Tiếng Việt | English

28/03/2023 - 08:22

Những quy định mới trong đăng kiểm có khiến chủ xe “dễ thở” hơn?

Thông tư 02 ra đời là đột phá lớn, “cởi trói” cho công tác đăng kiểm xe cơ giới. Với quy định xe “độ đèn” vẫn có thể được thông qua kiểm định, miễn là đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, cũng khiến chủ xe “dễ thở” hơn...

Thông tư 02/2023 chính thức có hiệu lực từ ngày 22/3 ngoài việc miễn đăng kiểm lần đầu cho xe mới, kéo dài chu kỳ đăng kiểm với một số loại ô tô thì cũng có rất nhiều điểm mới bớt “hành” chủ xe hơn. Theo đó, một số thay đổi cụ thể như sau:


Với quy định mới, xe độ đèn vẫn có thể được thông qua kiểm định, miễn là đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật như cường độ, chùm sáng hay góc chiếu.

Không cấm thay đèn “phải đúng kiểu loại”

Trong quy định cũ (thông tư 16/2021) của Bộ GTVT, việc đèn xe "không đúng kiểu loại" được coi là một khiếm khuyết, hư hỏng quan trọng (MaD) thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận kiểm định.

Tuy nhiên, tại thông tư 02/2023 mới có hiệu lực đã không còn nội dung này. Điều này đồng nghĩa với việc đèn xe không nhất thiết phải "đúng kiểu loại" như ban đầu của nhà sản xuất mới đủ điều kiện kiểm định.

Bên cạnh đó, Thông tư 16/2021 quy định "màu ánh sáng không phải màu trắng hoặc vàng nhạt" cũng là MaD. Trong thông tư mới, quy định này đã trở thành MiD (khiếm khuyết, hư hỏng không quan trọng). Với lỗi MiD, xe vẫn được thông qua kiểm định.

Trước quy định này, nhiều chủ phương tiện còn băn khoăn, trong trường hợp ô tô đời cũ sử dụng đèn halogen không còn đảm bảo độ sáng, nhất là khi lưu thông tốc độ cao trên cao tốc thì có được nâng cấp lên đèn bi LED, đèn LED để tăng khả năng quan sát hay không.

Về những băn khoăn này, ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam khẳng định, trong trường hợp đèn xe ô tô hỏng hoặc không đảm bảo độ sáng, chủ phương tiện hoàn toàn được quyền thay.

“Tuy nhiên, thiết bị được thay thế phải đảm bảo an toàn kỹ thuật, được kiểm định và có chứng nhận đạt tiêu chuẩn của cơ quan chuyên môn. Khi qua hệ thống đăng kiểm phải đáp ứng đầy đủ các quy định về cường độ sáng, độ lệch”, ông Nguyễn Tô An nói.

Ông An cũng lưu ý, các trường hợp “độ đèn” không đáp ứng các yếu tố trên đều phải thay thế để đảm bảo an toàn khi lưu thông.


Một mẫu xe được độ đèn mới.

Anh Huấn (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, do thường xuyên đi off-road nên cần độ ánh sáng lớn, nên anh đã lắp dàn đèn LED lên xe của mình. Trước đây, mỗi khi đi đăng kiểm anh lại phải tháo hẳn dàn đèn này ra, lắp đèn nguyên bản vào mới đã được đăng kiểm.

“Mỗi khi đi đăng kiểm tôi rất bức xúc với lỗi này khi nhân viên đăng kiểm báo. Tôi nghĩ rằng lắp thêm đèn bi thay cho đèn gầm nguyên bản đã mù mờ là điều tốt chứ sao lại bắt phải thay lại? Chẳng nhẽ đi đèn tối lại an toàn hơn đèn sáng hay sao. Nhưng với quy định này tôi thấy rất yên tâm và thỏa mái, không sợ bị bắt bẻ nữa. Tất nhiên các đèn được độ phải tuân theo đúng các tiêu chuẩn đăng kiểm như góc chiếu, cường độ chùm sáng hay mặt cắt của tia sáng…”, anh Huấn cho hay.

Một điểm mới nữa nhằm tạo thuận lợi cho chủ các phương tiện, đó là quy định tiêu chuẩn đèn lùi. Trong thông tư cũ quy định đèn lùi không sáng được xác định là MaD. Tuy nhiên, tại thông tư mới, đèn lùi không sáng sẽ được coi là MiD.

Lỗi MiD được xác định là lỗi không quan trọng, đăng kiểm viên có thể nhắc nhở chủ xe đi sửa sau. Trái với trước đây nếu đèn lùi không sáng được xác định là MaD - đây là lỗi nghiêm trọng, chủ xe buộc phải sửa ngay. Sau đó mang xe đến trung tâm kiểm tra lại nếu đạt mới đủ điều kiện cấp tem.

