Niềm đam mê từ gian khó
Nhạc sĩ Bảy Khôi tên thật là Trần Bá Khôi, sinh ra ở một làng quê của huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Anh xuất thân từ một nông dân cần cù, chất phác. Anh mê ca nhạc tài tử - cải lương từ thuở nhỏ. Anh rất thích học đờn guitar phím lõm, nhưng không biết làm sao để được học, chỉ vì không tiền nên phải đành chịu... Ước mơ duy nhất lúc bấy giờ của chàng trai trẻ Bảy Khôi là nếu có được tiền thì trước tiên là mua một cây đờn guitar phím lõm. Anh mong hàng năm, tới mùa lúa để xin cha tiền mua cây đờn, nhưng rồi nhiều năm liên tục, lúa vụ nào cũng thất mùa, có vụ đủ để ăn và trả nợ thất thu vụ trước, nên một ước mơ đơn giản mà cả tuổi thanh niên anh vẫn không thực hiện được.
Người anh thứ năm của Bảy Khôi tên Trần Bá In (Năm In), đi bộ đội, khi được giải ngũ về quê nhà, mang về cây đờn guitar phím lõm cũ kỹ từ đơn vị cũ; Năm In cũng biết đờn chút chút. Thế là Bảy Khôi được dịp mừng như mở cờ, anh đeo theo Năm In, và được anh ấy chỉ cho đờn 2 câu vọng cổ. Không lâu, cây đờn cũ kỹ kia cũng rã ben, Bảy Khôi lấy cây và dây gân câu cá tự chế một cây đờn để đờn cho đỡ ghiền, chứ thật ra, cây đờn tự chế kêu vừa nhỏ lại không đúng âm...
Đó là kỷ niệm cả đời khó quên, vì mỗi tối, anh đi cắm câu là mang nó theo trong lúc chờ thăm câu, anh ngồi trên gò mả hay gốc bờ rồi tự đờn, tự nghe và xem như là niềm vui nhất tuổi thanh niên của mình lúc đó. Ban ngày thì mỗi trưa, anh ôm cái radio cũ kỹ để theo dõi hết đài này đến đài nọ về chương trình ca nhạc cải lương, chỗ đờn nào hay, anh lấy đờn tự chế mò theo.
Có một thời gian, anh Năm In thường dẫn một người bạn (tên Hữu) biết đờn tài tử - cải lương về nhà tổ chức tiệc và đờn ca. Lúc đó, Bảy Khôi có nuôi chục con gà (mỗi con hơn 1kg) để dành bán mua đờn nhưng vì mê nghe Hữu đờn để học lỏm nên mỗi khi Hữu đến chơi là làm thịt 1 con gà để đãi,... Sau đó, một lần tình cờ, đi ngang qua nhà nghe tiếng đờn ai giống chữ đờn của mình, Hữu ghé vào nhà thì thấy Bảy Khôi đang đờn. Từ đó về sau, mỗi khi Hữu tới nhà, có mặt Bảy Khôi là Hữu không đờn, vì sợ Bảy Khôi ăn cắp nghề,...
Biết vậy, Bảy Khôi nghĩ ra cách, khi Hữu đến thì Bảy Khôi giả vờ đi ngủ để nghe lén tiếng đờn, chờ Hữu về thì Bảy Khôi tung mền, ôm đờn dợt liền; thêm vào đó là anh nghe đài rồi tự học. Sau một thời gian, Bảy Khôi trở thành ngón đờn tiêu biểu của phong trào ĐCTT ở quê nhà, anh tham gia phong trào, rồi được bạn bè rủ rê đi phục vụ khi có tiệc tùng mời.
