Tiếng Việt | English

04/10/2015 - 09:34

Nhiều sai phạm trong đào tạo ngành y dược tại Ninh Thuận

Phân hiệu Trường Trung cấp Y dược Hà Nam được thành lập tại tỉnh Ninh Thuận vào năm 2013, có nhiều sai sót trong công tác đào tạo.

Nguyễn Thị Thanh Sơn là học viên lớp Y sĩ khóa đầu tiên của Phân hiệu Trường Trung cấp Y Dược Hà Nam tại Ninh Thuận. Sau khi hoàn thành chương trình tốt nghiệp, Sơn cùng một số bạn cùng lớp được cấp bằng tốt nghiệp tạm thời vào tháng 2/2015. Chờ mãi vẫn chưa thấy trường cấp bằng chính thức, gần đây khi các bạn đến thắc mắc thì đại diện nhà trường yêu cầu các học viên phải học thêm 1 tháng rưỡi nữa mới cấp bằng chính thức.

Sơn cảm thấy đây là điều hết sức vô lý: “Khi mà tụi em có bằng tạm thời rồi, nhưng nhà trường lại thông báo phải đi thực tập thực tế thêm 1 tháng rưỡi nữa, thì tụi em rất bức xúc. Vì không có một cái trường nào khi kết thúc tất cả các môn học lại đi thực tập như vậy, nó không nằm trong chương trình nhà trường đề ra ban đầu”.

Khiếu nại mãi, đến cuối tháng 9, Phân hiệu Trường Trung cấp Y Dược Hà Nam tại Ninh Thuận mới đồng ý phát bằng tốt nghiệp chính thức cho các học viên lớp Y sĩ, nhưng buộc phải cam kết tiếp tục đi thực tập tại bệnh viện. Học viên Đào Thị Hồng Nhung bức xúc: “Cái bằng tạm thời của tụi em 28 tháng 2 cấp. Nhưng bằng chính thức, đến bây giờ cuối tháng 9, tụi em mới nhận được. Và sau đó lại nói với tụi em thực tập thêm 1 tháng rưỡi nữa. Thời gian thực tập thêm như vậy sẽ gây khó khăn cho tụi em trong việc đi làm”.

Lý giải sự vô lý này, đại diện Phân hiệu Trường Trung cấp Y Dược Hà Nam tại Ninh Thuận cho biết, đó là do kết luận của Sở Y tế và Sở Giáo dục – Đào tạo Ninh Thuận sau đợt thanh tra vừa qua. Sở Y tế đề nghị nhà trường phải bổ sung chương trình theo đúng quy định về đào tạo ngành khoa học sức khỏe.

Theo Thanh tra Sở Y tế Ninh Thuận, Phân hiệu Trường Trung cấp Y Dược Hà Nam đã có nhiều sai phạm. Vào thời điểm thanh tra tháng 3/2015, người phụ trách phân hiệu chưa có bằng cấp chuyên ngành đào tạo sức khỏe, cơ sở không đảm bảo đủ số lượng giáo viên cơ hữu. Học viên đi thực tập tại các bệnh viện huyện không đủ chuyên khoa, không đủ điều kiện thực hành và phân hiệu không có giáo viên cơ hữu để theo dõi học viên đi thực tập. Nhất là, việc tổ chức dạy lý thuyết, dạy thực tập lâm sàng, thực tập cộng đồng và thực tập thực tế tốt nghiệp lâm sàng cho học viên không đủ số tiết từng môn theo quy định…

Bác sĩ Trần Mạnh Tường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Ninh Thuận cho rằng: “Họ phải bố trí học lại 1 tháng rưỡi bởi vì họ thiếu số giờ thực hành kể cả số giờ lý thuyết, phải tổ chức học lại cho đủ theo chương trình quy định”.

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận cũng cho biết cơ sở này đã tổ chức đào tạo “chui” các lớp Dược sĩ chính quy và văn bằng 2 khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép hoạt động trên địa bàn Ninh Thuận. Tại đây, việc theo dõi, quản lý học tập, thực hành của học viên cũng thiếu chặt chẽ; nhà trường cũng không công khai các mức học phí từng học kỳ và năm học. Mục tiêu đào tạo để xuất khẩu lao động như đăng ký ban đầu với tỉnh cũng không đảm bảo.

Mặc dù không đồng ý với toàn bộ nội dung kết luận của thanh tra 2 ngành y tế và giáo dục, nhưng về cơ bản Trường Trung cấp Y Dược Hà Nam thừa nhận những khiếm khuyết của Phân hiệu Ninh Thuận trong thời gian qua. Người phụ trách phân hiệu không có bằng cấp đúng chuyên môn đã được thay thế. Hiện nay Phân hiệu trưởng Trường Trung cấp Y Dược Hà Nam tại Ninh Thuận là Dược sĩ chuyên khoa 1 - Trần Tuấn Hùng. Ông Hùng nói: “Khi tôi nhận nhiệm vụ, tôi thấy các tồn tại của trường có cái giải quyết được ngay, nhưng có cái không thể giải quyết được ngay, mà phải dành một thời gian nhất định để nâng chất lượng học sinh, chất lượng đào tạo bao gồm kể cả lý thuyết và thực hành. Tôi kiến nghị với hiệu trưởng là tạm thời xin tỉnh ngưng tuyển sinh năm nay để có thời gian mình khắc phục những tồn tại của trường”.

Cần đảm bảo quyền lợi cho các học viên

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Thuận cũng đã ra quyết định tạm ngừng tuyển sinh tất cả các ngành đào tạo đối với phân hiệu Trường Trung cấp Y Dược Hà Nam tại Ninh Thuận kể từ năm học 2015-2016. Ông Nguyễn Anh Linh, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Đối với Phân hiệu trường Y Dược Hà Nam, nếu sau khi khắc phục xong các hậu quả, cảm thấy đủ điều kiện, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ cố gắng tham mưu trở lại cho phép hoạt động để phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực ở địa phương”.

Thuê lại một phần cơ sở của Trường Trung cấp Y tế Ninh Thuận, từ 2013 đến nay, Phân hiệu Trường Trung cấp Y Dược Hà Nam tại Ninh Thuận đã mở 2 khóa đào tạo ngành Y sĩ và Dược sĩ với 669 học viên theo học. Trong đó, khóa 2013-2015 có 321 học viên; khóa 2014-2016 có 348 học viên. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 12 học viên ngành Y sĩ của khóa đầu tiên ra trường, được cấp bằng chính thức. Do vậy, làm thế nào để đảm bảo quyền lợi của số học viên đang còn theo học tại cơ sở này là vấn đề đang được các ngành chức năng của tỉnh Ninh Thuận quan tâm giải quyết./.

Việt Quốc/VOV-TP HCM 

Chia sẻ bài viết