Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Văn Cần tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ năm học 2017-2018
Những dấu son truyền thống
Ngày 20/11 là ngày hội biểu dương nghề dạy học và người làm nghề giáo, dịp để học sinh (HS), phụ huynh và xã hội thể hiện tinh thần “Tôn sư trọng đạo”.
Tại buổi họp mặt, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) - Nguyễn Thanh Tiệp ôn lại truyền thống vẻ vang của ngành. Dưới chế độ phong kiến, nhà giáo không tự ràng buộc mình trong quan niệm “trung quân ái quốc” mà họ đứng về phía nhân dân, hành động “trung với nước, hiếu với dân” như Võ Trường Toản, Chu Văn An, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cao Bá Quát,... Đặc biệt, trước và sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời, nhiều thầy giáo giữ vai trò quan trọng trong phong trào cách mạng Việt Nam như Châu Văn Liêm, Trần Phú, Trường Chinh,...
Đối với Long An, nền GD thời chiến ghi đậm nét nhiều tấm gương nhà giáo tiêu biểu. Đó là thầy giáo Trần Văn Giàu dạy học tại Trường Tư thục Huỳnh Công Phát, đồng thời tham gia cách mạng ở Sài Gòn - Chợ Lớn; thầy giáo Hồng Son Đỏ - người có nhiều công lao với ngành GD địa phương, là người trực tiếp đứng lớp đào tạo Trung đội nữ giáo viên Kiến Tường - khóa học đầu tiên của nền GD cách mạng Kiến Tường thời chống Mỹ. Ở vùng tạm chiếm, phong trào đấu tranh yêu nước của giáo viên (GV), HS phát triển mạnh mẽ. Nữ sinh Mai Thị Non giấu mìn trong cặp sách đi thẳng vào Dinh quận trưởng ở Bến Lức để trừng trị kẻ ác ôn. Hay sinh viên yêu nước Nguyễn Thái Bình không bị khuất phục trước kẻ thù và hy sinh oanh liệt tại Sân bay Tân Sơn Nhất.
Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt, học tốt”, dưới mưa bom, bão đạn, hàng chục vạn GV ở vùng trọng điểm địch đánh phá, vùng giải phóng, vùng giáp ranh,... vẫn bám trường, bám lớp. Và, theo lời kêu gọi của Đảng, hàng vạn thầy giáo, cô giáo, sinh viên, HS đã xếp bút nghiên, vượt Trường Sơn, chi viện cho chiến trường miền Nam.
Những nhà giáo, sinh viên, HS yêu nước ấy mãi mãi là niềm tự hào và là tấm gương sáng cho thế hệ trẻ học tập. Tiếp nối truyền thống ấy, cán bộ quản lý, GV, nhân viên ngành GD&ĐT luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, kiên cường bám trụ với nghề, hết lòng tận tụy vì HS. Từ năm 1990 đến nay, Long An có 1 nhà giáo được Nhà nước xét tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân và 105 nhà giáo được xét tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Đó là tấm gương sáng, những bông hoa tươi thắm nhất trong vườn hoa muôn sắc của ngành GD&ĐT tỉnh nhà.
Những câu chuyện được sẻ chia
Nhân buổi họp mặt, nhiều thế hệ nhà giáo trong tỉnh về dự đông đủ. Hội trường tại Trung tâm Phục vụ hội nghị UBND tỉnh tràn ngập không khí hân hoan, phấn khởi mừng ngày “Tết” Nhà giáo 20/11.
Dịp này, các nhà giáo cùng giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác của mình. Đó là những cách làm hay, những câu chuyện, tình huống thực tế và cách xử lý khéo léo của mỗi thầy giáo, cô giáo.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Tấn Kiều (thị xã Kiến Tường) - cô Đỗ Thị Cẩm Tú chia sẻ kinh nghiệm trong công tác quản lý. Theo cô Tú, để là một cán bộ giỏi, người đứng đầu phải năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, biết đổi mới và chịu trách nhiệm với những đổi mới, việc làm của mình.
Cô Tú tâm sự: “Trường tôi thực hiện nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng GD. Trong đó, trường chú trọng nâng cao năng lực đội ngũ GV thông qua các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, dự giờ, thao giảng và khuyến khích GV tự học, tự nghiên cứu. Nhờ đội ngũ GV giỏi, ham học hỏi, nhiệt tình nên những thay đổi trong phương pháp giảng dạy đạt hiệu quả. HS của trường ngày càng nâng cao về phẩm chất đạo đức và năng lực”.
Các nhà giáo giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm
Cùng tham gia giao lưu, Hiệu trưởng Trường THPT Hậu Nghĩa - Trần Văn Truyến chia sẻ kinh nghiệm về thực hiện lớp chất lượng cao của trường. Thầy Truyến cho biết: “Lớp chất lượng cao được thiết kế giảng dạy và tổ chức chương trình học riêng với 2 buổi/ngày. GV dạy lớp chất lượng cao là GV giỏi của trường. HS được dạy học và ôn tập hướng đến mục tiêu đậu đại học. Đặc biệt, HS được chú trọng dạy tiếng Anh nhằm bảo đảm sau khi tốt nghiệp THPT có bằng B1. Bên cạnh đó, HS còn được chú trọng GD kỹ năng sống và tham gia trải nghiệm thực tế tại các cơ sở sản xuất, di tích lịch sử,...”.
Ngoài ra, các thầy giáo, cô giáo khác cũng chia sẻ thêm về các giải pháp thực hiện phổ cập GD hiệu quả, cách ứng xử khi có tình huống bất ngờ trên lớp học, dạy HS những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Những câu chuyện được sẻ chia là bài học quý giá, giúp các thầy cô có thêm kinh nghiệm trong công tác, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng GD tỉnh nhà./.
Đặng Tuấn