống như văn hóa phẩm đồi trụy, game bạo lực và sự buông lỏng quản lý của gia đình.

Bên cạnh những vấn đề trên, vấn đề giáo dục còn những hạn chế. Có người cho rằng, giáo dục vẫn còn đặt nặng kiến thức nên có phần nào xem nhẹ việc giáo dục đạo đức, lối sống, nhân cách của con người. Điều đó dẫn đến nhiều bạn trẻ chỉ biết hưởng thụ và xem nhẹ thành quả lao động, đạo lý Tiên học lễ, hậu học văn, kính trọng người trên, thương yêu con người,...

Để giáo dục, ngăn ngừa vi phạm pháp luật của con em, cần lắm sự gắn kết, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa 3 môi trường giáo dục: Gia đình, nhà trường và xã hội!

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Long An - Huỳnh Thanh Phong:

Ngành giáo dục tỉnh triển khai thực hiện các mô hình: Tiết pháp luật, sinh hoạt pháp luật. Qua đánh giá những tiết học, mô hình đang nâng cao nhận thức và ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật cho học sinh. Ngành tiếp tục phối hợp các ngành chức năng, chính quyền đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục đạo đức; phối hợp các ngành tổ chức tư vấn pháp luật cho học sinh.

Chị Nguyễn Thị Huyền, ngụ xã Lợi Bình Nhơn, TP.Tân An:

Ngoài các yếu tố xã hội, giáo dục thì gia đình đóng vai trò rất quan trọng. Vì thế, các bậc phụ huynh, người giám hộ, người thân của các em phải tự nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc nuôi dạy con cháu, là tấm gương sáng để các em noi theo. Phụ huynh tuyệt đối không quá nuông chiều con em mình để dẫn đến suy nghĩ chệch hướng như chỉ biết hưởng thụ, ích kỷ, đua đòi,...

Khi con em có những biểu hiện bất thường phải tìm hiểu; khi con em sai phạm phải khuyên nhủ, dạy bảo, răn đe chứ không nên bao che, dung túng, bênh vực. Về phía ngành chức năng cũng phải quyết liệt trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý nghiêm việc phát tán, kinh doanh các trò chơi bạo lực, khiêu dâm,...

Phó Bí thư Tỉnh đoàn - Trần Ngọc Uyển:

Tỉnh đoàn và Đoàn các cấp luôn quan tâm đến công tác đào tạo, giáo dục truyền thống, kỹ năng sống cho thanh, thiếu niên để các em biết ứng xử, xử lý thế nào cho phù hợp trong các mối quan hệ, giao tiếp xã hội. Đồng thời, nghiên cứu tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để thanh niên giao lưu, học hỏi lẫn nhau. Qua đó, đưa ra định hướng giúp người trẻ sống có lý tưởng, trách nhiệm, lành mạnh, không vi phạm pháp luật.

Trưởng Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Sở Lao động - Thương binh và Xã hội - Phan Thị Nguyệt:

Thời gian qua, những mô hình phòng ngừa, trợ giúp người chưa thành niên vi phạm pháp luật được triển khai trong toàn tỉnh. Hiện những mô hình phòng ngừa, trợ giúp người chưa thanh niên vi phạm pháp luật vẫn đang phát huy hiệu quả.

Thực hiện mô hình này, ngành chức năng và các đoàn thể tổ chức các buổi giao lưu, đối thoại với các em và gia đình các em vi phạm pháp luật. Qua đó, kịp thời nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em và về phía gia đình, ngành chức năng sẽ có những biện pháp, cách thức giúp đỡ, hỗ trợ các em./.

Vũ Quang

Chia sẻ bài viết