Tổ chức tôn giáo, người dân tặng quà cho Bệnh viện dã chiến số 9 khi dịch bệnh xảy ra phức tạp, cao điểm (Ảnh Minh họa: T.N)
Người góp công, người góp của
Đến xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ, hỏi thăm gia đình bà Lê Thị Thủy, nhiều người biết đến và bày tỏ lòng cảm mến. Bà Thủy quê ở Tiền Giang, lập gia đình và theo chồng về Tân Trụ đã lâu nên với bà, đây là quê hương thứ hai của mình. Nhiều năm qua, bất kỳ hoạt động nào vì cộng đồng, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn của xã, bà đều tích cực vận động người thân hỗ trợ kinh phí cho địa phương. Liên tục 5 năm qua, đến hẹn lại lên, cứ vào ngày Tết Đoan ngọ (mùng 5-5 Âm lịch) và Tết Nguyên đán, gia đình bà đều tổ chức trao quà cho hộ nghèo, học sinh nghèo tại xã, mỗi phần quà trung bình từ 400.000-500.000 đồng. Riêng trong năm 2021, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, gia đình bà tặng trên 50 triệu đồng giúp đỡ người dân gặp khó khăn.
Bà chia sẻ: “Tôi có người em gái định cư tại nước ngoài, thấy những người có hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ thì tôi liên hệ em hỗ trợ kinh phí để làm công tác thiện nguyện, một phần gửi cho người dân tại huyện Tân Trụ, Long An và một phần gửi về Tiền Giang - nơi “chôn nhau cắt rốn” của chị em tôi. Mỗi đợt trao quà, tôi đều quay video, chụp ảnh để gửi cho em, bảo đảm những phần quà đến đúng người, đúng trường hợp cần giúp đỡ”.
Bà Lê Thị Thủy và chính quyền địa phương xã Bình Trinh Đông, huyện Tân Trụ thường xuyên gặp gỡ, trao đổi để tìm hiểu, hỗ trợ những người dân có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã
Theo Chủ tịch UBND xã Bình Trinh Đông - Phạm Thành Dự, tấm lòng của bà Thủy cùng gia đình dành cho địa phương rất đáng trân trọng, nhất là giúp đỡ những người lâm vào hoàn cảnh khó khăn vì dịch bệnh. Bà Thủy đã nhiều lần được nhận bằng khen, giấy khen của các cấp vì những đóng góp cho cộng đồng. Xã cũng đang đề xuất cấp trên khen thưởng bà Thủy với những thành tích trong công tác phòng, chống dịch.
Ông Nguyễn Văn Kiêu (thứ 2, từ trái sang) vừa được khen thưởng tại Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vì những thành tích trong thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” năm 2021
Không “góp của” như gia đình bà Thủy, ông Nguyễn Văn Kiêu (ấp Bình Trung 2, xã Nhơn Thạnh Trung, TP.Tân An) thì “góp công” trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Trước đây, ông Kiêu từng chiến đấu tại Mặt trận 479 - Campuchia. Sau khi xuất ngũ, ông làm nghề nông, gắn bó với ruộng đồng. Dù công việc vất vả nhưng ông cũng dành thời gian cho các hoạt động tại địa phương. Là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh ấp và thành viên tổ Covid cộng đồng, thời điểm giãn cách xã hội, chẳng quản ngày đêm, ông tham gia trực chốt, tích cực vận động hội viên, người dân tuân thủ quy định phòng dịch, tất bật đi chợ giúp dân. Dù có bệnh nền là huyết áp và thoát vị đĩa đệm nhưng với ông, còn sức thì còn cống hiến vì cộng đồng.
“Nếu ai cũng ngại vất vả thì “gian khổ sẽ dành phần ai”, những người gặp khó khăn sẽ không được giúp đỡ kịp thời, nhất là trong thời điểm giãn cách xã hội. Với tôi, thời chiến cũng như thời bình, đã là Bộ đội Cụ Hồ thì dịch bệnh cũng là “giặc”, phải chiến đấu hết mình vì sức khỏe nhân dân” - ông Kiêu chia sẻ.
Cha, con cùng chống dịch
Trong các hoạt động an sinh xã hội lẫn “cuộc chiến” chống dịch Covid-19 vừa qua, có trường hợp cả cha và con cùng cống hiến hết mình vì cộng đồng, trong đó, phải kể đến Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Bến Lức - Bùi Quốc Lệ và con trai là Đại úy Bùi Quốc Thư - cán bộ Đội Tổng hợp Công an huyện. Trong thời điểm “dầu sôi lửa bỏng” khi Bến Lức là một trong những địa phương “điểm nóng” của tỉnh với số ca mắc tăng cao, ông Bùi Quốc Lệ đã kịp thời huy động lực lượng cựu chiến binh chống dịch, trực chốt, tham gia tổ Covid cộng đồng, phục vụ khu cách ly, vận chuyển lương thực cho các bệnh viện dã chiến, khu vực bị phong tỏa. Ông tích cực phối hợp MTTQ vận động hội viên, đoàn viên và người dân đóng góp gần 370 triệu đồng (tiền mặt, gạo, nhu yếu phẩm) ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, ông còn hỗ trợ công tác tiêm vắc-xin và rất nhiều hoạt động ý nghĩa khác, chung sức cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh.
Ông chia sẻ: “Dù ở độ tuổi nào, vị trí nào đi nữa, đã là Bộ đội Cụ Hồ, khi người dân, Tổ quốc cần thì phải tiên phong đi đầu, gương mẫu, cống hiến hết mình vì sức khỏe nhân dân”.
Ông Bùi Quốc Lệ và con trai là anh Bùi Quốc Thư
Noi gương cha, con trai ông - Đại úy Bùi Quốc Thư cũng tích cực góp sức cho công tác chống dịch với nhiệm vụ trực bảo đảm an ninh tại khu phong tỏa, trực chốt kiểm soát. Sau đó, anh được điều động làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm. Chẳng ngại nguy cơ lây nhiễm, chẳng quản ngày đêm vất vả, suốt gần 4 tháng ròng rã, anh không về thăm nhà, nhớ con nhỏ, anh chỉ có thể điện thoại trò chuyện. Với anh, sự vất vả, nỗ lực của bản thân cùng đồng đội để đổi lấy nụ cười bình yên, sức khỏe cho nhân dân là điều cần làm, phải làm.
“Thế hệ cha ông ngày trước đã hy sinh xương máu, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc, cha tôi cũng đã một đời phấn đấu vì nhiệm vụ thiêng liêng của một quân nhân thì bản thân tôi cũng phải cống hiến hết mình, theo chân thế hệ đi trước, hết mình “vì nhân dân phục vụ”” - anh Thư bộc bạch.
Anh Bùi Quốc Thư (cán bộ lấy mẫu đầu tiên) làm nhiệm vụ lấy mẫu xét nghiệm trong thời gian cao điểm sàng lọc cộng đồng trên địa bàn huyện Bến Lức
Tương tự cha con ông Bùi Quốc Lệ, tại TP.Tân An, cha con ông Dương Văn Đeo - Dương Đức Toàn (phường 5) cũng là những tấm gương hết lòng vì cộng đồng. Ông Đeo được người dân tín nhiệm, bầu làm Trưởng khu phố Nhơn Hòa 1 và là đại biểu HĐND phường nhiều nhiệm kỳ. Thời điểm dịch bệnh bùng phát, trong mọi hoạt động của địa phương, bất kể nhiệm vụ gì ông cũng đều có mặt, chẳng ngại khó khăn, từ tham gia tổ Covid cộng đồng, hỗ trợ đội truy vết, trực chốt phong tỏa cho đến chốt bảo vệ “vùng xanh”,... nhiệm vụ nào ông cũng tiên phong đi đầu.
Cũng như cha mình, anh Dương Đức Toàn - Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường 5, cũng nhiệt huyết, tích cực trong công tác phòng, chống dịch và các hoạt động vì cộng đồng. Anh tích cực tuyên truyền, vận động người dân tuân thủ các quy định phòng dịch; tham gia hỗ trợ các đội lấy mẫu xét nghiệm, tiêm ngừa; đi chợ, vận chuyển, phân phối lương thực giúp người dân trong thời gian giãn cách xã hội;... Với anh, cha đã lớn tuổi nhưng vẫn hết mình vì việc chung, chẳng ngại vất vả thì bản thân mình càng phải nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa, tất cả vì mục tiêu đẩy lùi dịch bệnh, mang lại cuộc sống bình yên cho nhân dân.
Trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 bùng phát, bên cạnh quyết tâm của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của lực lượng tuyến đầu thì sự chung tay, góp sức của các cá nhân, gia đình đã góp thêm sức mạnh chiến thắng đại dịch. Với họ, sống là cho đi chẳng cần nhận lại, sống chan hòa, sẻ chia mới là niềm vui thực sự. Chính nhờ những “bông hoa đẹp” trong “vườn hoa” việc tốt ấy, ta thấy cuộc sống này thật tươi đẹp, đầy ắp sự sẻ chia./.
Phạm Ngân