Tiếng Việt | English

03/08/2015 - 20:03

Nhu cầu giảm, mục tiêu xuất khẩu 6,8 triệu tấn gạo gặp thách thức

Ảnh chỉ mang tính minh họa (Nguồn: TTXVN)

Theo ông Huỳnh Minh Huệ, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), xuất khẩu gạo 7 tháng đạt 3,7 triệu tấn, tương đương 1,58 tỷ USD, giảm ​3,5% về lượng và giảm ​6,​7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.

Trong khi đó, kế hoạch xuất khẩu 6 tháng cuối năm là 3,1 triệu tấn gạo vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường lớn vẫn chưa được cải thiện, gây áp lực lên mục tiêu chung của cả năm.

Tại buổi giao ban do Bộ Công Thương tổ chức ngày 3/8, ông Huỳnh Minh Huệ cho biết, nguyên nhân của sự sụt giảm xuất khẩu trong ​7 tháng đầu năm 2015 chủ yếu vẫn là do nguồn cung gạo trên thế giới dồi dào ​dẫn tới sự cạnh tranh khốc liệt.

Trong đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong nước phải chịu sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường thế giới với các nguồn cung cấp chính như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Myanmar.

Về thị trường, châu Á chiếm 70% tổng lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam, nhưng sau 7 tháng, lượng xuất khẩu đã giảm 19,72% so với cùng kỳ năm 2014 (riêng lượng gạo xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 21,25% so với cùng kỳ).

Ngoài ra, khu vực thị trường lớn thứ 3 đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam là châu Mỹ, qua 7 tháng, lượng xuất khẩu gạo cũng giảm tới 12,56% so với cùng kỳ năm ngoái.

Do vậy, nếu không có những giải pháp đột phá về thị trường thì mục tiêu xuất khẩu ​​khoảng 6,8 triệu tấn gạo trong năm 2015 sẽ khó đạt được.

Một tồn tại lớn cũng được lãnh đạo VFA chỉ ra đó là chất lượng gạo của Việt Nam chưa được đồng đều. Theo ông Huỳnh Minh Huệ, hiện nay, giống lúa thuần chủng yếu, nhiều loại giống bị thoái hóa, việc tuyên truyền sản xuất gạo chất lượng cao vẫn còn chưa đạt yêu cầu.

Trước những khó khăn trên, ông Huệ cũng đưa ra khuyến cáo về việc quản lý chất lượng xuất khẩu gạo, theo đó cần quản lý chặt việc giao thương giữa các nhà thương mại nước ngoài (nhất là Châu Phi và Trung Quốc) tránh đấu trộn gạo, ảnh hưởng đến chất lượng gạo xuất khẩu.

Tại buổi giao ban, lãnh đạo VFA đã đề xuất Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm thực hiện đồng bộ các giải pháp trong đó chú trọng nhiều đến việc tái cơ cấu ngành lương thực.

Cụ thể, phải sử dụng giống ​​có chất lượng, ​đồng thời thực hành canh tác tốt. Bên cạnh đó, nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ chất lượng lúa, gạo xuất khẩu để làm sao hạt gạo từ sản xuất đến ​tay người tiêu dùng phải đồng ​đều về chất lượng.

Liên quan đến ​lĩnh vực này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng ​cho biết, theo chỉ đạo của Chính phủ, việc ưu tiên cao nhất trong thời điểm hiện nay là tiêu tiêu thụ hết lúa gạo cho nông dân và đảm bảo có lãi.

Về thị trường, Bộ trưởng cho biết, liên bộ Công thương-Nông nghiệp sẽ sớm họp bàn để đưa ra các giải pháp giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, thúc đẩy xuất khẩu.

Lãnh đạo bộ cũng yêu cầu Cục Quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, can thiệp kịp thời không để giá gạo có những biến động gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng./. 

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết