Tiếng Việt | English

21/11/2020 - 07:12

Những dấu hiệu nhận biết một mối quan hệ “độc hại”

Một mối quan hệ “độc hại” sẽ ảnh hưởng xấu tới sự tự tin, hạnh phúc và cách nhìn của bạn về bản thân và cuộc sống. Sau đây là một số dấu hiệu bạn có thể đối chiếu để không phải tiếp tục chịu đựng một mối quan hệ không còn thuộc về mình nữa.

Một mối quan hệ “độc hại” sẽ ảnh hưởng xấu tới sự tự tin, hạnh phúc và cách nhìn của bạn về bản thân và cuộc sống. Một người có bản chất xấu xa chắc chắn sẽ để lại đằng sau họ bao nhiêu trái tim tan nát và nhiều mối quan hệ đổ vỡ, nhưng một mối tình “độc hại” không nhất thiết phải bắt đầu từ một người xấu, mà có thể từ một lý do nào đó, biến người tốt trở thành yếu tố “độc hại” cho người còn lại. Đó có thể là do cảm xúc của họ không chân thật ngay từ đầu hoặc qua một thời gian dài, họ cảm thấy chán nản với chính tình cảm của mình và dần dần trở nên “độc hại”. Quá trình này có thể xảy ra với những người mạnh mẽ nhất. Sau đây là một số dấu hiệu bạn có thể đối chiếu để không phải tiếp tục chịu đựng một mối quan hệ không còn thuộc về mình nữa.

Bạn luôn cảm thấy rất tệ khi ở quanh người ấy

Bạn đi ngủ trong sự trằn trọc và sáng dậy luôn cảm thấy mệt mỏi. Bạn quan sát các cặp đôi khác làm những điều hạnh phúc đáng yêu và tự cảm thấy tủi thân trong lòng. Tại sao mình không được đối xử giống như họ? Điều đó có thể xảy ra, nhưng chỉ khi bạn dũng cảm từ bỏ thứ đang cản trở bạn. Rời khỏi một mối quan hệ chưa bao giờ là điều dễ dàng, nhưng ở lại quá lâu trong một mối quan hệ không tốt sẽ khiến cho sức mạnh và sự tự tin của bạn bị đi xuống trầm trọng. Đến một thời điểm nào đó, bạn sẽ không còn lối thoát.

Bạn luôn bị nghi ngờ và đổ lỗi

Những câu hỏi trở thành cái bẫy (“Thế cô muốn đi chơi với bạn hay ở nhà với tôi?”, “Cô có vẻ thích nói chuyện với ông sếp kia quá đó”...). Mối quan hệ của bạn bỗng nhiên trở thành một khu rừng, nơi bạn là mồi săn và đối phương là kẻ săn mồi, chỉ chờ đến khi bạn bước nhầm vào một cái bẫy để hả hê cười đùa đắc thắng. Bạn sẽ luôn cảm thấy bất an trong chính mối quan hệ của mình, sợ sệt từng hành vi, suy nghĩ nhỏ của mình sẽ là sai trái. Bạn không hề xứng đáng bị đối xử như vậy.

Bạn tránh nói về những điều mình cần

Chúng ta đều có những nhu cầu nhất định trong một mối quan hệ, ví dụ như sự kết nối, công nhận lẫn nhau, trân trọng, tình cảm, quan hệ thể xác, vân vân. Khi những nhu cầu ấy luôn bị bỏ qua sau các cuộc tranh cãi, chỉ xuất hiện trong vài lời hứa viển vông, hoặc quay trở lại bị chế giễu thường xuyên, bạn chắc chắn sẽ chán nản và chẳng thèm quan tâm đến việc thỉnh cầu đó nữa, vì bạn biết chắc kết quả sẽ ra sao. Dù có thế nào, những biểu hiện như vậy chẳng mang lại cho bạn lợi ích gì.

Không ai cố gắng

Đứng trên một sàn nhảy không khiến bạn trở thành một vũ công, cũng giống như vậy, không phải bạn ở trong một mối quan hệ thì tình cảm sẽ tự khắc duy trì và phát triển, mọi thứ đều cần đến nỗ lực. Khi bạn và đối phương không cố gắng dành thời gian cho nhau, chia sẻ cho nhau về những thứ trong cuộc sống, mối quan hệ giữa hai người sẽ dừng cho đi và bắt đầu lấy lại quá nhiều. Đến một thời điềm khi câu hỏi “Anh đã ở đây rồi còn gì?” sẽ được trả lời là “Có khi anh không nên ở đây thì tốt hơn.”

Mọi tình cảm và nỗ lực đều đến từ phía bạn

Không ai có thể duy trì một mối quan hệ khi chỉ có một người cố gắng. Điều đó sẽ thật sự mệt mỏi và cô đơn. Nếu bạn chưa thể rời khỏi mối quan hệ “độc hại” nà, hãy cố gắng cho đi số lượng tình cảm và nỗ lực vừa đủ, không cần phải quá gồng mình để gánh chịu trách nhiệm của cả hai nữa. Đừng nghĩ rằng một mình mình cố gắng sẽ làm mọi thứ tốt nên, vì điều đó hoàn toàn là sai trái.

“Không” là một từ cấm kị

“Không” là một từ rất quan trọng trong bất kì mối quan hệ nào, đặc biệt là quan hệ tình cảm đôi lứa. Một mối quan hệ lành mạnh là khi mọi quyết định đều được bàn bạc và thống nhất kĩ càng giữa hai bên, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau giữa hai người. Vì vậy, việc nói lên ý kiến phản đối cũng quan trọng không kém những lần đồng tình, dù bất kể là câu trả lời nào, chúng đều xứng đáng được xem xét và trân trọng. Nếu đối phương luôn trách móc, hờn dỗi vì bạn từ chối các yêu cầu của họ, thì bạn nên bắt đầu nói “không” với mối quan hệ này rồi đó.

Luôn cố gắng trở thành người chiến thắng

Một trong những điều mà chúng ta phải trải qua để lớn lên chính là mắc lỗi. Đó là cách chúng ta học tập và trưởng thành, ngay cả những người thông minh nhất, yêu thương nhất vẫn có thể một hai lần vô tình làm tổn thương nửa kia của họ. Tuy nhiên, nếu những lỗi lầm ấy luôn bị nhắc lại trong mọi cuộc cãi vã, ai trong chúng ta rồi cũng sẽ cảm thấy nhỏ bé và dần dần giết chết tình cảm trong con người của họ. Một mối quan hệ lành mạnh sẽ tập trung vào những điểm mạnh, khuyến khích và hỗ trỡ lẫn nhau để cả hai trở nên tốt hơn mỗi ngày. Còn mối quan hệ “độc hại” thì chỉ xoáy vào những điểm yếu, lỗi lầm để bản thân một người có thể thắng cuộc trong vài lần cãi vã.

Không vấn đề nào được giải quyết

Tất cả các mối quan hệ đều có những vấn đề riêng của nó. Nhưng trong một mối quan hệ không lành mạnh, cái gì cũng sẽ trở thành vấn đề. Những câu chuyện cũ cứ thế ỉm đi rồi một ngày lại được mang ra tranh cãi, từ câu chuyện đó lại nảy sinh ra những nhánh truyện khác, chúng lại tiếp tục bị lẩn tránh và quay trở lại vào tương lai gần. Vòng tuần hoàn mệt mỏi ấy mỗi ngày lại giết đi một góc tình cảm của hai người, đến một thời điểm nào đó, họ sẽ chẳng còn quan tâm đến việc giải quyết chúng nữa./.

Theo VOV.VN

Chia sẻ bài viết