Tiếng Việt | English

14/04/2016 - 07:52

Những cách đuổi muỗi trong nhà

Muỗi là một trong những nguyên nhân bùng phát dịch sốt xuất huyết và Zika. Một số giải pháp đơn giản sau đây có thể thực hiện tại nhà để trong tránh muỗi một cách an toàn và tiết kiệm.

Trồng các loại cây đuổi muỗi

Theo kỹ sư nông nghiệp Hà Sỹ Tân thì có 6 loại cây có thể trồng tại nhà, đơn giản, dễ trồng, vừa có thể làm đẹp không gian và có tác dụng đuổi muỗi.

Bạc hà lá dài

Cây bạc hà

Các cây họ bạc hà (bạc hà lá dài) xua đuổi muỗi bằng cách tỏa ra một mùi hương mạnh, tương tự mùi cỏ sả. Tuy nhiên, chúng không thể cản được ong hoặc bướm. Các cây họ bạc hà dễ chăm sóc, nhanh phát triển và chịu được thời tiết nắng nóng, hạn hán. Mùi hương bạc hà làm muỗi tránh xa nhưng lại khá dễ chịu với con người.

Hoa cúc vạn thọ

Cúc vạn thọ

Ngoài chức năng làm đẹp cho khu vườn, nhiều nhà vườn trồng rau hoặc cây ăn quả đã trồng xen kẽ cúc vạn thọ để ngăn chặn côn trùng hoặc đuổi muỗi. Do các vườn rau thường có vi khuẩn, ẩm thấp dễ tạo môi trường cho muỗi sinh sôi thì cúc vạn thọ được xem là “kẻ thù cực mạnh” của muỗi.

Bạc hà mèo

Húng bạc hà

Tinh dầu trong bạc hà mèo được khoa học chứng minh có khả năng khiến muỗi tránh xa rất mạnh. Tuy nhiên, đây lại là loài cây yêu thích của những chú mèo. Để xua đuổi muỗi, đôi khi bạn phải thu hút cả những chú mèo tìm đến.

Húng quế

Cây húng quế

Húng quế là một trong số ít những cây thảo mộc tỏa ra mùi hương mà không cần phải nghiền hoặc vò nát lá. Ngoài ra, khi hái một lá húng quế buộc vào tóc hoặc chà lên da sẽ ngăn chặn được muỗi hoặc các loại côn trùng khác. Húng quế cũng được xem như một loại kem chống muỗi tự nhiên, an toàn cho da và không độc hại.

Hoa oải hương

Hoa oải hương

Muỗi, sâu bệnh và nhiều loại côn trùng không tích mùi hoa oải hương. Ngoài tác dụng làm đẹp cho khu vườn, bạn cũng có thể tự làm dung dịch chống côn trùng tự nhiên bằng lá của cây oải hương.

Cỏ sả

Cây sả

Nhiều sản phẩm xua đuổi muỗi trên thị trường có tinh chất từ tinh dầu sả. Tinh dầu sả cũng có thể làm nến, cho vào lồng đèn đốt lên tạo ra một mùi hương thư giãn mà vẫn có tác dụng xua đuổi muỗi một cách an toàn.

Tinh dầu sả được đốt lên tạo mùi thơm thư dãn và xua đuổi muỗi

Tự làm dung dịch đuổi muỗi đơn giản

Với những loại cây nêu trên, bạn nên ngắt lá, giã, vò hoặc nghiền nhuyễn để lấy tinh dầu. Hòa tinh dầu với rượu vodka (rượu vodka cũng có khả năng đuổi muỗi) và để hỗn hợp nghỉ trong 12 tiếng rồi đung vào các loại chai xịt, sử dụng hằng ngày như các loại dung dịch hoặc kem chống muỗi có bán trên thị trường.

Ngoài ra, trên thị trường có nhiều sản phẩm tinh dầu sả, oải hương được bán dưới dạng phun sương có tác dụng đuổi muỗi, thư giãn.

Lưu ý, khi sử dụng các loại dung dịch, gel chống muỗi, có thể thoa lên da hoặc quần áo tùy theo hướng dẫn sử dụng. Bạn chỉ nên thoa lên da khi cần và dùng một lượng vừa đủ, thoa nhiều không có nghĩa là tác dụng sẽ tăng cao. Không thoa lên mắt, miệng hoặc các vết thương hở.

Đối với trẻ em, người lớn nên thoa dung dịch hoặc gel ra tay của mình trước rồi mới thoa lên da bé, phòng trường hợp trẻ em cho gel vào miệng hoặc bôi lên mắt.

Trước khi ăn nên rửa lại tay sạch và cuối ngày phải tắm gội, thay giặt quần áo sau khi đã sử dụng các sản phẩm chống muỗi.

Tinh dầu oải hương ngoài mùi thơm tự nhiên còn có khả năng chống muỗi cao. Ảnh: Dung dịch chống muỗi hoàn toàn có thể tự làm được tại nhà

Vệ sinh dụng cụ chứa nước

Trước tiên, mỗi nhà nên vệ sinh nơi ở thường xuyên. Người dân có thể thả cá bảy màu vào các hồ chứa, vu, lại, xô, chậu chứa nước để diệt lăng quăng, muỗi và liên tục vệ sinh các dụng cụ chứa nước, thu dọn chất phế thải, phát hoang bụi rậm ẩm thấp trong khu dân cư để tránh muỗi đẻ trứng. Những dụng cụ chứa nước khi không sử dụng phải để khô, lật úp, không để tồn đọng các vũng nước.

Ngoài ra, người dân khi đi ngủ phải mắc màn, mặc quần áo dài, màu sáng để hạn chết bị muỗi đốt. Trong nhà, đồ đạc nên để gọn gàng, tránh ẩm thấp, quần áo chồng chất lên nhau sẽ là nơi muỗi tập trung nhiều./.

Minh Huyền/tuoitre online

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích