Thịt kho tàu
Nói về chuyện bữa cơm “hội tụ” này, bất cứ ai trong gia đình cũng nhớ những “quy định” thật “ngặt nghèo” khi chọn vợ cho 5 thằng con trai của chú Ba cách đây gần 15 năm. Đây cũng là đề tài mà bất cứ bữa cơm cuối năm nào cũng được cả nhà nhắc đến.
Dù thuộc nằm lòng nhưng những đứa cháu nhỏ của tôi cũng muốn chính ông nội - tác giả ban hành những “quy định” kia kể lại và câu kết thúc câu chuyện lúc nào cũng là “Cuối cùng, ông nội cũng thua ba mẹ của tụi con, bởi vậy, bây giờ ông nội, bà nội mới có một đàn cháu dễ thương như vầy nè!”. Nói rồi, cả ông, cháu cười vang nhà.
Lúc đó, những nàng dâu, mỗi người đang phụ trách một món ăn đặc trưng của vùng miền mình dưới bếp cũng vui vẻ cười hùn với ông, cháu và kể cho nhau nghe những kỷ niệm về “quy định” ngày xửa, ngày xưa của ba chồng: Thứ nhất, lấy nhà làm trung tâm, các con dâu không ở xa quá 50 cây số (chú rất thương con, muốn các con phải quây quần bên mình); thứ hai, phải là người Long An hoặc miền Tây, tuyệt đối không chấp nhận miền Trung và miền Bắc; thứ ba, phải nấu ăn ngon (bởi má chồng nấu ăn rất ngon). Nhất là kể về những “giải pháp” mà cả 5 cặp cùng thực hiện nhằm “vô hiệu hóa” những “quy định” kia để có những cái tết cùng sum vầy, hạnh phúc bên nhau.
Thịt đông dưa cải
Ba má tôi mất đã lâu, ba tôi lại chỉ có mỗi chú là em nên chú coi tôi như con trong nhà. Vì vậy, năm nào về quê ăn tết, vợ chồng tôi cũng bơi xuồng qua nhà chú, thím Ba cùng ăn bữa cơm cuối năm. Như các con trai của chú, từ thời thanh niên, tôi thuộc lòng những “quy định”, bởi chú cũng “áp dụng” luôn cả cho tôi. Nhưng may sao, tôi lại phải lòng cô bạn thời phổ thông, nhà cách “trung tâm” chưa đầy 10 cây số, mẹ làm thợ nấu nên tiêu chuẩn về nấu ăn của cô ấy được chú Ba “duyệt” ngay từ bữa cơm ra mắt đầu tiên tại nhà chú. Sau này, khi hai vợ chồng tôi ra trường, lên tỉnh làm việc, nhà tôi vẫn bảo đảm cách “trung tâm” chưa quá 50 cây số.
Tết năm nay, sau khi dọn dẹp nhà cửa, cúng bái theo phong tục, như thông lệ, mặt trời qua khỏi ngọn dừa trước nhà, vợ chồng và con trai 10 tuổi của tôi bơi xuồng chầm chậm, êm êm dưới tán dừa nước mát rượi, hít thở không khí trong lành của vùng quê sông nước về nhà chú, thím Ba ăn tết.
Thỉnh thoảng, vợ tôi lại bảo tôi dừng lại, vói tay hái vài đọt lá sơn, vài đọt mọt non mướt hai bên bờ kênh hoặc cúi xuống dòng kênh xanh trong lúc con nước ròng đang chảy ra đầu vàm - hái rau hẹ nước, bông súng chỉ vượt ngọn,... bỏ vào cái rổ tre để sẵn trên xuồng với nhiều loại rau sống đã hái quanh nhà như: Cần nước, quế, tía tô, dấp cá, tai vị,... và nói: “Hôm nay, em sẽ bổ sung thêm lẩu mắm kho vào mâm cơm gia đình mình”. Trời ơi! Chỉ nghe vợ nói, nhìn rổ rau, tôi đã tưởng tượng ra cái lẩu mắm thơm lừng, nghi ngút khói.
Xôi gấc
Còn hơn trăm thước nữa mới tới nhà nhưng tôi đã nghe tiếng reo hò của đám cháu nội trai của chú Ba (tới thời điểm này, chú, thím vẫn chưa có đứa cháu gái nào). Xuồng chưa cập bến mà thằng con trai của tôi vội vã phóng thẳng lên bờ để nhập bọn với đám cháu của chú Ba làm xuồng lắc lư suýt lật. Nhìn đám cháu trai “lục lăng” đang chạy nhảy tung tăng, chú Ba nói giọng trìu mến, thương yêu: “Ráng 3 thằng nữa cho đủ một chục nghe bây!”.