Hướng đến tạo thuận lợi cho người dân chứ không phải là để “hành dân”

Việc ban hành thông tư 02/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16 về kiểm định xe cơ giới kịp thời áp dụng thực tế được dư luận đánh giá cao.


Sau khi áp dụng những quy định mới về kiểm định xe cơ giới, các quy trình diễn ra nhanh hơn, giúp tiết kiệm thời gian cho cả chủ xe và trung tâm đăng kiểm

Theo anh Huấn, việc điều chỉnh như Thông tư 02 là hoàn toàn hợp lý. Phương tiện mới, chưa qua sử dụng về cơ bản đã đáp ứng các thông số kỹ thuật cũng như tiêu chuẩn khí thải, bảo vệ môi trường theo quy định. Miễn đăng kiểm lần đầu đối với ô tô chưa qua sử dụng không chỉ tạo thuận lợi cho người dân mà còn giúp tiết kiệm thời gian và khoản chi phí không nhỏ đối với các chủ phương tiện.

Còn TS Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, Thông tư liên quan đến kiểm định xe cơ giới đường bộ vừa có hiệu lực như một luồng gió mới, giảm áp lực cho người dân và cả những người thực thi nhiệm vụ.

 “Việc bỏ qua các quy trình đăng kiểm lần đầu là hợp lý, tiết kiệm thời gian và chi phí cho người dân để phục vụ những công việc khác, làm giàu cho đất nước. Đây chính là “ích nước, lợi nhà”. Cùng đó, nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông do xe chưa đăng kiểm chiếm 1%, còn chủ yếu là do rượu bia, khả năng làm chủ tốc độ, đi sai làn đường...

Do đó, việc kéo dài chu kỳ kiểm định là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Giải pháp này sẽ giúp các trung tâm đăng kiểm giảm được 1/3 khối lượng công việc, giảm chi phí cho đăng kiểm và số tiền tiết kiệm được lên đến hàng trăm tỉ đồng”, ông Tạo nói.


Theo tính toán của Cục Đăng kiểm Việt Nam, số xe được nới chu kỳ kiểm định theo Thông tư 02 trong năm 2023 khoảng 3,2 triệu xe.

Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho rằng, việc ban hành Thông tư 02 là đột phá lớn trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và quan trọng nhất là “cởi trói” cho công tác đăng kiểm.

Tuy nhiên, đây cũng mới giải quyết bước đầu những bức xúc của dư luận và tạm tháo gỡ áp lực cho các cơ quan đăng kiểm. Điều cần làm tiếp theo là thiết kế lại quy trình, ngăn mặt trái từ việc xã hội hóa trung tâm đăng kiểm và hướng đến mục tiêu lập lại trật tự, kỷ cương công tác đăng kiểm, phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, thời gian tới, cơ quan quản lý cần xây dựng văn bản pháp luật theo hướng giao trách nhiệm quản lý chất lượng cho các chủ phương tiện, không chỉ giao nhiệm vụ này cho cơ quan đăng kiểm.

“Bên cạnh đó, cần xử lý triệt để và gióng lên hồi chuông để người dân ý thức hơn, không tiếp tay cho tham nhũng vặt; đồng thời ngăn những tổ chức, cá nhân cố tình lợi dụng khe hở đăng kiểm đưa những phương tiện kém chất lượng tham gia lưu thông, gây ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông”, ông Thanh nhấn mạnh./.

Theo Thông tư 02/2023, xe chưa qua sử dụng được miễn kiểm định lần đầu, tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định dưới 2 năm. Chủ xe được cấp tem và giấy chứng nhận tại các trung tâm đăng kiểm mà không phải mang xe đến trình diện.

Chu kỳ kiểm định đầu tiên với ô tô chở người đến 9 chỗ không kinh doanh vận tải kéo dài từ 30 tháng như trước đây lên 36 tháng. Với xe sản xuất đến 7 năm, chu kỳ kiểm định định kỳ được kéo dài từ 18 lên 24 tháng. Xe sản xuất trên 7 năm đến 20 năm (trước là 12 năm) chu kỳ giữ nguyên 12 tháng; xe trên 20 năm thì giữ 6 tháng.

Với xe chở người các loại trên 9 chỗ có kinh doanh vận tải, chu kỳ đầu tiên tăng từ 18 lên 24 tháng. Xe sản xuất đến 5 năm thì chu kỳ định kỳ tăng từ 6 lên 12 tháng. Xe trên 5 năm giữ nguyên quy định 6 tháng kiểm định một lần.

Nhóm ô tô tải các loại, ô tô đầu kéo từ 20 năm trở lên (kể cả ô tô tải, ô tô đầu kéo đã cải tạo thành ô tô chuyên dùng), ô tô tải được cải tạo chuyển đổi công năng từ ô tô chở người có thời gian sản xuất từ 15 năm trở lên được kéo dài chu kỳ kiểm định từ 3 lên 6 tháng.

Phi Long/VOV.VN

Chia sẻ bài viết


 
Liên kết hữu ích