Tiếng Việt | English

08/01/2016 - 10:59

Nhu cầu điện cho miền Nam trong năm 2016 tiếp tục tăng cao

Đường dây 500kV Sơn La-Hiệp Hòa đoạn qua huyện Mường La-Sơn La. Ảnh tư liệu. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Trong năm 2016, phụ tải hệ thống điện miền Nam tiếp tục tăng cao với công suất lớn nhất lên đến 13.500 MW, tăng 1.700 MW so với năm 2015, trong khi chỉ có thêm nhà máy điện Duyên Hải 3 với 2 tổ máy công suất 600 MW dự kiến hòa lưới điện quốc gia trong tháng Tư và tháng Bảy. Vì vậy, hệ thống điện miền Nam vẫn tiếp tục phải nhận lượng công suất và sản lượng lớn từ hệ thống điện miền Bắc và miền Trung.

Công suất truyền tải trên các đường dây 500kV liên kết Bắc-Trung-Nam thường xuyên ở mức giới hạn vào các giờ cao điểm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. Việc vận hành ổn định các nguồn điện trong hệ thống điện miền Nam, đặc biệt là các nhà máy điện mới, công suất lớn như Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1 và Duyên Hải 3 có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong hệ thống điện Quốc gia.

Vận hành trong khó khăn

Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) cho biết, năm qua, do ảnh hưởng của hiện tượng El nino nên tình hình thủy văn của các hồ thủy điện miền Nam không thuận lợi. Truyền tải trên lưới điện 500kV thường xuyên ở mức cao với yêu cầu vừa tối ưu việc khai thác nước các hồ thủy điện vừa phải đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Trong khi đó, nguồn nhiệt điện than mới ở khu vực miền Nam thường xuyên vận hành không ổn định, gây tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định hệ thống.

Cũng trong năm 2015 đã có thêm 10 nhà máy điện tham gia trực tiếp chào giá trên thị trường điện, với tổng công suất đặt là 2.296 MW, nâng tổng số nhà máy điện tham gia trực tiếp chào giá trên thị trường điện lên 63 nhà máy.

Ông Nguyễn Đức Cường, Giám đốc A0 cho biết, nguyên tắc huy động nguồn trong thị trường điện là theo giá chào, chính vì vậy trong một số trường hợp thủy điện chào giá thấp hơn nhiệt điện than và tuabin khí dẫn tới việc huy động tối đa hai nguồn này trong thị trường điện sẽ rất khó khăn. Trong một số thời kỳ (khi sự cố các nguồn lớn) hoặc một số thời điểm (cao điểm), một số nhà máy thủy điện mặc dù đã chào giá trần nhưng vẫn phải huy động cao (do thiếu nguồn) nên khó giữ được nước.

Bên cạnh đó, các nhà máy thủy điện có yêu cầu cấp nước hạ du, lượng nước còn lại trong hồ ít và lưu lượng nước về thấp có nguy cơ không đảm bảo nước hạ du, rất khó thực hiện chào giá để chỉ đảm bảo nước hạ du. Trong khi một số hồ thủy điện có yêu cầu cấp nước hạ du vào các giờ thấp điểm khi nhu cầu về điện không cao như Sông Ba Hạ, Hòa Bình… lại gây lãng phí nước.

Theo Giám đốc A0, việc huy động các nguồn nhiệt điện và tuabin khí chạy dầu trong thời gian tới là để đảm bảo cung cấp điện mùa khô 2016 cho miền Trung và miền Nam. Do vậy, trong nhiều trường hợp cần điều chỉnh công suất theo tải đường dây truyền tải 500kV Bắc-Trung.

Truyền tải tối đa công suất từ Bắc vào Trung và Nam

Triển khai kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2016 do Bộ Công Thương phê duyệt, theo A0, việc vận hành hệ thống điện năm nay sẽ theo hướng tăng truyền tải tối đa công suất từ miền Bắc vào Trung và Nam; đảm bảo vận hành an toàn hệ thống khí-điện và ưu tiên cấp khí cho sản xuất điện ở mức tối đa.

Bên cạnh đó, khai thác nhiệt điện dầu miền Nam trong các tháng mùa khô để giữ nước các hồ thủy điện miền Nam-miền Trung và đảm bảo dự phòng sản lượng điện trong các tháng cao điểm mùa khô. Đối với từng hồ thủy điện khu vực miền Nam và miền Trung sẽ khai thác hạn chế tối đa trong các tháng đầu năm, chỉ huy động để đáp ứng nhu cầu cấp nước hạ du.

Mặt khác, A0 sẽ thường xuyên cập nhật tình hình thủy văn, diễn biến nước về cũng như nhu cầu nước hạ du của các hồ chứa để tính toán, đưa ra mức nước giới hạn của mỗi hồ theo từng tuần hợp lý, đảm bảo khả năng đáp ứng nhu cầu nước hạ du cũng như hệ thống điện cho cả mùa khô.

Giám đốc Nguyễn Đức Cường cũng đề nghị các nhà máy thủy điện làm việc với địa phương điều chỉnh nhu cầu sử dụng nước phù hợp với tình hình thủy văn thực tế và đặc điểm phụ tải hệ thống, đáp ứng nhu cầu nước hạ du vào các giờ cao điểm.

Để đảm bảo cung cấp điện cho năm 2016, vấn đề được đặt ra hiện nay cần đảm bảo vận hành ổn định các tổ máy Vĩnh Tân 2 và Duyên Hải 1 ở mức công suất tối đa, đồng thời chuẩn bị đủ than để phát điện các tổ máy này. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ các tổ máy Duyên Hải 3 để có thể cung cấp sản lượng ngay từ mùa khô 2016, theo A0, cần giữ nước ở mức cao đối với các hồ thủy điện miền Nam và Trung nhưng hạn chế huy động để tập trung đáp ứng yêu cầu cấp nước hạ du.

Về phía Tập đoàn Điện lực Việt Nam sẽ làm việc với Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam để rút ngắn các công tác sửa chữa Hệ thống cung cấp khí, đặc biệt là công tác sửa chữa nhà máy khí Nam Côn Sơn, đồng thời ưu tiên toàn bộ lượng khí Cửu Long để phát điện trong thời gian sửa chữa khí Nam Côn Sơn. Mặt khác, đẩy nhanh tiến độ thi công sớm đưa các công trình trọng điểm trên lưới điện truyền tải vào vận hành như: Trạm biến áp 500kV Pleiku 2, các bộ tụ bù dọc trên cung đoạn từ Pleiku-Cầu Bông, đường dây 220kV liên kết Bắc-Trung Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới …. để tăng cường khả năng truyền tải giữa các miền.

Theo kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2016 đã được phê duyệt, điện sản xuất của toàn hệ thống điện Quốc gia là 182,62 tỷ kWh, tăng 11,98% so với năm 2015; trong đó mùa khô là 88,151 tỷ kWh và mùa mưa là 94,471 tỷ kWh. Tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành trong năm 2016 là 3.422 MW; trong đó thủy điện là 1.570 MW và nhiệt điện là 1.300 MW./. 

Mai Phương/Vietnam+

Chia sẻ bài viết