Vợ tôi bưng rổ rau xuống bếp chẳng bao lâu thì gần một tiểu đội con trai được lệnh sắp xếp bàn ghế để dọn cỗ cho ông nội cúng cơm ông bà. Vậy là, lớn làm việc lớn, nhỏ làm việc nhỏ, mâm cơm “hội tụ” 3 miền - sản phẩm của 6 cô dâu (tính luôn vợ tôi) được dâng lên cúng ông bà trong khói hương nghi ngút với sự trân trọng, thành kính của đại gia đình.
Khi nhang tàn, cả đám con trai lao vào sắp xếp bàn ghế, chén đũa. Với lực lượng tham gia hùng hậu, với lượng thức ăn phong phú như vậy nên ông bà nội ra lệnh nhập 2 cái bàn dài lại với nhau mới đủ chỗ ngồi và đủ chỗ bày biện thức ăn. Những món ăn lần lượt được dọn lên trước những cặp mắt háo hức, trầm trồ của lũ trẻ.
Ngoài những món truyền thống miền Nam như thịt kho trứng với miếng thịt vuông, quả trứng tròn biểu hiện cho tính hài hòa âm dương, cầu mong cho gia đình một năm mới vuông tròn, trên thuận dưới hòa, giàu sang, phú quý; dưa giá hấp dẫn; khổ qua dồn thịt;... vợ tôi, cô dâu thứ ba, thứ tư là dân Tiền Giang, Cà Mau làm phong phú thêm món ăn ngày tết miền Nam với cái lẩu mắm hấp dẫn, đầy đủ các sản phẩm từ biển cả, ao hồ, sông ngòi như cá, tôm, mực,... và đặc biệt là một rổ đầy ắp các loại rau đồng nội vừa hái khi nãy cùng với khế chua, chuối chát,... rất ngon mắt, ngon miệng và bổ dưỡng.
Mâm cơm càng hấp dẫn hơn bởi những món đặc trưng vùng miền của các cô dâu. Món thịt đông của cô dâu cả - dân Hà Nội chính gốc thật khéo léo, tỉ mỉ. Thịt gà, da heo và giò heo được cho vào nước sôi trụng sơ, vớt ra, cắt hạt lựu, nêm gia vị rồi xào vừa chín tới. Cho nước lọc vào nồi nấu sôi cùng với các nguyên liệu trên, vừa hầm, vừa vớt sạch bọt, khi thịt mềm, cho hạt bắp, cà rốt, nấm mèo,... vào nấu chín. Sau đó, múc vào chén, để nguội rồi cho vào tủ lạnh ăn dần. Sự hòa quyện, gắn kết giữa các nguyên liệu và màu sắc của món thịt đông như một lời cầu chúc may mắn cho cả gia đình trong năm mới.
Bên cạnh dĩa thịt đông được trưng bày đẹp mắt, hấp dẫn, một dĩa xôi gấc đầy vun, màu sắc rực rỡ, thơm béo mùi nước cốt dừa của cô dâu thứ năm - quê Hà Đông - nhanh chóng thu hút các thực khách nhí nên chẳng mấy chốc dĩa xôi vơi quá nửa.
Canh khổ qua hầm
Nem bò lụi là một trong những món ăn quen thuộc trong thực đơn ngày tết của người miền Trung. Chị dâu thứ hai - người Đà Nẵng hấp dẫn mọi người bằng những chiếc nem được nướng vàng, thơm phức làm bằng thịt bò nạc trộn với thịt giò sống và mỡ heo, băm nhuyễn, cho thêm gia vị và gừng băm nhuyễn vào, quết đều tay; sau đó, nắm lại thành viên, lụi qua cây sả rồi đem nướng chín vàng trên bếp than nghi ngút khói. Thật hấp dẫn khi xếp lần lượt các loại rau, nem bò lụi, đu đủ xanh, cà rốt bào sợi ngâm chua ngọt,... lên bánh tráng, cuộn tròn, chấm vào nước chấm béo ngậy được pha chế rất đặc biệt.
Hương tết quê nhà luôn đọng lại trong trí nhớ của mỗi người xa quê bằng những mùi hương thân thuộc, những món ăn không thể nào quên. Nỗi nhớ ấy càng nhiều hơn trong bữa cơm sum vầy ngày tết. Các cô dâu của chú, thím Ba tôi do điều kiện xa xôi, cách trở nên không thường xuyên có mặt vào những bữa cơm ngày tết ở quê nhà. Nhưng ở quê hương thứ hai thấm đậm tình yêu thương này, qua những món ăn quê, các cô ấy như thấy gia đình, quê hương mình trong đó. Thế mới biết, món ăn không đơn giản chỉ là phục vụ nhu cầu ăn uống của con người mà trong đó chứa đựng hồn quê mà bất cứ ai xa quê vẫn luôn vương vấn trong lòng, nhất là dịp xuân về, tết đến./.
Long Châu