Tiếng Việt | English

10/04/2024 - 08:30

Nhọc nhằn mưu sinh mùa nắng nóng

Những ngày này, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vào đợt cao điểm nắng nóng. Giữa cái nắng tháng 4 như đổ lửa, những lao động tự do vẫn miệt mài trên bước đường mưu sinh. Đằng sau giọt mồ hôi của họ là những câu chuyện đáng thương.

Em Nguyễn Hồng Mai rong ruổi trên xe đạp bán bong bóng mỗi ngày

Ra khỏi phòng trọ từ 7 giờ sáng nhưng đến 16 giờ, em Nguyễn Hồng Mai chỉ mới bán được vài cái bong bóng bơm hơi. Không áo khoác, để đầu trần, cái nắng tháng 4 làm tóc em ngả vàng, da đen sạm. Quê Mai ở huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre, đang ở trọ tại phường Khánh Hậu (TP.Tân An).

Trải qua đợt tai biến, cha em mất sức lao động. Anh trai của em thì lêu lổng. Chi phí sinh hoạt của cả nhà chỉ trông chờ vào tiền bán vé số của mẹ và bán bong bóng của Mai. Tấm giấy quảng cáo trên chiếc xe đạp nhỏ cũng nhờ người khác viết giùm vì em không biết chữ, dù đã 13 tuổi.

Khi được hỏi về mong muốn đến trường, Mai buồn bã: “Con không dám mơ đến việc đi học. Tiền nhà trọ mỗi tháng tới 1,6 triệu đồng rồi tiền ăn uống, nếu con không đi bán phụ thì một mình mẹ con lo không nổi. Con chỉ mong kiếm đủ vốn để đi bán vé số thôi!”. Bình thường bán đã ít, ngày nắng nóng người mua bong bóng càng ít hơn. Mai cho biết: “Nắng quá, có hôm con không đi nổi nữa, phải ghé dựa gốc cây ngồi nghỉ chút”. Nhiều người kinh doanh ở chợ đêm Tân An thấy em đáng thương nên cũng thường cho đồ ăn, nước uống.

Vì chân bị tật nên ông Bảy đi lại khó khăn, chỉ bán được 100 tờ vé số mỗi ngày

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng ngành Cơ khí, trong khi chờ tìm công việc đúng chuyên môn, anh Nguyễn Thành Phước (xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành) vào làm công nhân ở xưởng sửa chữa sà lan tại huyện Tân Trụ. Sà lan hoạt động lâu ngày trong hầm sẽ có bùn. Trước khi sửa chữa phải có người chui vào hầm để vét bùn ra.

Nhiều chiếc sà lan kích thước nhỏ, người trong hầm phải ngồi (thậm chí bò) chứ không đứng được. Anh Phước chia sẻ: “Mùa nắng ở trong hầm sắt rất nóng, tối đen, chui vào vài phút là mồ hôi nhễ nhại, thêm mùi sắt hoen gỉ nên rất khó chịu. Làm nghề này sợ nhất khi hàng gấp, lúc đó dù nắng thế nào cũng phải ráng”. Vất vả là thế nhưng anh vẫn cố làm để nuôi 2 người con nhỏ.

Ở tuổi đáng ra phải được nghỉ ngơi, vui vầy cùng con cháu, nhiều cụ ông, cụ bà vẫn phải đội nắng đi bán từng tờ vé số. Dưới cái nắng như thiêu đốt, người trẻ còn cảm thấy mệt, vậy mà ông Bảy (78 tuổi, ở trọ tại xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức) vẫn lặn lội bán từng tờ vé số. Thương hoàn cảnh ông, một nhà hảo tâm đã tặng chiếc xe điện để ông đi lại đỡ vất vả.

Mỗi ngày, ông bán được khoảng 100 tờ vé số. “Sợ nhất là những ngày bán không hết, đại lý lại không cho trả. Tôi lớn tuổi, đi lại khó khăn nên không thể chạy đi năn nỉ người ta mua giùm. Giờ già rồi nên tôi chỉ mong có sức khỏe để kiếm sống qua ngày thôi” - ông Bảy bộc bạch.

Mỗi ngày, từ 3 giờ sáng, bà Dương Thị Khương đã đi bán vé số

Nếu như ông Bảy chống nạng đi mời từng người thì bà Dương Thị Khương (phường 5, TP.Tân An) chọn một góc đường để bán vé số. Bà bị liệt từ nhỏ, phải ngồi xe lăn. Sợ trời nắng nóng, 3 giờ sáng, bà đã bày vé số ra bán ở khu vực gần Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh. Bà Khương nói: “Tôi 74 tuổi rồi, sức khỏe yếu, đâu còn đi bán xa được, chỉ quanh quẩn ở khu vực này. Nhờ người đi đường thương nên mỗi ngày tôi bán khoảng 120 tờ. Mấy nay nắng quá, người ta cũng ngại dừng lại mua vé số”.

Vì cuộc sống, nhiều người vẫn đang phải vất vả lao động giữa những ngày nắng nóng. Mong rằng những ngày tới thời tiết sẽ dịu mát hơn để bước đường mưu sinh của họ đỡ vất vả phần nào./.

Châu Thanh

Chia sẻ bài viết