Những mớ rau non mơn mởn, những loại củ quả to ngon nhìn là muốn ăn, những miếng thịt lợn, thịt bò tươi rói… nhìn thì thích đấy nhưng ăn vào lâu lâu sẽ có câu trả lời bằng chính sức khỏe của người tiêu dùng: ốm – chết hoặc ốm đến chết!
Bây giờ ăn gì cũng sợ!
Để có sức khỏe tốt, tránh được bệnh tật thì ngoài một bữa ăn với những cơ cấu thực phẩm hợp lý thì chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm là yếu tố vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, ATVSTP lại đang là vấn đề báo động ở nước ta, đặc biệt là việc sử dụng tràn lan các chất cấm trong chăn nuôi, nuôi trồng các loại thủy sản, các loại rau, hoa quả...
Theo thống kê của Viện Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT, trong giai đoạn 2012-2014, tổng lượng thịt sản xuất hàng năm ở trong nước đều tăng. Cụ thể tổng lượng thịt (gồm thịt heo, gà, trâu, bò) năm 2012 là 4,27 triệu tấn, đến năm 2014 là gần 4,6 triệu tấn. Mức tăng trưởng trung bình về sản lượng thịt là 3,7%/năm. Tuy nhiên, trong một Chỉ thị phát đi mới đây, Bộ trưởng NN-PTNT Cao Đức Phát nêu rõ: Tình trạng sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đang có chiều hướng gia tăng ở các địa phương, nhất là khu vực các tỉnh phía Nam. Việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi không chỉ có tác động xấu đến sức khỏe cộng đồng, mà còn làm phương hại đến sản xuất ngành chăn nuôi trong nước, nhất là trong lúc sức ép của các loại thực phẩm nhập ngoại đang ngày một gia tăng. Việc làm này đồng thời còn là hành vi phi đạo đức phải bị cộng đồng, dư luận tố giác, tẩy chay.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát đã đề nghị các tỉnh, thành phố tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi theo các quy định của pháp luật.
Ăn uống và hít thở là nhu cầu tối quan trọng để con người duy trì sự sống, làm việc và duy trì giống nòi. Thế nhưng, thực phẩm được bày bán ở các siêu thị, chợ dân sinh… người tiêu dùng mua đấy, ăn đấy nhưng thật sự là không yên tâm. Nhưng vì không còn sự lựa chọn nào khác nên vẫn phải mua, vẫn phải ăn, biết ăn là sẽ ốm đau, bệnh tật, thậm chí là sẽ chết. Ăn để duy trì sự sống đã đến lúc nào đổ bệnh thì lại chạy chữa.
Cả xã hội đang rất hoang mang về thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm. Với một đất nước 70% dân số làm nông nghiệp mà chính những người làm nông nghiệp khiến người tiêu dùng quay lưng với thực phẩm sản xuất trong nước thì đó là mối nguy. Nhiều người tiêu dùng đã tìm đến các sản phẩm thịt nhập khẩu. Chính vì thế, theo Hiệp hội chăn nuôi, trung bình mỗi năm Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thịt các loại. Và chăn nuôi trong nước đang đứng trước lo ngại sẽ bị thịt ngoài “đè bẹp” trên sân nhà.
Xem thêm>>
Còn nói đến rau quả, người tiêu dùng nào cũng phải rùng mình. Nhiều người dân trồng rau đã và đang quen dùng các loại thuốc kích thích tăng trưởng, thời gian phun thuốc chỉ cách 2- 3 ngày trước khi đưa đi tiêu thụ. Cách làm này thu về cái lợi trước mắt cho người trồng rau nhưng lại tạo ra tồn dư hóa chất độc hại trong rau, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Nếu như trước kia người làm nông nghiệp tận dụng phân chuồng, mùn rơm… để làm phân bón thì nay, phân bón hóa học vừa sẵn vừa rẻ chỉ việc mua về rắc, tưới vài lần là xong, không phải cặm cụi “một nắng hai sương” nữa. Có cầu ắt có cung, lượng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích vì thế mà càng có cơ hội tràn vào Việt Nam. Theo Hội Khoa học Kỹ thuật Bảo vệ thực vật Việt Nam, danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng đến năm 2013 đã lên tới 1.643 hoạt chất, trong khi, các nước trong khu vực chỉ có khoảng từ 400 đến 600 loại hoạt chất, như Trung Quốc 630 loại, Thái Lan, Malaysia 400-600 loại.
Còn theo Cục Quản lý chất thải và Cải thiện môi trường - Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, trước năm 1985 khối lượng hóa chất BVTV dùng hàng năm khoảng 6.500 - 9.000 tấn thì trong 03 năm gần đây, hàng nămViệt Nam nhập và sử dụng từ 70.000 - 100.000 tấn, tăng gấp hơn 10 lần.
Rau – thịt – gạo… những lương thực - thực phẩm thiết yếu của cuộc sống nhưng sản phẩm nào cũng chứa các mối nguy với sức khỏe con người do người chăn nuôi, người trồng cấy quá lạm dụng các loại chất hóa học để tăng lợi cho mình. Một cái lợi nhỏ nhưng cái hại thì quá lớn và ai cũng nhìn thấy. Hại cho sức khỏe của cả cộng đồng dân cư, hại cho chính uy tín kinh doanh sản xuất của họ. Thế nhưng, cái lợi ấy dù nhỏ nhưng đã che lấp tất cả những gì xung quanh. Còn người tiêu dùng thì bất lực, đành bỏ tiền ra mua “bệnh tật và cái chết” cho chính mình./.
Vũ Hạnh/VOV.VN