Nhiều tuyến Đường tỉnh xuống cấp nghiêm trọng
Đường tỉnh (ĐT) 824, đoạn từ thị trấn Đức Hòa đến ngã ba Mỹ Hạnh là một trong những tuyến đường “đau khổ”, trở thành nỗi ám ảnh của nhiều người khi lưu thông qua đây. Hơn 2 năm nay, tuyến đường này xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng, nhiều đoạn thường xuyên bị ngập nước. Mặt khác, mật độ xe tải, xe container, xe khách lưu thông rất đông khiến tuyến đường ngày càng hư hỏng nghiêm trọng hơn.
Đường tỉnh 824, đoạn ngã ba Tua 1, huyện Đức Hòa thường xuyên bị ngập nước, mặt đường bị hư hỏng nghiêm trọng
Hơn 1 năm nay, ngày nào, bà Ngô Thị Hoa Xuân, ngụ thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, cũng dùng xe rùa hốt từng lớp bùn lầy bên đường để người dân đi lại bớt khó khăn. Theo bà Xuân, tuyến đường này hư hỏng rất nặng, nhiều đoạn lầy lội, đầy ổ voi, ổ gà. Đoạn ngã ba Tua 1, mặt đường hư hỏng nghiêm trọng, sình lầy, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông. “Chỉ cần một cơn mưa là đường bị ngập, sình lầy, vừa gây ô nhiễm môi trường, vừa mất an toàn giao thông. Cứ vài ngày, khu vực này lại xảy ra tai nạn giao thông (TNGT) vì mặt đường trơn trợt. Chúng tôi mong các ngành chức năng sớm sửa tuyến đường này để việc đi lại bảo đảm an toàn hơn cũng như mang đến diện mạo mới cho thị trấn Đức Hòa” - bà Hoa Xuân cho biết.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT), ĐT824 được đầu tư và đưa vào sử dụng từ năm 1998, mặt đường thảm nhựa rộng 11m, nền đường rộng 12m. Tuy nhiên, do tuyến đường này không được bố trí hệ thống cống thoát nước dọc 2 bên đường nên thường xuyên xảy ra tình trạng ngập nước khi trời mưa, làm hư hỏng mặt đường, không bảo đảm an toàn giao thông. Hiện, tuyến đường này được Sở GTVT đưa vào danh sách ưu tiên đầu tư với nguồn vốn dự kiến khoảng 87 tỉ đồng.
Tương tự ĐT824, nhiều năm qua, ĐT833, đoạn từ vòng xoay phường 5, TP.Tân An đến thị trấn Tân Trụ, huyện Tân Trụ chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng mặt đường. Theo thông tin từ Sở GTVT, tuyến đường này được đưa vào sử dụng năm 2001 với mặt đường láng nhựa rộng 6m, qua nhiều năm sử dụng, hiện nhiều khu vực bị ngập nước, mặt đường nhỏ, hẹp, nhiều đoạn hư hỏng, bong tróc gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Anh Nguyễn Lê Xuân Tùng cho biết: “Là tuyến đường huyết mạch về huyện Tân Trụ nhưng vì mặt đường quá nhỏ nên việc lưu thông gặp nhiều khó khăn, nhất là khu vực từ vòng xoay phường 5 đến cầu Tổng Uẩn. Điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn giao thông”.
ĐT824 và ĐT833 chỉ là 2 trong số rất nhiều tuyến đường đang xuống cấp hiện nay. Mặt khác, nhiều tuyến đường do Sở GTVT quản lý còn là đường phối sỏi đỏ nên việc tham gia giao thông còn khó khăn.
Những tuyến đường “nắng bụi, mưa lầy”
ĐT819, đoạn từ thị trấn Tân Hưng về các xã biên giới Hưng Điền, Hưng Điền B của huyện Tân Hưng là một trong những tuyến đường “nắng bụi, mưa lầy”. Đây là tuyến đường huyết mạch của địa phương nhưng còn trải sỏi đỏ, chưa được đầu tư, nâng cấp, trải nhựa. Theo Chủ tịch UBND xã Hưng Điền - Trương Đông Hồ, mặc dù địa phương, người dân nhiều lần kiến nghị trong các cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND, Đoàn đại biểu Quốc hội nhưng đến nay, tuyến đường này vẫn chưa được trải nhựa. Thời gian qua, nhiều vụ TNGT xảy ra trên tuyến đường này, thậm chí có những vụ TNGT nghiêm trọng. Tháng 7 vừa qua, trên tuyến đường này xảy ra vụ TNGT nghiêm trọng giữa xe bán tải và xe máy khiến 1 người tử vong tại chỗ.
