Tiếng Việt | English

01/03/2020 - 06:52

Nhọc nhằn nghề bốc gạch

Trời nắng gắt, chiếc xe tải 8 tấn tấp vào một vựa vật liệu xây dựng trên đường Nguyễn Cửu Vân, phường 4, TP.Tân An, tỉnh Long An cũng là lúc chị Nguyễn Thị Mộng Chi cùng các đồng nghiệp của mình bắt đầu một ngày làm việc. Vì cuộc sống mưu sinh hiện không ít phụ nữ chọn làm nghề bốc gạch, công việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông.

Vì cuộc sống mưu sinh hiện không ít phụ nữ chọn làm nghề bốc gạch, công việc tưởng chừng chỉ dành cho đàn ông

Bén duyên với nghề bốc gạch ngót nghét cũng 14 năm, chị Nguyễn Thị Mộng Chi, ngụ phường 3, TP.Tân An tâm sự: “Hồi trước học chưa hết cấp 2 rồi đi cắt lúa thuê, tiền “ba cọc, ba đồng” nên chuyển qua nhận hạt điều về nhà tách vỏ, nhưng cuộc sống cũng không khá lên. Tình cờ nghe mấy anh trong xóm đi bốc gạch thuê được trả công cũng khá lắm nên xin theo, vào thời điểm năm 2006 cứ bốc 1.000 viên gạch thì được trả 12.000 đồng, hiện tại là 50.000 đồng/1.000 viên”.

Nhìn đôi tay thoăn thoắt của chị Phạm Thị Hạnh (quê Tiền Giang), không ai nghĩ người phụ nữ này đã ngoài 50 tuổi, chị chia sẻ: “Gần 20 năm theo nghề, tranh thủ còn khỏe thì ráng làm dành dụm, tích góp để sau này đỡ vất vả. Làm cái nghề này khi trời mát còn đỡ, chứ hôm nào cũng nắng gắt như hôm nay thì thở không ra hơi. Thấy viên gạch nhỏ nhỏ chứ nặng lắm, gạch tuynel mỗi lần bốc 8 viên hơn cả chục ký, khi làm phải cẩn thận, không khéo lại bị thương. Nghề này không có bảo hiểm lao động, nếu gặp rủi ro thì lại khổ”.

Để gắn bó với công việc này lâu dài ngoài sức khỏe tốt, còn đòi hỏi người làm sự chịu khó, kiên trì. Không giống như nhiều nghề khác, công việc bốc gạch có giờ giấc khá thất thường.

Gạch tuynel mỗi lần bốc 8 viên nặng hơn 10kg

Chị Trần Thị Thảo Phương ngụ phường 4, TP.Tân An cho biết: “Tôi bốc gạch hơn 8 năm, cũng nhiều lần định bỏ nghề, phần vì nặng nhọc, phần vì giờ giấc không ổn định, có khi bắt đầu từ sáng sớm, khi thì giữa trưa hoặc tối muộn, xe chở gạch về giờ nào thì đi giờ đó. Những công trình ở trung tâm thành phố hay những nơi tập trung đông người, xe gạch thường về rất muộn, thường từ 11 đến 12 giờ đêm mới bắt đầu công việc.”

Trái với sự vất vả, nặng nhọc của công việc hành trang mà các chị mang theo khi đi làm chỉ vỏn vẹn 1 đôi bao tay, bình nước và tấm bạc nhỏ, khi được hỏi về tấm bạc vắt trên xe mỗi người, chị Trương Thị Nguyệt mỉm cười: “Vật bất ly thân đó em, tranh thủ thời gian chờ xe trải ra ngã lưng, nhiều khi nhận được thông báo 7 giờ tối làm, nhưng vì kẹt xe hay có sự cố phải chờ 2 - 3 tiếng là chuyện bình thường. Công việc vất vả lắm, nhưng bù lại được tiền công cũng khá, giúp mình trang trải cuộc sống, lo các con ăn học. Trung bình mỗi ngày kiếm được 250.000 - 300.000 đồng, hôm nào “chạy show” nhiều thì được từ 400.000 - 500.000 đồng.”

Tận mắt chứng kiến mới thấy được sự vất vả, khó khăn của các chị, nhưng vì cuộc sống mưu sinh, những người phụ nữ ấy vẫn quyết “bám” nghề. Ngày ngày, các chị vẫn rong rủi trên khắp các nẻo đường, thả đời mình theo những chuyến xe, chấp nhận gian khổ để mang đến cho gia đình cuộc sống tốt đẹp hơn./.

Bùi Tùng - Nguyễn Dung

Chia sẻ bài viết