Tiếng Việt | English

18/07/2018 - 13:47

Nhớ lần viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn

Ðền thờ các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn

Ðền thờ các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn

Thấm thoát đã hơn 10 năm từ ngày đoàn Hội Nhà báo tỉnh đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn. Ngày ấy, đường Hồ Chí Minh còn đang hoàn thiện nhưng xe vẫn chạy được thông suốt qua điệp trùng núi cao, rừng sâu mà tuyến đường vắt qua. Trời vừa ngả bóng chiều. Xe dừng trên một lưng đèo bên tấm bia “Di tích lịch sử Quốc gia đường Hồ Chí Minh Đông Trường Sơn - Đèo Đá Đẽo - trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ từ 1965 đến 1972”. Quanh đây, cây rừng còn xơ xác sau cuộc hồi sinh đầy khó khăn. Có bao anh hùng liệt sĩ ngã xuống đèo này. Gió núi ù ù dạt qua đại ngàn. Bất giác, tôi đọc thầm mấy câu thơ Chinh phụ ngâm: “Hồn tử sĩ gió ù ù thổi/ Mặt chinh phu trăng dõi dõi theo/ Chinh phu tử sĩ mấy người/ Nào ai mạc mặt nào ai gọi hồn”. Tôi chợt nhớ một tư liệu đã đọc: Sau 16 năm mở đường Hồ Chí Minh (1959-1967), Trường Sơn có 10 tuyến đường chính. Khi chiến tranh kết thúc, Trường Sơn “cõng” trên mình nó 216 đường dọc, đường ngang; 17.000km đường trên sông, suối; 14.000km đường ống xăng dầu;... Để làm được điều kỳ diệu ấy, có hơn 2 triệu lượt người ngày đêm lao vào khói lửa san núi, bạt rừng cho từng tấc đường băng qua, để “những binh đoàn nối nhau ra tiền tuyến”. Hôm ấy, tôi có mang theo tờ Tạp chí Nhân Đạo (số tháng 12/1995) và đọc bài viết về những người một thời xông pha bom đạn Trường Sơn, hòa bình còn xung phong đi Trường Sơn tìm kiếm hài cốt đồng đội bất kể nắng gió, muỗi vắt và sốt rét rừng nghiệt ngã. Năm 1995, Bình Trị Thiên có hơn 100.000 mộ liệt sĩ được quy tập, vẫn còn 12.000 hài cốt liệt sĩ chưa tìm thấy. Tỉnh Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên còn sáp nhập) lập Đoàn 584 tung lên Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây, dọc biên giới Việt - Lào, để tìm kiếm hài cốt liệt sĩ. Trong đoàn, từ chỉ huy cho đến người lính đều chân dép lốp, vai ba lô, tay cuốc xẻng dò dẫm từng bước dọc bờ sông Sê Pôn và mạn ngược Tu Muồi, Xung Nậm,... trên đất Lào. Chiếc xe Zin 3 cầu băng rừng, leo núi; có lần lái xe đang lên cơn sốt cũng quyết giữ vững tay lái đưa đoàn và hài cốt liệt sĩ về điểm tập kết an toàn rồi anh gục xuống, phải cấp cứu... Có khi tìm kiếm hài cốt, cuốc nhầm đạn còn trong đất cỏ trên nấm mồ liệt sĩ, đạn nổ, người cuốc bị thương. Có lần giáp Tết Cổ truyền, chuẩn bị quay về thì hay tin có khu mộ của đồng đội ở cuối nguồn con suối cạn phía nam Xavannakhẹt (Lào), các anh liền quay lại với mong muốn tìm được hài cốt đồng đội, đưa về quê kịp hưởng khói hương ba ngày tết thiêng liêng của dân tộc. Nào ngờ mấy ngày lặn lội, quần quật đào bới cất bốc xong mới sực nhớ đã chiều 29 tết, có về tới nơi quy tập cũng hơn 2 ngày đường, rồi chiếc Zin cổ lổ sỉ liệu có phải nằm “ăn vạ” giữa đường không? Một cuộc họp Ban Chỉ huy Đoàn 584 quyết định ăn tết giữa rừng. Đêm giao thừa, ngoài anh em trong đoàn còn có hơn 70 bộ hài cốt đồng đội nằm kề trong hương thơm khói nhang... Có nhiều lần, theo sơ đồ chỉ dẫn, anh em lặn lội tìm đến nơi bãi mộ ngày xưa thì đã bị bom ném đi ném lại không còn dấu tích gì. Có lần, từ Đồng Hến (Lào) có tin báo ở đó có một hầm mộ bộ đội Việt Nam, trước khi chôn, địch đã rải một lớp vôi bột rất dày, anh em trong đoàn liền lên đường. Rồi cả tuần vượt suối, băng đèo, anh em đã khai quật được 160 chiếc giày vải. Chỉ còn cách chia đều thành 80 gói với 80 đôi giày mang về nước an táng... Bài báo ghi lại lời kể của Trưởng đoàn 584. Chao ôi, đồng đội còn sống trân quý hài cốt - và cả di vật - của đồng đội đã ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn đến thế ấy!

Tác giả bên bia di tích một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ (1965-1972) trên Ðông Trường Sơn

Tác giả bên bia di tích một trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ (1965-1972) trên Ðông Trường Sơn

Xế chiều, nhà báo Lê Vân - trưởng đoàn lúc đó, hối cả đoàn rời khu bia Đèo Đá Đẽo, tiếp tục cuộc hành hương về Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn bên đường Hồ Chí Minh. Rồi cả đoàn cùng vào Đền thờ anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Ở tiền sảnh có treo một cái chuông đồng khá to. Đọc bút ký trên đây, ta thấy những người đồng đội còn sống sau chiến tranh, với tinh thần “nghĩa tử nghĩa tận”, họ không để đồng đội “bơ vơ góc bể chân trời” nên lặn lội núi thẳm, rừng sâu để tìm hài cốt mang về quy tập trong khu Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia này, sum họp với bao đồng đội thân thiết và hàng ngày không thiếu những người từ khắp mọi miền đất nước đến viếng, thắp nén nhang tỏ lòng tưởng nhớ. Đó chính là đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”. Chúng tôi cùng sắp hàng, lần lượt thắp nhang trên bàn thờ “Tổ quốc ghi công” trong Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn. Rồi mỗi người một bó nhang đi ra khu nghĩa trang, đến từng khu mộ liệt sĩ kính cẩn xá và cắm trước từng hàng, từng khu bia mộ các anh hùng liệt sĩ đã “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Chiều muộn. Toàn khu nghĩa trang toát lên một vẻ linh thiêng khiến cây rừng Trường Sơn quanh đó như tỏa dáng uy linh, hùng vĩ hơn. Khi cả đoàn chúng tôi ra về, đi ngang khoảng sân Đền thờ các anh hùng liệt sĩ Trường Sơn, không ai bảo ai mà cùng dừng lại, cúi đầu và chắp tay xá sâu một cái để chào trước khi lên xe đi Bình Trị Thiên./.

Ký của Quang Hảo

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích