Hàng ngày, những người mua bán phế liệu rong ruổi khắp nơi
Đổi đời
Chị Nguyễn Thị Miếng, ngụ ấp An Định, xã An Ninh Đông, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An cho biết: "Vợ chồng tôi cưới nhau với hai bàn tay trắng, bởi cha mẹ hai bên đều nghèo. Sinh con đầu lòng xong, tôi định đợi con cứng cáp sẽ đi làm công nhân nhưng thằng bé cứ đau ốm liên miên, thời gian ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà nên không thể xin làm công nhân được. Do đó, tôi theo người chị trong xóm đi mua phế liệu. Nếu chịu khó đi từ sáng đến chiều thì mỗi ngày kiếm được khoảng 200.000 đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình”.
Bà Lê Thị Huệ, ngụ khu phố 8, thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An chia sẻ: "Tôi đến với nghề mua bán phế liệu như một cái duyên. Những vật dụng nhà giàu bỏ ra là coi như không còn giá trị, thế nhưng đối với một số người nghèo như chúng tôi lại khác, nó vẫn còn có giá trị. Tôi theo nghề này đã hơn 20 năm. Và cũng nhờ nghề này mà tôi nuôi được 3 đứa con nên người (2 đứa lớn đã tốt nghiệp đại học và có việc làm ổn định, còn đứa út đang học lớp 11)".
Còn ông Nguyễn Văn Trà, ngụ ấp 2, xã Nhị Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An bộc bạch: "Trước đây, tôi làm nghề chạy xe ôm, nhưng vài năm trở lại đây, có rất ít người đi xe ôm nên tôi chuyển sang mua bán phế liệu. Mỗi ngày, tôi đi mua từ 7-16 giờ, kiếm được vài trăm ngàn đồng, cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình. Nghề này tuy vất vả nhưng dù sao cũng đỡ nặng nhọc hơn nghề phụ hồ".
“Với giá phế liệu nhựa dao động từ 15.000-20.000 đồng/kg, inox dao động từ 10.000-40.000 đồng/kg, sắt từ 6.000-10.000 đồng/kg, giấy từ 5.000-8.000 đồng/kg, vỏ lon bia khoảng 7.000 đồng/thùng,... nếu siêng năng, chịu khó rong ruổi khắp các ngõ xóm, khu phố, mỗi ngày cũng kiếm được 200.000-300.000 đồng, thậm chí "trúng mánh" cả triệu đồng” - bà Nguyễn Thị Liên, ngụ khu phố 2, thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, cho biết.
Tiềm ẩn nhiều rủi ro
Dù có thu nhập tương đối khá nhưng nghề mua bán phế liệu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, hiểm họa không thể lường trước khi mua phải những vật liệu dễ gây cháy nổ.
Ông Nguyễn Văn Trà cho biết thêm: "Công việc hàng ngày của những người mưu sinh bằng nghề mua bán phế liệu bắt đầu từ sáng sớm cho đến khi tối mịt với những phương tiện hành nghề đơn giản như bao tải, cái cân đồng hồ,... trên chiếc xe đạp, xe ba gác cũ, rong ruổi khắp các nẻo đường để mua các loại phế liệu. Đến cuối ngày, họ tập trung tại các điểm thu mua phế liệu, bán lại những thứ đã mua được để kiếm lời. Tuy nhiên, nghề này dù được xem là “một vốn, ba, bốn lời”, nhưng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ. Ngoài việc mua phải những vật dụng dễ cháy, nổ, hầu hết người mua phế liệu đều bị bệnh về hô hấp vì thường xuyên tiếp xúc với các vật liệu có nhiều bụi bẩn".
Hàng ngày, những người mua bán phế liệu rong ruổi khắp nơi
Theo chị Nguyễn Thị Miếng: “Nghề mua bán phế liệu chỉ dành cho những ai chịu khó, bởi vì mỗi ngày phải đạp xe đến vài chục cây số. Ngoài ra, do lục lọi từ trong đống đồ bỏ đi của nhiều gia đình, hít bụi nhiều nên giờ tôi bị viêm xoang mũi rất nặng, phải uống thuốc thường xuyên". Bà Lê Thị Huệ cho biết thêm: "Có lần, tôi đi cả ngày nhưng chỉ mua được toàn giấy báo cũ, vừa cồng kềnh, khó vận chuyển, lại vội về đón cháu nên không đem sang cho vựa. Hôm ấy, thằng cháu ngoại rủ mấy đứa trẻ cùng xóm sang chơi, nghịch lửa cháy lan sang đống giấy. Vợ chồng tôi phát hiện kịp thời nên lập tức dập lửa, nếu không thì hậu quả chắc không nhỏ".
Nghề mua bán phế liệu không biết có từ bao giờ, chỉ biết rằng hiện nay nó phát triển ở nhiều địa phương. Tuy khá vất vả nhưng nhờ những đồng tiền góp nhặt hàng ngày từ đống lon, chai nhựa, giấy, báo cũ,... mà nhiều gia đình có thêm đồng ra đồng vào, trang trải cuộc sống. Lao động kiếm sống thì nghề nào cũng vất vả, nhọc nhằn, nhưng nghề mua bán phế liệu có lợi thế là ngày nào cũng làm được, không theo thời vụ. Hôm nào mua được nhiều, bán lại kiếm lời kha khá, còn hôm nào mua được ít, cũng kiếm hơn 100.000 đồng.
Mỗi ngày, mỗi vòng xe của người mua bán phế liệu là sự háo hức, mỗi tiếng rao là sự nhẫn nại, và hành trình mưu sinh của những người làm nghề này đã vẽ nên bức tranh muôn màu sinh động của những người lao động nghèo. Chiếc xe càng cồng kềnh, phế liệu càng nhiều, đồng nghĩa thu nhập của họ càng khá hơn. Gánh nặng mưu sinh nhưng những người thu mua phế liệu vẫn không nản chí bởi nhờ đó mà con cháu được đến trường, cuộc sống gia đình đỡ khốn khó./.
Song Hồng