Tiếng Việt | English

24/10/2017 - 20:18

Nhu cầu dinh dưỡng ở trẻ theo lứa tuổi

Trong 6 tháng đầu sau sinh, trẻ chỉ cần bú sữa mẹ, không cần ăn, uống bất kỳ loại thức ăn nào khác. Tuy nhiên, sau 6 tháng tuổi, sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ, do vậy, ngoài sữa mẹ, cần cho trẻ ăn bổ sung hợp lý để trẻ phát triển tốt, thông minh và khỏe mạnh. Nhằm giúp người chăm sóc trẻ biết cách bổ sung nguồn dinh dưỡng hợp lý cho trẻ, chúng tôi có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh - Bác sĩ CKI. Nguyễn Thị Kim Sa về vấn đề này.


Thức ăn bổ sung cho trẻ phải đủ 4 nhóm: Đạm, tinh bột, chất béo, chất khoáng. Ảnh: Internet

Phóng viên (PV): Thưa bác sĩ, ăn bổ sung là gì và khi nào thì cho trẻ ăn bổ sung?

BS.Nguyễn Thị Kim Sa: Ăn bổ sung hay còn gọi là ăn sam, là việc cho trẻ ăn thêm các loại thức ăn khác gồm 4 nhóm thức ăn ngoài sữa mẹ: Nhóm tinh bột (gạo, mì, khoai, bắp); nhóm đạm (thịt, cá, trứng, sữa, cua, tôm, đậu,...); nhóm chất béo (dầu, mỡ, dầu phộng, mè, bơ,...); nhóm vitamin và chất khoáng (các loại rau, củ, quả). Phụ huynh cần lưu ý, không nên cho thêm bột canh, muối tinh vào thức ăn của trẻ vì thận của trẻ vẫn còn yếu. Khi nêm muối vào thức ăn sẽ khiến thận phải làm việc quá sức, gây nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ sau này.

Trong 6 tháng đầu, chỉ cần cho trẻ bú sữa mẹ. Từ tháng thứ 7, ngoài sữa mẹ, cần cho trẻ ăn bổ sung hợp lý vì lúc này, sữa mẹ không còn đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng cho trẻ. Phụ huynh cũng cần lưu ý là dù trẻ cần ăn bổ sung với các thức ăn khác nhưng sữa mẹ vẫn rất cần cho trẻ đến 18-24 tháng. Không nên cai sữa cho trẻ trước 12 tháng.

PV: Bác sĩ có thể chia sẻ những điều cần lưu ý khi cho trẻ ăn bổ sung?

BS.Nguyễn Thị Kim Sa: Các bậc phụ huynh cần cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ quen dần với thức ăn mới. Phải cho trẻ ăn luôn cái, không nên chỉ cho ăn nước, kể cả rau, củ. Số lượng thức ăn và bữa ăn tăng dần theo tuổi, bảo đảm thức ăn hợp với khẩu vị của trẻ.

Chế biến các thức ăn hỗn hợp nhiều dinh dưỡng, sử dụng các thức ăn sẵn có tại địa phương. Khi chế biến bảo đảm thức ăn mềm, dễ nhai và dễ nuốt. Thêm dầu, mỡ vào thức ăn cho trẻ vừa thơm, béo, mềm, trẻ dễ nuốt và có thêm năng lượng giúp trẻ mau lớn. Tất cả dụng cụ chế biến phải sạch sẽ, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn và khi cho trẻ ăn.

Cần nhớ là phải cho trẻ ăn ngay thức ăn trong nửa giờ đầu sau khi chế biến. Không nên hâm lại và cho trẻ ăn những thức ăn thừa. Cho trẻ ăn nhiều hơn trong và sau khi bị bệnh, cho trẻ ăn thức ăn loãng dễ tiêu, đặc biệt khi bị tiêu chảy và sốt cao. Cho trẻ bú mẹ càng nhiều càng tốt. Ngoài các cữ bú, cữ ăn bổ sung, cần cho trẻ ăn thêm các cữ ăn phụ (sữa, yaourt, chuối, đu đủ,...).

Không nên cho trẻ ăn bột ngọt kéo dài vì không cung cấp đủ chất dinh dưỡng.Không cho trẻ ăn bánh kẹo, uống nước ngọt trước bữa ăn vì chất ngọt làm tăng đường huyết, ức chế tiết dịch vị làm trẻ chán ăn, bỏ bữa hoặc ăn ít.

PV: Trong cách chế biến thức ăn cho trẻ thì có khái niệm là “tô màu chén bột”, bác sĩ có thể giải thích ý nghĩa của của khái niệm này?

BS.Nguyễn Thị Kim Sa: “Tô màu chén bột” của trẻ có nghĩa là làm chén bột của trẻ có màu sắc của các loại thực phẩm giúp trẻ thích thú khi ăn. Màu xanh của rau: Rau muống, ngót, cải, dền,... Màu vàng của: Trứng, cà rốt, bí đỏ và các loại thức ăn có màu vàng, da cam. Màu nâu của thịt, cá, tôm, cua, lươn,...

PV: Thưa bác sĩ, trong một ngày, lượng đạm cần cung cấp cho trẻ bao nhiêu là đủ với nhu cầu của trẻ?

BS.Nguyễn Thị Kim Sa: Lượng thức ăn trong một ngày tùy thuộc vào lứa tuổi của trẻ.

