Anh Trương Ngọc Tùng cùng 2 chiếc ôtô vận chuyển miễn phí bệnh nhân đi cách ly, điều trị
Tình nguyện làm tài xế chở F0, F1
Không phải là bác sĩ, nhân viên y tế, khi dịch bệnh bùng phát, nhiều tài xế tạm gác lại việc kinh doanh để tình nguyện lái xe miễn phí, đưa các F0, F1 đi cách ly, điều trị Covid-19. Họ không quản ngày đêm, mưa nắng, góp sức lực vào “cuộc chiến” đẩy lùi dịch bệnh, bảo đảm an toàn cho mọi người và người bệnh sớm bình phục trở về với gia đình. Dù biết rõ công việc này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, thậm chí tính mạng nhưng anh Trương Ngọc Tùng (35 tuổi, ấp Thuận Bắc, xã Thuận Thành, huyện Cần Giuộc) dặn lòng “có sức góp sức, góp bằng chính nghề nghiệp của mình” để hỗ trợ người bệnh trong cơn đại dịch.
Anh Tùng cho hay, khi dịch Covid-19 bùng phát, nghe thông tin địa phương cần tình nguyện viên, được sự ủng hộ từ gia đình, anh quyết định tham gia phòng, chống dịch tại xã Thuận Thành. Thấy xã không có phương tiện và tài xế chuyển bệnh nhân, qua bàn bạc với gia đình, anh vận động người thân, bạn bè 2 ôtô để vận chuyển bệnh nhân và anh là người trực tiếp lái xe. 1 xe chở F0 đến trạm cách ly tạm thời của xã, 1 xe dùng để chở đội ngũ y tế thực hiện truy vết, lấy mẫu, gửi mẫu xét nghiệm và người bệnh đến nơi điều trị. Để bảo đảm an toàn, anh lắp đặt vách ngăn riêng biệt giữa tài xế và người ngồi sau; đồng thời, được xã trang bị đầy đủ trang phục phòng dịch nên anh yên tâm khi chở F0. Trong đợt dịch vừa qua, anh trực tiếp chở hơn 60 ca F0, F1; đón hơn 40 bệnh nhân hoàn thành cách ly trở về, chuyển 65 người bệnh đến các bệnh viện để chữa trị.
Được UBND xã triển khai, thực hiện truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng, anh đăng ký tham gia. Qua hướng dẫn kỹ thuật lấy mẫu của Trạm Y tế xã, anh trực tiếp lấy mẫu cho gần 1.000 lượt người dân. “Tham gia phòng, chống dịch tại xã là khoảng thời gian mà tôi thấy mình sống thật có ích và có nhiều niềm hạnh phúc nhất. Có lẽ kỷ niệm khi cùng anh chị em lấy mẫu cộng đồng, tiếp nhận khai báo y tế, sắp xếp các điểm tiêm vắc-xin, những bữa cơm bỏ dở khi có thông tin ca nhiễm,... hay đó là những buổi tối phải truy vết, lấy mẫu đến 21-22 giờ, cảm giác hồi hộp khi lần đầu cầm que test,... trở thành kỷ niệm đáng nhớ đối với tôi” - anh nói.
Anh tâm sự thêm, khi mới tham gia, bản thân rất lo lắng vì không biết có bị lây nhiễm không khi hàng ngày đều tiếp xúc F0, F1 nhưng thấy cán bộ xã, cán bộ Trạm Y tế, nhiều phụ nữ có con nhỏ, thậm chí nhiều ngày liền chưa về nhà vẫn tích cực tham gia, sự nhiệt huyết đó giúp anh có thêm niềm tin và sức mạnh để tiếp tục tham gia phòng, chống dịch. Hơn 3 tháng anh ở tại Trạm Y tế để kịp thời chở người bệnh đi cấp cứu và hỗ trợ thêm nhiều việc tại trạm, anh xem nơi đây như là ngôi nhà thứ hai của mình. Anh cùng đội ngũ nhân viên y tế và các thành viên trong đội phản ứng nhanh gắn bó, giúp đỡ lẫn nhau. Điều này không chỉ giúp anh tạo được mối quan hệ mà còn có thêm kiến thức về y tế để có thể hướng dẫn người thân, bạn bè các biện pháp bảo vệ sức khỏe và phòng, chống dịch bệnh.
“Điều đọng lại và day dứt nhất trong tôi là cảm giác chở 1 em nhỏ trong khu vực cách ly y tế đi cấp cứu vào lúc 3 giờ sáng do bị té vào ngày hôm trước và chính tôi cũng là người chở bé về để gia đình lo hậu sự, xót xa đến rơi nước mắt! Từ đó, tôi càng tâm niệm cần phải cố gắng hơn nữa trong từng việc làm của mình”. Hiện nay, dịch Covid-19 trên địa bàn huyện được kiểm soát, các hoạt động sản xuất, kinh doanh đã trở lại bình thường. Anh cảm thấy vinh dự khi việc làm của mình cùng nhiều tình nguyện viên khác đã góp một phần nhỏ vào “chiến thắng” này.
Hạnh phúc là cho đi
Một ngày đầu tháng 8/2021, Trung tâm Y tế huyện Tân Trụ tiếp nhận 1 xe cứu thương do nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh và gia đình hỗ trợ phục vụ công tác chuyên chở bệnh nhân Covid-19. Chiếc xe cứu thương trị giá 810 triệu đồng là món quà ý nghĩa đối với người bệnh trong những ngày dịch bệnh bùng phát. “Tôi cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn khi được làm thiện nguyện. Dù mua xe hỗ trợ nhưng tôi mong sao xe... ế khách” - bà Nhanh chia sẻ.
Được biết, dù đã nghỉ hưu nhưng nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh vẫn dõi theo những hoạt động của địa phương. Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát trên địa bàn tỉnh, bà không ngần ngại cùng người thân, bạn bè đến vùng biên giới xa xôi của tỉnh để thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại các chốt phòng, chống dịch. Bà gọi đó là những năm tháng không thể nào quên. Với bà, được san sẻ yêu thương chính là niềm hạnh phúc. Đam mê và yêu thích công tác từ thiện, bà nguyện góp sức vào hoạt động cộng đồng.
Bà cho rằng, hiện nay, dù tỉnh thiết lập trạng thái “bình thường mới” nhưng mỗi người, mỗi nhà không được chủ quan mà cần nghiêm túc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Có như vậy, chính chúng ta mới thật sự bảo vệ được sức khỏe của bản thân, gia đình và xã hội.
Xe cứu thương được nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Trần Thị Nhanh hỗ trợ cho huyện Tân Trụ
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi”. Hạnh phúc chính là sự cho đi, bởi cho đi là còn mãi. Lòng nhân ái đó là truyền thống, phẩm chất quý giá của con người Việt Nam giúp chúng ta có thêm yêu thương, lan tỏa những điều tốt đẹp trong cuộc sống./.
Song Nhi