Trưởng thành từ Câu lạc bộ Đờn ca tài tử An Phú Tây
Mặc dù đờn khá rồi nhưng Bảy Khôi vẫn chưa mua nổi cây đờn, khi muốn dợt đờn, anh phải chạy đến nhà của người anh bà con để mượn. Cái nghèo khó không buông tha, không còn cách nào, anh phải tạm giã từ quê nhà lên TP.HCM để học nghề cơ khí làm lưỡi cưa với người anh rể ở huyện Bình Chánh. Khi ra nghề, anh vẫn không khá nổi, phải làm nhiều nghề khác để mưu sinh. Sau đó, Bảy Khôi cưới vợ (1984), vợ anh cũng là một nghệ nhân ĐCTT, rồi anh chị mở quán “Hát với nhau - Tài tử - Cải lương”, từ từ, cuộc sống gia đình tạm ổn, và “máu” nghề của Bảy Khôi cũng được hâm nóng trở lại...
Có lẽ còn duyên nợ với Tổ nghiệp, sau đó, Bảy Khôi gặp ông Nguyễn Văn Nhớ (Ba Nhớ) ở xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, ông bàn với Bảy Khôi thành lập câu lạc bộ (CLB) ĐCTT. Ông Ba Nhớ làm chủ nhiệm và Bảy Khôi làm phó chủ nhiệm. CLB quy tụ hơn 20 thành viên, lập kế hoạch hoạt động đều đặn từ đó đến nay, dự liên hoan ĐCTT cấp huyện 2 lần đoạt giải nhất, 2 lần đoạt giải nhì, nhiều cá nhân đoạt giải cao; trong đó, có sự đóng góp đáng kể của ông Ba Nhớ về mặt tổ chức và ngón đờn của Bảy Khôi về mặt chuyên môn.
Trong thời gian hoạt động, nhạc sĩ Bảy Khôi và một số thành viên CLB được cử đi dự tập huấn lớp ĐCTT nâng cao do Trung tâm Văn hóa TP.HCM tổ chức với sự truyền dạy của các nghệ sĩ: Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân dân gian (NNDG) Ba Tu; NNDG Bạch Huệ; NNDG Út Tỵ; Nghệ sĩ nhân dân Thanh Hải; Nghệ sĩ ưu tú Văn Môn; NNDG Hoàng Tấn,... Riêng về lớp đờn có 120 học viên, nhạc sĩ Bảy Khôi là học viên xuất sắc nhất.
Vốn đờn khá, thêm vào đó là sau khi được tập huấn, ngón đờn anh thêm chững chạc, bài bản phong phú hơn, phong cách diễn tấu nhạc tài tử rất căn cơ; đặc biệt là anh diễn tấu những bài Bắc lễ càng chuẩn mực về âm luật - hơi điệu, nhất là xuống chữ “xừ” ngón nhấn tạo hiệu quả âm sắc rặt hơi hạ. Vọng cổ anh đờn khoan thai, trầm bổng, nhấn nhá tươi mượt, ngón chạy chữ rõ nét, tạo thẩm âm dễ thu hút và đưa hơi cho người ca. Những thể điệu thuộc hơi Nam - Oán như: Nam ai, Tứ đại oán, Phụng hoàng, Giang nam, Văn Thiên Tường,... thì ngón đờn Bảy Khôi càng thêm mùi mẫn, nức nở như chính tâm trạng của những người đang mang tâm sự ray rứt, than vãn với nỗi niềm trắc ẩn vậy...
Với những tài năng về ĐCTT, “tiếng lành đồn xa” mà nhiều năm qua, nhạc sĩ Bảy Khôi thu hút hàng trăm học trò tìm đến học đờn guitar phím lõm, hàng chục học trò học ca, hầu hết là các môn đệ đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ. Nhiều môn đệ của Bảy Khôi trưởng thành về phục vụ phong trào ĐCTT ở địa phương, một số hành nghề đờn show, đờn quán, nhạc lễ,... Đến nay, kinh tế gia đình của nhạc sĩ Bảy Khôi ổn định, anh yên tâm cống hiến tài nghệ của mình cho CLB ĐCTT An Phú Tây - nơi anh thật sự trưởng thành với nghề; và niềm vui hiện tại của anh là tiếp tục truyền nghề cho các môn đệ./.
Đỗ Dũng