Đón tết miền xa
Trong quan niệm của người Việt, Tết Nguyên đán là dịp sum vầy, đoàn tụ, quây quần bên nhau. Do đó, ngày tết trở nên ý nghĩa hơn khi tất cả các thành viên trong gia đình cùng thưởng thức bữa cơm cuối năm sau một thời gian dài lao động vất vả. Thế nhưng, với những người xa quê, không phải ai cũng có điều kiện để về sum họp cùng gia đình.
Tết này, chị Hoàng Thị Doan bận bịu hơn vì phải bán hàng cho khách
Từ giã TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa, anh Phạm Hoàng Trọng Kha đến Long An lập nghiệp được 4 năm. Mang theo tình yêu và nỗi nhớ quê hương, anh lựa chọn việc mở quán bán bún chả cá Nha Trang nơi đất khách. Chính sự khác lạ với món ăn dân dã của quê nhà giúp quán anh luôn đông khách. Quán mở bán tại phường 4, TP.Tân An đến nay hơn 2 năm cũng là ngần ấy thời gian anh chưa về quê vào dịp tết.
Ba mẹ và các anh chị em đều đi lập nghiệp phương xa, anh sống ở quê cùng bà ngoại nên những năm trước, đón tết chỉ có hai bà cháu cùng mấy cậu.
Anh chia sẻ: “Tôi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kinh tế đối ngoại, từng có thời gian ở Sài Gòn lập nghiệp rồi lại về quê. Nhưng có lẽ, do có duyên với mảnh đất Long An nên nơi này níu giữ chân tôi. Tôi dự tính, tết này về ăn tết cùng ngoại nhưng vợ vừa mới sinh em bé nên đành lỡ hẹn. Ở lại đây đón tết, tôi dự định chỉ nghỉ ngày mùng một, còn lại vẫn bán để kiếm thêm thu nhập”.
Anh Kha nói, tết ở quê anh vui lắm! Ngày tết ở quê, nhà nhà thường làm bánh thuẫn (giống bánh bông lan trong miền Nam), bánh tét để cúng ông bà, tổ tiên. Còn anh cùng ngoại và cậu đi viếng mộ những người thân. Sau đó, đi chúc tết hàng xóm, thầy cô và bạn bè. Nhưng vui nhất vẫn là đêm giao thừa vì đây là thời khắc quan trọng, thiêng liêng nhất trong năm.
Ở lại đón tết sẽ nhớ quê nhiều lắm nhưng biết làm sao được! Xa quê, anh đành mang tình yêu đó gửi vào những món ăn truyền thống quê nhà để vơi đi nỗi nhớ!
Quê ở tận tỉnh Nghệ An nhưng vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Vũ Thị Phương đến làm nhân viên bán xăng cho một người quen tại xã Long Khê, huyện Cần Đước đến nay được 4 năm. Rời quê hương, chị để lại 2 đứa con nhỏ nhờ mẹ chăm sóc. Chồng chị sau đó cũng vào Long An làm phụ hồ. Hàng tháng, hai vợ chồng đều đặn gửi tiền về quê để nuôi con. Mỗi năm tết đến, hai vợ chồng thường chia nhau chỉ có một người về thăm quê vì không đủ chi phí.
Chị cho biết: “Ở quê, hai vợ chồng tìm kiếm việc làm khó khăn nên đành vào đây lập nghiệp. Đi xa cũng nhớ con lắm, nhất là vào dịp tết, nhà nhà vui vẻ bên nhau, mình ở xa buồn lắm! Nhưng biết sao bây giờ, vì điều kiện và tương lai các con nên hai vợ chồng cố gắng làm việc, dành dụm được một số tiền, sau này có thể đón các con vào đây để đoàn tụ. Tết năm nay, chồng tôi sẽ về quê, còn tôi ở lại. Hiện, tôi tranh thủ thời gian nghỉ bán, đi mua sắm quần áo, bánh kẹo, sữa,... đóng thùng gửi về quê cho các con đón tết”.
Chị còn nói, nhiều năm trước, cả nhà 4 người cùng đón tết trong căn nhà tuy nhỏ nhưng rất vui vì có các con. Bọn trẻ mong đến tết để được mặc quần áo đẹp, được ba mẹ đưa đi chơi, nhất là được lì xì. Nói đến đây, mắt chị bỗng cay cay.
Xuân này con không về!
Rời Nam Định, chị Hoàng Thị Doan vào Long An bán quần áo đến nay được 5 năm. Muốn về nhà, phải vượt chặng đường xa 1.500km nên mỗi lần tết đến, chị lại đắn đo khoản chi phí về quê. Vì vậy, trong ngần ấy năm làm việc tại đây, chị chỉ về thăm nhà được 3 lần.
Tết này, anh Phạm Hoàng Trọng Kha dự định ở lại buôn bán
“Nhân viên bán quần áo lương có bao nhiêu đâu, tôi phải tiết kiệm mới đủ chi tiêu. Trong khi đó, vé tàu xe dịp tết đều đắt kinh khủng nên tôi đâu dám về! Có mấy anh, chị bà con ở đây dành dụm mấy năm trời nhưng chỉ về tết một lần là hết tiền vì phải tốn rất nhiều chi phí. Suy nghĩ thật kỹ, thay vì về tết, tôi dành số tiền đó gửi cho ba mẹ để trang trải chi phí gia đình” - chị nói.
Suốt ngày, chị Doan đều bán hàng ở shop nên chẳng có thời gian đi đâu và không có nhiều bạn bè. Do đó, mỗi lần đón tết xa nhà, lòng chị khắc khoải nhớ quê. Chị nhớ cái lành lạnh của những ngày mưa lất phất vào dịp tết quê mình. Lúc đó, chị được ăn chén cơm nóng hổi bên nồi thịt kho tiêu của mẹ; được cuộn tròn trong tấm chăn thơm tho, ấm áp, thật không hạnh phúc nào bằng. Chỉ cần nghĩ đến, chị muốn bay về thật nhanh với gia đình! Nhưng đó chỉ là điều ước thôi, vì tết năm nay chị vẫn không về quê. Ở lại Long An, tết đến, chị chẳng biết đi đâu nên đành loanh quanh trong nhà trọ.
Lúc trò chuyện, chị Doan nói, quê chị đón tết vui lắm! Những ngày giáp tết, nhà nhà rủ nhau làm thịt trâu, gói bánh chưng, chuẩn bị hành tím muối chua. Riêng nhà chị, dịp tết, mẹ còn nấu ít rượu gạo để đãi khách. Món ăn ngày tết quê chị cũng đậm đà hương vị. Nhưng ngon và phổ biến nhất là món thịt trâu hầm, thịt gà, thịt kho tiêu ăn với cơm trắng, bánh chưng và hành tím.
Đặc biệt, ngày tết ở quê chị Doan còn có tục đi chợ Viềng. Chợ họp vào đêm mùng bảy và rạng sáng mùng tám tháng Giêng hàng năm. Đây được gọi là chợ “mua may, bán rủi” và chỉ có một lần trong năm nên rất đông người dân, khách du lịch đến tham quan, mua sắm với mong ước gặp nhiều may mắn.
Ai từng xa quê, ngồi một mình trong căn phòng trống vắng vào những ngày tết, cảm nhận cái lạnh chuyển giao của trời đất, mới thấu hết nỗi lòng những người con xa xứ! Cho dù là ai đi nữa, vì điều kiện nào đó không thể về đón tết cùng gia đình nhưng sâu thẳm trong lòng họ là da diết nỗi nhớ nhà, nhớ quê... |
Ai từng xa quê, ngồi một mình trong căn phòng trống vắng vào những ngày tết, cảm nhận cái lạnh chuyển giao của trời đất, mới thấu hết nỗi lòng những người con xa xứ! Cho dù là ai đi nữa, vì điều kiện nào đó không thể về đón tết cùng gia đình nhưng sâu thẳm trong lòng họ là da diết nỗi nhớ nhà, nhớ quê.../.
Nguyệt Nhi