Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo phát biểu. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Ngày 19/4, vòng chấm sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI đã chính thức khởi động, chọn ra những tác phẩm báo chí chất lượng cao, phản ánh chân thực đời sống chính trị xã hội năm 2021.
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia đánh giá: “Số lượng tác phẩm tham dự giải năm nay rất đáng khích lệ. Hầu hết tác phẩm đáp ứng được các quy định, điều kiện của giải. Chúng tôi đánh giá cao công tác tổ chức của các cơ quan báo chí lớn, các cấp chi hội tại các tỉnh thành lớn vẫn là những đơn vị đi đầu trong hưởng ứng tham gia giải, chất lượng các tác phẩm được nâng cao.”
Về những điểm mới của Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVI, ông Nguyễn Đức Lợi cho biết Hội đồng sơ khảo năm nay có nhiều tiểu ban, nhiều thành viên mới.
Bên cạnh các thành viên chấm giải có kinh nghiệm, uy tín, Hội đồng sơ khảo còn có sự tham gia của các nhà báo đang tích cực hoạt động báo chí, nắm bắt được tình hình thời sự và các phương thức làm báo hiện đại, có tư duy làm báo mới…
Về điểm mới này, nhà báo Tạ Bích Loan, thành viên Hội đồng sơ khảo, chia sẻ: “Hội đồng sơ khảo có những nhà báo không có chức danh lãnh đạo ở cơ quan báo chí nhưng thực sự dấn thân trong nghề, nắm bắt được hơi thở đời sống xã hội, có tư duy làm báo mới mẻ và có khả năng ứng dụng công nghệ hiện đại. Tôi cho rằng đó là tín hiệu vui vì họ sẽ góp phần tìm ra những tác phẩm có mồ hôi, công sức, trí tuệ và sự quên mình trong hiểm nguy của các phóng viên, nhà báo."
Các Tiểu ban họp thống nhất cách thức chấm điểm và lịch chấm tập trung. (Ảnh: Tuấn Đức/TTXVN)
Đánh giá về điểm yếu của giải, ông Nguyễn Đức Lợi cho rằng ảnh báo chí có số lượng tác phẩm tham gia thấp, dù đây là thể loại rất quan trọng và thực tế hoạt động ảnh báo chí không hề yếu. Điều này có thể do các đơn vị chưa tích cực hưởng ứng tham gia giải.
Mặc dù Ban tổ chức đã cho phép các đơn vị gửi tác phẩm dự thi trực tiếp lên Hội đồng mà không phải qua các Chi hội nhưng số lượng ảnh vẫn không cao, không phản ánh thực tế hoạt động của phóng viên ảnh.
“Nhiều tác phẩm ảnh chưa mang tính chất là tác phẩm báo chí đứng độc lập mà chỉ là minh hoạ cho bài; chưa mang hơi thở đời sống, chính trị; chất lượng chưa cao. Vì vậy, các cấp hội, các cơ quan báo chí, trong việc tác nghiệp hàng ngày cần phải đánh giá cao hơn, coi trọng hơn thể loại ảnh báo chí,” Chủ tịch Hội đồng sơ khảo Giải Báo chí Quốc gia Nguyễn Đức Lợi đánh giá.
Ông Nguyễn Đức Lợi cũng lưu ý thể loại tin hầu như không có tác phẩm tham dự giải; trong khi đó, tin tức chính là lý do tồn tại, sống còn của báo chí; một nền báo chí mạnh là có tin tức mạnh. Mặc dù vậy, hầu như trong nhiều giải thưởng báo chí không có tác phẩm tin nào đoạt giải. Vì vậy trong chấm giải, các thể loại ảnh, tin cần được chú ý hơn.
Bình luận về điểm tồn tại này của giải, nhà báo Đinh Như Hoan, Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, cho rằng thể loại tin trên báo in không còn phù hợp để tham gia xét giải, bởi so với báo điện tử thì tin tức trên báo in không thể cạnh tranh về tính thời sự. Do đó, ông kiến nghị từ các mùa giải sau nên sửa đổi điều lệ, quy chế theo hướng không xét giải tin trên báo in nữa.
Phó giáo sư-tiến sỹ Đỗ Thị Thu Hằng, Viện trưởng Viện Báo chí, cùng quan điểm. Bà cho rằng điều lệ cần có sự điều chỉnh để tương thích với sự phát triển của thực tiễn hoạt động báo chí. Hiện nay, báo điện tử ngày càng phát triển, có những sản phẩm thông tin mới cần bổ sung thêm vào các hạng mục giải thưởng thì mới phản ánh được xu thế phát triển của báo chí./.
Theo Ban tổ chức Giải, năm nay Giải Báo chí Quốc gia nhận được tác phẩm dự thi của 35 Chi hội trực thuộc, 18/20 Liên Chi hội và lần thứ 4 liên tiếp có sự góp mặt đầy đủ 63/63 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố. Điều này cho thấy sức hút của giải và sự quan tâm, hưởng ứng tích cực của các cấp Hội nhà báo trong cả nước.
Tổng số có 1.911 tác phẩm dự thi, trong đó có 1.744 tác phẩm đủ điều kiện dự giải theo quy định; trong đó số tác phẩm của tác giả không phải hội viên Hội Nhà báo Việt Nam là 169 tác phẩm. Năm nay, có 11 nhóm giải ở các thể loại: Báo in, ảnh báo chí, phát thanh, truyền hình, báo điện tử.
Theo đánh giá sơ bộ, công tác tổ chức thực hiện ở các cấp Hội hầu hết được triển khai nền nếp, hiệu quả. Tuy nhiên vẫn một số cấp Hội gửi tác phẩm dự Giải muộn và chưa đúng hướng dẫn.
|
Theo TTXVN