Nếu du khách tới Mỹ gặp ông biên phòng kiểm tra hộ chiếu thì câu đầu tiên là: Chào ông bà!Ông bà đến Mỹ vì lý do gì? Và câu tiếp sẽ là: Ông bà có mang đồ ăn thức uống, hạt giống hay cây trồng trong hàng hóa hay không? Nghĩa là tình trạng nhập cảnh quan trọng hàng đầu và thực phẩm và sản phẩm nông lâm ngư nghiệp đứng hàng thứ hai khi vào Mỹ.
“Cái gì đây”?
Có lần tôi bay từ Dili đến Darwin, cửa khẩu của Australia có hai vai li. Từ Hà Nội một người bạn gửi tặng gia đình vài lạng mộc nhĩ và nghĩ rằng giống như Mỹ, thực phẩm thuộc loại khô cong queo không phải khai.
Nhân viên hải quan nhìn tôi chăm chú và hỏi: Ông có chắc là trong vali không có thực phẩm phải khai không? Ông biết đó, Australia có thể phạt hàng trăm ngàn đô la hay bỏ tù nếu ai viphạm. Mình tự tin trả lời: Không, thưa ông!
Va ly qua máy soi và tôi bị gọi để mở vali. Họ chỉ ngay gói mục nhĩ và hỏi, cái gì đây. Vốn tiếng Anh dốt, mình cố giải thích đây là loại mọc ở trên cây khô, và nó cũng phơi khô rồi, tôi không nghĩ phải khai cái này.
Anh hải quan đi một lúc, kiểm tra loại này trên mạng và nói: Ông thật may vì loại này không phải bị phạt, nhưng không được mang vào. Ông nhớ hộ, những gì cho vào miệng là thực phẩm.
Mồ hôi tóa ra khắp người, mình lôi chiếc va li đã lục tung, run run gói lại. Kể từ đó không bao giờ mang bất kỳ thứ gì ăn được vào hai quốc gia này.
Phần đông dân chúng không biết mình có được dùng thực phẩm an toàn không? Ảnh: news.zing
Hoa Kỳ và Australia được coi là hai nước an toàn thực phẩm nhất thế giới vì chế độ bảo hộ nền nông nghiệp hết sức ngặt nghèo.
Bộ Nông nghiệp (NN) Hoa Kỳ được coi là một trong những bộ có quyền lực nhất, có chức năng quản lý nhiều lĩnh vực trong sản xuất và phân phối thực phẩm. Đó là kiểm tra hàng nội địa, hàng nhập khẩu, hàng xuất khẩu, đánh giá rủi ro, và giáo dục công chúng về an toàn thực phẩm.
Nhờ có hệ thống kiểm dịch tốt nên Hoa Kỳ đã tránh được nhiều dịch bệnh nguy hiểm như E. Coli xảy ra tháng 2012. Hàng năm quốc gia này cũng tránh được khoảng 25,000 trường hợp mắc bệnh do ngộ độc thực phẩm.
Chính sách “test and hold – kiểm tra và giữ lại” có hiệu lực từ tháng 12-2012, bắt buộc thực phẩm phải được kiểm nghiệm bằng công nghệ xem là đã đủ an toàn hay chưa. Chính việc này đã giúp cho các công ty sản xuất không tốn tiền của để hủy thực phẩm không an toàn đã cấp cho thị trường. Từ năm 2007 tới 2009 đã có tới 44 vụ thực phẩm bị thu hồi trên toàn quốc.
FSIS có hệ thống thông tin hiện đại để định vị xu hướng sức khỏe cộng đồng và an toàn thực phẩm có liên quan tới nhau. Thịt bò, thịt lợn, thịt gà đưa ra thị trường đều qua kiểm nghiệm gắt gao.
Họ còn có hệ thống giao dịch và đối thoại với người tiêu dùng trên mạng internet. Hàng năm xử lý 2,3 triệu nhóm tin, hàng trăm ngàn email, cuộc gọi điện thoại kể cả qua chatting, tiếp xúc với hơn nửa triệu khách hàng phàn nàn về an toàn thực phẩm.
