Cần sản xuất sản phẩm sạch để đạt chuẩn xuất khẩu
Tái cơ cấu trong nông nghiệp mang lại hiệu quả với việc xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại. Tuy nhiên, để sản phẩm nông nghiệp thâm nhập sâu, rộng vào thị trường thế giới thì có rất nhiều cơ hội và thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Xâm nhập vào thị trường thế giới
Thị trường có tính chất quyết định đến cơ cấu, quy mô sản xuất và kết quả của quá trình thực hiện cơ cấu lại nông nghiệp. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh tích cực mở rộng thị trường song song với việc nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của nông sản xuất khẩu; thúc đẩy các quá trình đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật trong thương mại; đa dạng hóa thị trường để vừa giữ ổn định các thị trường truyền thống, dễ tính, vừa mở rộng xuất khẩu sang các thị trường khó tính.
Thời gian qua, sản lượng, chất lượng các loại cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh, có lợi thế đều tăng mạnh, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và tăng mạnh xuất khẩu, đặc biệt là cây thanh long. Hàng năm, sản lượng thanh long trên địa bàn tỉnh đạt gần 200.000 tấn, tập trung chủ yếu ở huyện Châu Thành. Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành - Nguyễn Văn Thình, thanh long là một trong những cây trồng chuyển đổi mang lại hiệu quả cao. Hiện sản phẩm thanh long của huyện cung cấp thị trường trong và ngoài nước. Để mở rộng phát triển thanh long xuất khẩu sang các thị trường khó tính trên thế giới, huyện tham gia các đoàn khảo sát, xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho trái thanh long. Hiện tại, trái thanh long của huyện xuất khẩu đến 39 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Hợp tác xã (HTX) Thanh long Tầm Vu là một trong những HTX của huyện chiếm được thị trường nhiều nước trên thế giới. Giám đốc HTX Thanh long Tầm Vu - Trương Quang An cho biết: “Sản phẩm của HTX không chỉ chiếm được lòng tin tại thị trường trong nước mà còn vươn tầm tới nhiều thị trường quốc tế khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Hồng Kông, Ấn Độ,... HTX sản xuất thanh long theo quy trình tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP, bảo đảm yêu cầu xuất khẩu. Chất lượng sản phẩm luôn được HTX đặt lên hàng đầu. Xuất khẩu đang là hướng đi của HTX”. Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp Thanh Phú Long (huyện Châu Thành) - Nguyễn Quốc Trịnh chia sẻ: “Để mở rộng thị trường xuất khẩu thanh long, nhiều năm qua, tỉnh quy hoạch chi tiết vùng trồng, hướng dẫn nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP,... Nhờ những định hướng mang tính chiến lược này, thanh long được các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, NewZealand, Đài Loan,... chấp nhận. Hiện các thành viên HTX đăng ký thành công tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 25ha, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang các nước trên thế giới. Đồng thời, HTX thực hiện liên kết sản xuất thanh long hướng hữu cơ với Tập đoàn Quế Lâm, từ đó nhân rộng cho các thành viên HTX để tạo ra sản phẩm sạch, an toàn, xuất khẩu”.
Chuối cũng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu
Ngoài thanh long, chuối cũng là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, phù hợp với tình hình, sản xuất của địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 706ha chuối, trong đó có khoảng 28,2ha được chứng nhận VietGAP, sản phẩm chuối FOHLA (thuộc Công ty Huy Long An - huyện Đức Huệ) đã xuất sang Nhật Bản, cho lợi nhuận khá cao. Theo Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An - Võ Quan Huy, để xuất khẩu nông sản bền vững, phải tự xây dựng được một tiêu chuẩn hàng hóa cho mình. Nông sản muốn thâm nhập thành công các thị trường lớn phải có quy trình canh tác, chăm bón theo chuẩn VietGAP; các khâu đóng gói, bảo quản, vận chuyển thành phẩm phải thật nghiêm ngặt. Để xuất khẩu chuối thành công sang những thị trường khắt khe như Nhật Bản, Hàn Quốc, Công ty Huy Long An lấy nền tảng là VietGAP để quản trị sản xuất, đồng thời đáp ứng thêm một số yêu cầu của các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc.
Hạn chế cần được tháo gỡ
Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện, bên cạnh những kết quả đã đạt từ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh, vẫn tồn tại một số khó khăn, hạn chế: Sản xuất còn nhỏ, lẻ, manh mún, chủ yếu ở dạng hộ cá thể, hiệu quả chưa cao, khả năng cạnh tranh của nhiều loại sản phẩm còn thấp, chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất với chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên thu nhập của nông dân chưa bền vững. Mặt khác, thị trường tiêu thụ không ổn định, giá bán phụ thuộc vào thời vụ, thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn là thị trường xuất khẩu chính của một số loại trái cây, yêu cầu mẫu mã trái đẹp, do đó còn gặp khó khăn trong việc vận động, tuyên truyền nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. HTX, tổ hợp tác còn non yếu, chưa làm tốt vai trò liên kết, hỗ trợ kinh tế hộ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chưa có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn nông thôn, nhất là ở vùng Đồng Tháp Mười. Một bộ phận nông dân còn canh tác theo tập quán cũ, không tuân thủ theo quy trình sản xuất tiên tiến do cán bộ kỹ thuật hướng dẫn (vẫn còn sản xuất 3 vụ và không theo lịch thời vụ), chưa ghi chép theo yêu cầu sản xuất lúa theo hướng VietGAP. Việc áp dụng các mô hình sản xuất tiến bộ theo GAP, cánh đồng lớn, sản xuất theo chuỗi giá trị chi phí đầu tư lớn, đòi hỏi nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách nhà nước; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng công nghiệp - dịch vụ, giảm dần nông nghiệp, ngày càng nhiều lao động trẻ từ nông thôn lên thành phố tìm việc làm hoặc tập trung vào các khu công nghiệp dẫn đến thiếu hụt lao động nông nghiệp, trong khi cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp còn thấp, chỉ tập trung ở cây lúa với các khâu: Làm đất, thu hoạch và sấy khô nên thất thoát trong và sau thu hoạch còn cao. Sự cạnh tranh không lành mạnh giữa sản phẩm an toàn, có nguồn gốc và sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc nên chưa tạo chuyển biến trong sản xuất nâng cao chất lượng nông sản.
Lấy nền tảng là VietGAP để quản trị sản xuất, đồng thời đáp ứng thêm một số yêu cầu của các đối tác Nhật Bản, Hàn Quốc
Hệ thống hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện,... chưa đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp. Tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, lũ lụt, khô hạn, xâm nhập mặn, mưa trái mùa, đặc biệt là dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi liên tiếp xảy ra,... Sự phối, kết hợp của các sở, ngành mặc dù có chuyển biến hơn so với những năm trước nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả cao, nhất là việc bố trí nguồn lực đầu tư, hỗ trợ tổ hợp tác, HTX dẫn đến nguồn lực bị phân tán, chưa phát huy hiệu quả tốt.
(còn tiếp)
Bài 3: Giải pháp nào để phát triển bền vững
Huỳnh Phong-Bùi Tùng