Tiếng Việt | English

19/07/2015 - 09:47

Chủ động phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết

Theo thống kê của Bộ Y tế, đến nay cả nước ghi nhận hơn 8.100 ca mắc sốt xuất huyết tại 41 tỉnh, thành, trong đó có 4 người tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 38%. Tuy nhiên, theo Viện Sốt rét Ký sinh trùng trung ương cho biết, trung bình hàng năm cả nước có khoảng 50.000 ca sốt xuất huyết tại 42 địa phương, trong đó tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết 

Sốt xuất huyết là bệnh nhiễm trùng cấp tính do virus gây ra qua trung gian truyền bệnh là muỗi vằn, có tên khoa học Aedes aegypti.

Muỗi vằn thường sống trong nhà và đậu ở chỗ ẩm, tối như buồng tắm, nơi treo quần áo, giá sách; đẻ trứng ở các đồ vật chứa nước, các phế liệu, phế thải đọng nước…

Hiện nay, bệnh chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc-xin phòng ngừa nên rất dễ dẫn đến tử vong nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Mọi người từ trẻ sơ sinh đến người lớn đều có thể bị mắc bệnh.

Bệnh xuất hiện quanh năm nhưng nhiều nhất từ tháng 4-5, tăng cao vào tháng 8-9 và đỉnh điểm của dịch là vào tháng 10-11. Bệnh không lây truyền trực tiếp từ người sang người mà do muỗi đốt người bệnh có mang virus, sau đó truyền virus sang người lành qua vết đốt.

Muỗi vằn đang đẻ trứng vào dụng cụ chứa nước

Bệnh sốt xuất huyết biểu hiện rất đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Nó thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua 3 giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Nếu phát hiện sớm và điều trị đúng, kịp thời bệnh sẽ khỏi và hạn chế tử vong.

Bệnh thường sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày và xuất huyết ở nhiều mức độ khác nhau như từng chấm hay mảng xuất huyết dưới da, chảy máu chân răng, chảy máu cam, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, nôn, phát ban, đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt…

Đặc biệt, khi có các dấu hiệu như người bệnh vật vã, lừ đừ, li bì, đau bụng vùng hạ sườn phải, nôn mửa nhiều, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết ngày càng nhiều, tiểu ít là những biểu hiện của tình trạng nặng, cần đưa ngay người bệnh đến bệnh viện.

Chúng ta cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết như như diệt bọ gậy, lăng quăng, phun hóa chất diệt muỗi tại các điểm nguy cơ cao, xử lý ổ dịch ngay khi phát hiện.

Để diệt muỗi và bọ gậy của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue, chúng ta không nên tự ý mua hóa chất diệt muỗi về phun, vì nếu phun không đúng kỹ thuật, không đúng liều lượng và không đúng chủng loại hóa chất đã được Bộ Y tế cho phép sử dụng sẽ không hiệu quả. Ngược lại còn ảnh hưởng đến sức khỏe, đặc biệt là trẻ em, người già và người mắc các bệnh mãn tính về đường hô hấp hoặc làm tăng tính kháng của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết.

Tuy nhiên, chúng ta có thể thường xuyên diệt lăng quăng bằng các biện pháp như: Thả cá bảy màu hoặc hóa chất diệt lăng quăng vào bồn, hồ chứa nước, hòn non bộ; thay nước lọ hoa 1 lần/tuần; Thu gom phế liệu, phế thải tránh tình trạng chứa nước tạo điều kiện cho muỗi sinh sản; Không cho trẻ con chơi nơi tối, mặc quần dài, áo dài tay, ngủ mùng kể cả ban ngày; Thường xuyên phát quang bụi rậm quanh nhà để môi trường thông thoáng đảm bảo vệ sinh.

Khi có các triệu chứng nghi sốt xuất huyết đến ngay cơ sở y tế để được khám, tư vấn; không nên tự ý điều trị tại nhà./.

Bs Hồ Văn Cưng

Chia sẻ bài viết