Tiếng Việt | English

23/11/2018 - 08:58

Xe ôm chở những nhọc nhằn

Hiện nay, đời sống người dân ngày càng nâng cao, kinh tế phát triển, giá cả các loại xe máy khá mềm, phù hợp với điều kiện của nhiều người nên lượng xe gia đình tăng nhanh. Người dân tự túc được phương tiện đi lại. Hơn nữa, với sự tham gia của các phương tiện vận tải công cộng như taxi, Grab,... nghề chạy xe ôm truyền thống trở nên vất vả hơn nhiều.

Ông Nguyễn Hoàng Long (64 tuổi), ngụ phường 3, TP.Tân An, tỉnh Long An, có thâm niên chạy xe ôm gần 20 năm. Hàng ngày, ông chọn góc ngã tư Hùng Vương và Châu Thị Kim làm điểm đón khách. Chia sẻ về những nhọc nhằn của nghề này, ông Long cho biết: “Từ khi có taxi, Grab, những người chạy xe ôm như tôi bị ảnh hưởng trầm trọng lắm. Giờ, cuộc sống của người dân khá hơn trước nên cũng chọn các loại phương tiện sang hơn. Phần lớn khách quen của tôi chuyển sang đi taxi hoặc Grab. Bây giờ, mỗi ngày, tôi chỉ chạy được 2-3 chuyến, kiếm hơn 100.000 đồng”.

Những người chạy xe ôm ở Bến xe Tân An đang chờ khách

Còn anh Nguyễn Tấn Đạt (51 tuổi), ngụ khu phố 2, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, chạy xe ôm gần cổng Bệnh viện Bến Lức, cho biết: “Tôi chạy xe ôm từ năm 2010 đến nay. Những khách quen chuyển sang đi Grab hết, giờ chỉ còn trông chờ vào khách vãng lai hay các mối giao hàng. Có ngày đội nắng, dầm mưa mà không có khách”. Được biết, hoàn cảnh gia đình anh Đạt rất khó khăn. Vợ anh trước đây buôn bán nhỏ ở chợ Thuận Đạo, nhưng vừa rồi bị tai biến nên không còn khả năng lao động, còn 2 đứa con anh đang tuổi ăn, tuổi học. Anh Đạt trăn trở: “Sắp tới, đứa con lớn của tôi sẽ thi đại học. Nếu nó đậu, không biết lấy tiền đâu để lo, mà bắt nó nghỉ thì tội quá!”.

Anh Trần Văn Nhanh (45 tuổi), chạy xe ôm ở ngã tư Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa, cho biết: “Trước đây, khi các phương tiện công cộng khác chưa nhiều, chạy xe ôm cũng có thu nhập khá. Tuy nhiên, giờ đây, mọi người không còn mặn mà với loại dịch vụ này. Một phần cũng do mình, có những người hành nghề chạy xe ôm luôn thách giá, chạy nhanh, chạy ẩu, rước khách trong khi người nồng nặc mùi rượu nên khách chuyển sang đi taxi cho an toàn. Vợ tôi ở nhà làm nội trợ, nên mọi chi phí sinh hoạt trong gia đình đều do tôi gánh vác. Giờ, trung bình 1 ngày kiếm chưa được 200.000 đồng. Do đó, việc trang trải cuộc sống gia đình rất khó khăn”. Rõ ràng, những câu chuyện về xe ôm hét giá, chạy ẩu, uống rượu trong lúc chờ chở khách không phải là chuyện hiếm trên thực tế. Tuy không phải tất cả người chạy xe ôm đều như vậy nhưng vô tình người làm không tốt đã ảnh hưởng nhiều đến bộ mặt chung của những người còn lại.

Những người chạy xe ôm truyền thống trong thời buổi các dịch vụ như taxi, Grab phát triển như “nấm sau mưa” hiện đang chật vật với nghề, khả năng sẽ có rất nhiều người không bám trụ nổi với nghề./.

Hoàng Lê

Chia sẻ bài viết