Khoa học và công nghệ được áp dụng trong tránh ngộ độc thực phẩm, thực phẩm nhiễm độc hay không an toàn, cơ sở dữ liệu của nhiều năm được thu thập nhằm bảo vệ y tế cộng đồng. Hàng năm, nhà nước chi khoảng 70 triệu đô la cho nghiên cứu an toàn thực phẩm, giáo dục cộng đồng để tiến tới một qui trình từ farm to fork (thức ăn từ nơi chăn nuôi trồng trọt trên đồng đến bát ăn) được kiểm soát chặt chẽ.
Đó là sự sống còn
Hồi mới sang Mỹ vào nhà ăn, thấy các bà trong bếp lôi ra một túi rau spinach đổ vào khay làm salad mà không thấy họ rửa. Ngạc nhiên hỏi lại mới biết, rau quả bán trong các cửa hàng Mỹ như Safeway (cách an toàn), Costco, Giant Food hay Haris Teeter (chuỗi cửa hàng thực phẩm) mua về không phải rửa vì đã được làm sạch. Chỉ có cửa hàng của người châu Á mới bán rau chưa rửa và người Mỹ ít đến mua vì họ sợ… không an toàn.
Vệ sinh tại nhà hàng bán đồ ăn cũng hết sức nghiêm ngặt. Ai muốn mở cửa hàng bán đồ ăn phải qua một đợt huấn luyện về vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường và phải có chứng chỉ hành nghề, thường mất vài ba tháng mới được. Nhiều người thi đi thi lại mới đỗ dù thạo nấu ăn ở khách sạn năm sao.
Cả ngày bán hàng xong, cửa hàng phải lau chùi sạch sẽ, đồ đạc xếp đâu vào đó, thức ăn thừa phải cho vào sọt rác, nồi niêu xoong chảo phải bóng loáng. Người kiểm tra thường đến bất chợt, có khi họ đợi ở cửa hàng từ 5 giờ sáng khi chủ chưa tới để vào cùng với chủ kiểm tra xem hôm trước có làm theo đúng nội qui hay không. Chưa kể thức ăn đôi lúc được kiểm tra qua hệ thống phân tích thực phẩm để biết có an toàn, có sạch hay không.
Vi phạm sẽ bị phạt tiền, tước chứng chỉ như bằng lái xe. Đương nhiên khách hàng bị ngộ độc thức ăn tại cửa hàng sẽ bị kiện cho sạt nghiệp.
Đối với xứ mình, làm vài viên barberine là ổn, nhưng người Mỹ sẽ không chấp nhận. Tham gia TPP không thể để một nền nông nghiệp mà phần đông dân chúng không biết mình có được dùng thực phẩm an toàn hay không.
Tờ VN Economy cho hay, người nuôi cá basa của Việt Nam đang lo vì hệ thống tiêu chuẩn “Quy định cuối cùng” về việc thiết lập chương trình giám sát đối với các loài cá thuộc bộ Siluriformes, trong đó có cá tra, cá basa của Việt Nam, vừa được Bộ NN Mỹ ban hành.
Để cá tra xuất khẩu sang Mỹ, Việt Nam phải đưa ra một hệ thống những tiêu chuẩn được phía Mỹ xem xét là tương đương và căn cứ trên đó, các doanh nghiệp sẽ làm theo. Hiện tại, cá tra xuất khẩu qua Mỹ phải bị kiểm soát bởi FDA, tức là cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm nhập khẩu vào Mỹ.
Nhưng sắp tới, FSIS của Mỹ sẽ kiểm tra tất cả các quy trình “tạo ra sản phẩm cá tra” từ khâu con giống… đến sản phẩm cuối cùng. Như vậy chuyện field to fork sẽ áp dụng cho cá basa Việt Nam. Muốn tồn tại với thị trường Mỹ, chẳng còn cách nào hơn là theo chuẩn của Mỹ và cũng là cầu nối vào TPP trong tương lai, tiến tới một nền nông nghiệp và thực phẩm an toàn.
Tới đây, câu chuyện không phải là mua hàng của Việt Nam là yêu nước mà đó là sự sống còn với thực phẩm an toàn cho chính dân mình và cho thế giới./.
Hiệu Minh/Vietnamnet.vn