“Ngoài phục vụ giao thông - vận tải, tuyến đường này còn có ý nghĩa chiến lược về an ninh, quốc phòng. Vì vậy, chúng tôi mong tỉnh sớm quan tâm đầu tư nâng cấp, góp phần giúp các xã biên giới của huyện Tân Hưng sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã nông thôn mới, thúc đẩy KT-XH địa phương phát triển. Bên cạnh đó, tuyến đường biên giới từ UBND xã ra Cửa khẩu phụ Tân Hưng cũng chưa được đầu tư xây dựng” - ông Trương Đông Hồ cho biết thêm.
ĐT817, đoạn từ Quốc lộ N2 đến giáp huyện Mộc Hóa cũng chung “cảnh ngộ”. Theo Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Lâm Hòa Xứng, vì huyện mới thành lập nên hạ tầng giao thông còn rất nhiều hạn chế. Để về đến trung tâm hành chính của huyện, chỉ có ĐT817 đi lên và tuyến đường từ Quốc lộ 62 đi vào. Tuy nhiên, hiện nay tuyến đường từ Quốc lộ 62 về trung tâm huyện là đường liên xã nhỏ, hẹp, hệ thống cầu tải trọng lớn nhất là 13 tấn nên chưa đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa cũng như phát triển KT-XH của địa phương. “Khó khăn nhất vẫn là đoạn ĐT817 còn trải sỏi đỏ, mặt đường chỉ rộng 3,5m, nền rộng 5,5m. Nhiều đoạn mặt đường xuống cấp gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Việc mở rộng ĐT817, đoạn qua xã Bình Phong Thạnh cũng trở nên cấp thiết nhằm bảo đảm hạ tầng trong xây dựng đô thị Bình Phong Thạnh” - Chủ tịch UBND huyện Mộc Hóa - Lâm Hòa Xứng thông tin.
Theo UBND huyện Mộc Hóa, cả 2 tuyến đường này đều được ghi vốn thực hiện nhưng do nguồn vốn phân bổ hạn hẹp nên chưa biết khi nào mới khởi công.
Người dân phải dùng xe rùa để hốt sình trên Đường tỉnh 824 nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông
Thiếu kinh phí
Theo Sở GTVT, mặc dù còn nhiều tuyến đường bị hư hỏng, xuống cấp nhưng nguồn vốn bố trí để sửa chữa, nâng cấp hàng năm rất hạn hẹp nên chưa thể thi công.
Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Văn Học cho biết: “Chỉ tính riêng nhu cầu về vốn để sửa chữa các tuyến ĐT, mỗi năm, sở cần hơn 100 tỉ đồng. Trong khi đó, hàng năm, sở chỉ được cấp kinh phí khoảng 75 tỉ đồng; do yêu cầu giảm kinh phí 10% nên tính ra chỉ còn trên 67 tỉ đồng. Nguồn vốn này chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu sửa chữa hiện nay. Sở cũng nhiều lần kiến nghị tỉnh bố trí thêm kinh phí hàng năm nhưng do không cân đối được nguồn vốn nên việc sửa chữa các tuyến đường gặp rất nhiều khó khăn”.
Cũng theo Sở GTVT, những tuyến đường tỉnh cần nâng cấp hiện nay cũng chưa thể cân đối được nguồn vốn. “Nếu bố trí được nguồn vốn, có chăng cũng phải sau năm 2021” - Giám đốc Sở GTVT - Nguyễn Văn Học thông tin thêm./.
Theo thống kê của Sở Giao thông Vận tải, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 17 tuyến đường do tỉnh quản lý cần sửa chữa định kỳ gồm các tuyến đường nhựa: ĐT821, ĐT824, ĐT825, ĐT835, ĐT827C, ĐT833, ĐT834 và các tuyến đường tỉnh còn phối sỏi đỏ gồm: ĐT827D, ĐT836B, ĐT817, ĐT819, ĐT838C, ĐT830, ĐT831D, ĐT831E, ĐT837B. Nguồn vốn dự kiến để sửa chữa, nâng cấp 17 tuyến đường này khoảng 930 tỉ đồng. Ngoài các tuyến đường do tỉnh quản lý bị hư hỏng, xuống cấp thì hiện nay, tuyến Quốc lộ 62 và tuyến Quốc lộ N2 cũng xuống cấp, cần sửa chữa nhưng vẫn chưa có nguồn vốn để thực hiện. |
Thụy Anh