Với trẻ 7 tháng tuổi: Cần 20-30gr thịt hoặc cá, tôm (khoảng 2-3 muỗng cà phê thịt, tôm, cá được băm nhuyễn), chia làm 2 cữ, nếu ăn trứng lấy 1/2 lòng đỏ trứng gà.

Với trẻ từ 8-9 tháng tuổi: Cần khoảng 60-80gr thịt hoặc cá, tôm chia làm 2-3 cữ ăn.

Với trẻ từ 10-12 tháng tuổi: Cần 100-120gr thịt hoặc 150gr cá, tôm hoặc 200gr đậu hũ trong 1 ngày, chia làm 3-4 bữa. Nếu cho trẻ ăn cả thịt, cá, tôm thì mỗi thứ chỉ cần 30-40gr/ngày hoặc 1 lòng đỏ trứng gà/cữ. Một tuần nên cho trẻ ăn 3-4 trứng.

Với trẻ từ 13-36 tháng tuổi: Cần 120-150gr thịt hoặc 150-200gr cá, tôm hoặc 250gr đậu hũ/ngày hoặc 1 trứng/cữ (ăn cả lòng trắng trứng), 1 tuần ăn từ 3-4 trứng.

Với trẻ từ 36 tháng tuổi trở lên: Cần 200gr thịt hoặc 250gr cá, tôm hoặc 300gr đậu hũ, mỗi ngày có thể cho trẻ ăn 1 trứng gà nhưng phải giảm bớt thịt hoặc cá (30gr thịt nạc tương đương 1 trứng gà).

PV: Bác sĩ có thể hướng dẫn cụ thể cách nấu một bữa ăn cho trẻ theo lứa tuổi?

BS.Nguyễn Thị Kim Sa: Nhu cầu dinh dưỡng của trẻ là khác nhau ở từng độ tuổi khác nhau. Vì vậy, chúng ta cần chế biến thức ăn cho trẻ sau cho bảo đảm nhu cầu phát triển phù hợp với lứa tuổi. Tôi xin hướng dẫn các bậc phụ huynh cách nấu một bữa ăn phù hợp theo từng lứa tuổi của trẻ.

Cách nấu một cữ ăn cho trẻ 7 tháng tuổi (2 cữ bột/ngày): Thức ăn cho trẻ cần phải xay, băm, giã nhỏ; bột gạo: 2 thìa cà phê (10gr bột); lòng đỏ trứng gà: 1/2 trứng hoặc thay thế bằng 1 muỗng cà phê thịt hoặc tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ); 10gr rau xanh (1 thìa cà phê bột rau giã nhỏ), cho rau vào nồi khi bột đã chín, nấu khi thức ăn sôi thì tắt lửa ngay; dầu ăn hoặc mỡ: 1/2 - 1 muỗng cà phê cho vào chén thức ăn và trộn đều lên.

Cách nấu một cữ ăn cho trẻ 8-9 tháng tuổi (2-3 cữ bột đặc/ngày): Bột gạo: 3-4 muỗng cà phê (15-20gr bột); lòng đỏ trứng gà: 1 trứng hoặc thay thế bằng 2 muỗng cà phê thịt, tôm, cá (giã nhuyễn, băm nhỏ); 20gr rau xanh (2 muỗng cà phê bột rau giã nhỏ), cho rau vào nồi khi bột đã chín, nấu khi thức ăn sôi thì tắt lửa ngay; dầu ăn hoặc mỡ: 1 muỗng cà phê cho vào chén thức ăn và trộn đều lên.

Cách nấu một cữ ăn cho trẻ 10-12 tháng tuổi (3-4 cữ bột đặc/ngày): Bột gạo 4-5 muỗng cà phê (20-25gr bột); tôm hoặc thịt, cá băm nhuyễn 3 muỗng cà phê, nếu nấu trứng: 1 trứng; 20gr rau xanh (2 muỗng cà phê rau giã nhỏ), cho rau vào nồi khi bột đã chín, nấu khi thức ăn sôi thì tắt lửa ngay; dầu ăn hoặc mỡ: 1-2 muỗng cà phê cho vào chén thức ăn và trộn đều lên.

Cách nấu một cữ ăn cho trẻ 13-24 tháng tuổi (4 cữ cháo đặc hoặc súp/ngày): Gạo tẻ: 1 nắm tay; thịt băm nhỏ: 3-4 muỗng cà phê; dầu, mỡ: 3 muỗng cà phê cho vào chén thức ăn và trộn đều lên; rau xanh xắt nhỏ: 3 muỗng cà phê; có thể nấu 1 nồi cháo trắng nhừ, mỗi bữa ăn múc một chén vào nồi con rồi cho thêm thịt, cá, trứng, tôm,... và rau xanh cùng dầu, mỡ.

Cách nấu một cữ ăn cho trẻ 25-36 tháng tuổi (3 cữ cơm nát/ngày): Nấu cơm nhiều nước hơn bình thường rồi nấu canh thịt hoặc cá, tôm, cua,... Dùng các loại củ: Bí đỏ, su hào, khoai tây,... cắt nhỏ 2x3cm khoảng 50gr, nấu mềm. Thịt, cá băm nhỏ, mỗi bữa 30-40gr cho thêm chút nước mắm, đường, 1-2 muỗng dầu, mỡ, trộn đều, kho lạt hoặc chưng cách thủy cho trẻ ăn.

Cách nấu một cữ ăn cho trẻ trên 36 tháng tuổi: Có thể ăn cơm như người lớn, nhưng cần ưu tiên thức ăn và ăn thêm các bữa phụ.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Thanh Bình (thực hiện)

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích