Mệt mỏi
Mệt mỏi là một phản ứng bình thường của cơ thể khi chiến đấu chống lại virus. Tình trạng này thường xảy ra trong nhiều tuần. Các chuyên gia cho biết, mệt mỏi là một triệu chứng khá phổ biến ở tất cả các bệnh nhân sau hồi phục COVID-19.
Khó thở
Ảnh minh họa
Giả sử bạn đã từng chạy vài km, có phải bây giờ bạn cảm thấy mình không có thể chạy lâu vì hụt hơi không? Khó thở, hụt hơi hoặc thở gấp mặc dù chỉ vận động nhẹ là hiện tượng thường xảy ra ở những người đã từng nhiễm virus SARS-CoV-2.
Tổn thương dây thần kinh
Các chuyên gia đã tìm ra mối liên hệ giữa COVID kéo dài và tổn thương thần kinh. Các nhà nghiên cứu tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts và Viện Y tế Quốc gia (Mỹ) đã đưa ra bằng chứng về bệnh thần kinh ngoại biên hậu COVID-19 với các triệu chứng yếu, đau ở bàn tay và bàn chân, và mệt mỏi.
Trầm cảm
Một trong những vấn đề cấp bách hiện nay là đối phó với bệnh trầm cảm. Trong khi nhiều người cho rằng việc cách ly trong đại dịch là nguyên nhân dẫn đến gia tăng các trường hợp trầm cảm, các chuyên gia cũng đã tìm ra mối liên hệ giữa trầm cảm và hội chứng COVID kéo dài.
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nội khoa Châu Âu (European Journal of Internal Medicine), những người đã mắc COVID-19 có nguy cơ bị lo lắng cao gấp 3 lần, và gần gấp đôi khả năng bị trầm cảm và tăng gấp 2,6 lần có cả hai tình trạng này, so với những người chưa bao giờ mắc COVID-19.
Sương mù não
Gặp khó khăn trong việc tập trung sau hồi phục COVID-19 là một trong những triệu chứng phổ biến. Các chuyên gia cho biết, các triệu chứng COVID kéo dài có thể bao gồm mất khả năng chú ý, rối loạn nhận thức, mệt mỏi, rối loạn hành vi và các triệu chứng thần kinh khác.
Cảm giác ngứa ran trong cơ thể
Ảnh minh họa
Cảm giác châm chích xảy ra khi bạn ngồi lâu là điều mà nhiều người gặp phải sau hồi phục COVID-19. Cảm giác ngứa ran không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của bệnh nhân.
“Tê hoặc ngứa ran mạn tính có thể là triệu chứng của bất kỳ chứng rối loạn nào: đột quỵ, khối u, bệnh đa xơ cứng và một số bệnh khác. COVID-19 cũng có thể gây tê và ngứa ran ở một số người. Rất khó để dự đoán ai có thể bị tình trạng này hậu COVID-19”, theo báo cáo của Đại học Michigan.
Các vấn đề về tim
COVID ảnh hưởng đến nhiều cơ quan và tác động gây chết người của nó chủ yếu được nhìn thấy ở tim. Nhiều người bệnh đã phàn nàn về các vấn đề tim sau khi khỏi COVID-19.
Một nghiên cứu năm 2021 đã phát hiện ra rằng một tuần sau khi chẩn đoán COVID-19, nguy cơ bị đau tim đầu tiên tăng từ 3-8 lần. Nghiên cứu ở 87.000 người, trong đó 57% là phụ nữ, cũng cho thấy trong những tuần tiếp theo, nguy cơ đông máu và đau tim giảm đều nhưng vẫn tăng lên trong ít nhất một tháng.
Các chuyên gia cũng liên kết COVID-19 với các vấn đề liên quan đến tim như viêm cơ tim và viêm màng ngoài tim.
Trong những di chứng hậu COVID-19 kể trên, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã chỉ rõ mệt mỏi, khó thở và rối loạn chức năng nhận thức là ba triệu chứng phổ biến nhất. Tiến sĩ Janet Diaz, Trưởng nhóm Quản lý lâm sàng WHE tại WHO, nhận định, đối với điều trị COVID kéo dài, không có một phương pháp điều trị chung cho mọi bệnh nhân. Việc chữa trị phải lấy người bệnh làm trung tâm và tập trung vào các triệu chứng mà người đó gặp phải. Hiện tại không có bất kỳ loại thuốc nào để điều trị biến chứng hậu COVID-19 nhưng có các biện pháp can thiệp như phục hồi chức năng, các kỹ thuật quản lý bản thân để cải thiện chất lượng cuộc sống,… Bà cũng khuyến nghị không nên cố gắng quá sức nếu bạn bị mệt mỏi và không thực hiện nhiều công việc nếu bạn bị sương mù não, đồng thời nên tham khảo ý kiến của bác sĩ kịp thời về tình trạng sức khỏe của mình./.
CTV Lương Trâm/VOV.VN