Làm từ thiện là không có tuổi hưu
Dù không phải là nơi chôn nhau cắt rốn nhưng nhiều năm qua, bà Nguyễn Thị Kiều Nga – cán bộ hưu trí, hiện là Chủ tịch Hội Luật gia huyện Bến Lức đã cùng các chức sắc tôn giáo, tăng, ni, phật tử của các chùa trong và ngoài tỉnh vận động xây cầu, xây nhà cho những gia đình khó khăn trên địa bàn huyện. Trong đó, nổi bật nhất là công tác vận động, quyên góp xây cầu bêtông.
Bà Nga trước đây là Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Bến Lức. Trong thời gian còn công tác, bà luôn quan tâm đến việc xây nhà tình nghĩa, tình thương; chăm sóc Mẹ Việt Nam Anh hùng; vận động mạnh thường quân mua tủ thờ liệt sĩ, gắn điện, nước cho gia đình chính sách khó khăn,… Về sau, khi trở thành Trưởng phòng Nội vụ, bà tiếp tục vận động quỹ cho Hội Cựu tù chính trị, Hội Cựu công an, Hội Cựu chiến binh, Hội Luật gia, mổ tim, khám bệnh miễn phí cho người nghèo,…
Làm công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo, bà có nhiều thuận lợi khi có mối liên hệ với các tôn giáo trên địa bàn huyện. Tôn giáo là một lĩnh vực tương đối khó tiếp cận, do đó, bà luôn cố gắng tạo mối quan hệ khắng khít để cùng nhau giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn với tôn chỉ “Tốt đời, đẹp đạo”.
Dù đã nghỉ hưu nhưng để hẹn gặp bà không phải là một việc dễ dàng. Bởi, khi thì bà đi xã này khảo sát chuẩn bị xây cầu hoặc gặp các thầy xin hỗ trợ từ phật tử; có lúc bà lại đi vận động xây nhà tình thương cho người nghèo,…
“Bản thân là đảng viên, tôi sẽ học tập Bác phụng sự nhân dân suốt đời dù là đương chức hay đã nghỉ hưu. Quê quán tôi ở Bình Chánh (TP.HCM), thuở nhỏ qua đò đi học tại Trường Tiểu học Tân Bửu (Bến Lức), nên tôi hiểu nỗi vất vả của người dân khi không có chiếc cầu kết nối. Là người mẹ, tôi cũng vô cùng đau xót khi cứ thỉnh thoảng lại nghe thông tin trẻ em đuối nước. Biết khả năng mình có hạn, một mình tôi không thể nào xây dựng một chiếc cầu thì tôi sẽ trở thành cầu nối của những nhà hảo tâm với chính quyền địa phương, với nhân dân” - bà Nga chia sẻ.
Bản thân bà Nga (áo màu xám) chính là một “nhịp cầu” nối liền các tổ chức tôn giáo, các nhà hảo tâm với nhân dân
Những chiếc cầu đoàn kết
Đến tháng 5-2015, bà đã vận động được 21 chiếc cầu trị giá từ 180 - 300 triệu đồng/chiếc. Có lẽ, với bà Nga, khi được bước trên cây cầu mới, cảm xúc cũng chẳng khác là bao so với những người dân bao nhiêu năm chờ đợi. Xây thêm một cây cầu, cắt một chiếc băng khánh thành không phải là thành tích, mà chính là bà đang góp nhặt những niềm vui.
Bà nhớ hoài hình ảnh đôi vợ chồng già trên 80 tuổi, lần đầu bước đi trên chiếc cầu vừa khánh thành, ông bà còn nắm tay nhau… nhún thử, miệng móm mém cười vì gần cả cuộc đời đi qua cây cầu khỉ chông chênh, tới tuổi này mới rảo bước trên cây cầu kiên cố.
Chiếc cầu, bản thân nó đã là biểu tượng đoàn kết, và người đi xây cầu cũng là “sợi dây” nối liền Nhà nước với nhân dân, sự liên kết giữa các tổ chức tôn giáo, sự gắn bó giữa những mạnh thường quân cùng những người cần được giúp đỡ. Chiếc cầu, nghe chừng đơn giản nhưng đó là cả một tấm lòng của những người có tấm lòng nhân ái.
Thường xuyên đồng hành cùng bà trên con đường từ thiện là sự hỗ trợ nhiệt tình của Hòa thượng Thích Minh Thiện (Trụ trì chùa Thiên Châu – TP.Tân An), Hòa Thượng Thích Phước Toàn (Trụ trì chùa Vạn Đức – Q.Bình Tân, TP.HCM), Thượng Tọa Thích Chơn Tịnh (Trụ trì chùa Thường Quang – Q.8, TP.HCM).
Theo Hòa Thượng Thích Minh Thiện - một trong những cá nhân điển hình trong công tác từ thiện nhiều năm qua, Việt Nam ta có truyền thống đoàn kết từ ngàn đời. Do đó, tất cả mọi tổ chức, cá nhân đều phải liên kết, hỗ trợ nhau nhằm mang lại lợi ích thiết thực nhất cho người dân.
Chủ tịch UBND xã An Thạnh- Trần Ngọc Ẩn cho biết: “Những ấp vùng sâu của xã có nhiều kênh rạch, đa phần là cầu tạm, rất nguy hiểm, ngoài cầu Ông Bường (ấp 6) và cầu Dinh Ông (ấp 4), bà Nga đã vận động nhà hảo tâm tiếp tục xây cầu Rạch Đỉa (ấp 5) với kinh phí gần 100 triệu đồng, dự kiến cuối tháng 8-2015 sẽ hoàn thành. Nhờ những chiếc cầu bêtông chắc chắn mà sinh hoạt, học hành của người dân cũng thuận tiện hơn, làm thay đổi rõ rệt bộ mặt nông thôn. Điển hình như trước đây, người dân ấp 4 muốn đi phải qua cây cầu cũ hư hỏng, không an toàn. Từ khi cây cầu Dinh Ông (tổng kinh phí xây dựng khoảng 250 triệu đồng) hoàn thành thì xã đã tiến hành thi công con đường liên ấp – một trong những tuyến đường quy hoạch nông thôn mới của xã”.
Với những nỗ lực của bản thân vì lợi ích cộng đồng, bà Nga đã nhận được rất nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch nước, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Giấy khen của Ban Tôn giáo Chính phủ trực thuộc Bộ Nội vụ, Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về thành tích đóng góp thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Bến Lức, Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện về những thành tích trong việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ năm 2007-2010,… và mới nhất là Giấy khen Điển hình tiên tiến 5 năm (2010-2015) của Chủ tịch UBND huyện Bến Lức.
Chiếc cầu xây xong không chỉ kết nối người dân 2 bên bờ thông thương qua lại mà còn là điểm nối giữa đạo với đời, giữa Nhà nước với tôn giáo, chính quyền với nhân dân. Hy vọng rồi đây, không chỉ riêng Bến Lức, mà bất cứ nơi đâu, những bờ vui lại tiếp tục được gắn kết từ thật nhiều tấm lòng nhân ái dành cho quê hương.
Phạm Ngân