Tiếng Việt | English

30/01/2018 - 15:46

Những sản phẩm hữu ích từ cuộc thi khoa học-kỹ thuật

Thông qua cuộc thi khoa học - kỹ thuật (KHKT), học sinh (HS) được khơi dậy tinh thần nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, công nghệ.

Sân chơi bổ ích

Mỗi đầu năm học, các trường phát động cuộc thi KHKT dành cho HS THCS và THPT với nhiều lĩnh vực nghiên cứu: Kỹ thuật cơ khí, kỹ thuật môi trường, khoa học vật liệu, khoa học xã hội và hành vi,... Dựa theo sở thích, thế mạnh, HS lựa chọn lĩnh vực và nghiên cứu, vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn và cho ra đời các sản phẩm hoàn chỉnh.

Trường THPT Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa phát động cuộc thi KHKT đến HS ngay trong tháng 8 của mỗi năm học. Trường đặc biệt chú trọng tuyên truyền về ý nghĩa, lợi ích khi HS tham gia cuộc thi và có những minh chứng cụ thể: Cơ hội tuyển thẳng vào đại học khi đoạt các giải cao. Nhờ vậy, HS nhiệt tình tham gia và có nhiều dự án mới lạ và bổ ích. Trong đó, hơn 10 dự án được thực hiện và tham gia thi cấp trường.

Thùng rác thông minh có cảm biến tự mở nắp, phân loại rác và xử lý nước thải từ rác

Thùng rác thông minh có cảm biến tự mở nắp, phân loại rác và xử lý nước thải từ rác

Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thủ Thừa - Thiềm Văn Bạc cho biết: “Tham gia cuộc thi, HS có nhiều dự án mang tính sáng tạo, gần gũi và ứng dụng thực tế cao. Ngoài ra, cuộc thi còn giúp HS khơi dậy và phát huy khả năng tự nghiên cứu, sáng tạo. Từ đó, các em hứng thú hơn trong học tập, phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong việc ứng dụng kiến thức được học vào thực tiễn. Năm nay, trường chọn 2 sản phẩm dự thi cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm đoạt giải nhì”.

Trường THPT Đức Hòa, huyện Đức Hòa đặc biệt quan tâm đến các cuộc thi sáng tạo dành cho HS. Trường thành lập Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học nhằm hỗ trợ HS trong quá trình thực hiện, trong đó, hỗ trợ kinh phí cho các dự án tham gia thi cấp trường, tỉnh và toàn quốc.

Em Tống Hoài Bảo - HS lớp l0TN2, Trường THPT Đức Hòa, chia sẻ: "Nhờ tham gia Câu lạc bộ Nghiên cứu khoa học và cuộc thi KHKT, em tự tin thực hiện sản phẩm “Thùng rác thông minh”. Sản phẩm có 2 ngăn phân loại rác hữu cơ và vô cơ; cảm biến tự mở nắp thùng rác; dàn lọc nước thải từ rác và khay hứng nước phía dưới thùng rác. Mặc dù sản phẩm còn nhiều hạn chế nhưng đó là “đứa con tinh thần” đầu tiên và là động lực giúp em nghiên cứu thêm nhiều sản phẩm lợi ích khác trong thời gian tới”.

Những dự án gắn liền với ước mơ

Đôi bạn Nguyễn Phúc Nghĩa - Nguyễn Thanh Duy, chủ nhân sản phẩm “Hệ thống phát tín hiệu cảnh báo khi mô tô, xe máy vượt quá tốc độ cho phép”

Đôi bạn Nguyễn Phúc Nghĩa - Nguyễn Thanh Duy, chủ nhân sản phẩm “Hệ thống phát tín hiệu cảnh báo khi môtô, xe máy vượt quá tốc độ cho phép”

Từng bị tai nạn giao thông, gãy tay và đến nay, các thanh inox nẹp xương còn bên trong 2 cánh tay ấy, hơn ai hết, Nguyễn Phúc Nghĩa - HS lớp 10A1, Trường THPT Thủ Thừa, hiểu rõ sự nguy hiểm của việc chạy xe quá tốc độ. Đó cũng là lý do thôi thúc Nghĩa nghiên cứu, sáng tạo sản phẩm “Hệ thống phát tín hiệu cảnh báo khi môtô, xe máy vượt quá tốc độ cho phép”, giúp người điều khiển môtô, xe máy kịp giảm tốc độ. Cùng thực hiện đề tài có em Nguyễn Thanh Duy, bạn cùng lớp với Nghĩa.

Sản phẩm của Nghĩa và Duy chủ yếu tận dụng những vật liệu qua sử dụng và dễ tìm: Công-tơ-mét xe máy, bánh xe, má đùm xe, động cơ máy giặt cũ,... Sau hơn 3 tháng thực hiện, các em thành công tạo ra sản phẩm “Hệ thống phát tín hiệu cảnh báo khi môtô, xe máy vượt quá tốc độ cho phép”. Theo đó, khi lắp đặt hệ thống này vào xe môtô, xe máy, hệ thống sẽ phát âm thanh cảnh báo nếu người điều khiển vượt quá tốc độ giới hạn được cài đặt trước đó. Ngoài ra, Nghĩa và Duy cũng nghiên cứu thành công việc thay thế âm thanh bằng đèn tín hiệu sáng nhấp nháy.

 “Hệ thống phát tín hiệu cảnh báo khi môtô, xe máy vượt quá tốc độ cho phép”

Sản phẩm “Thùng nước du lịch” của Lê Tấn Dương - HS lớp 12A10, Trường THPT Đức Hòa, được nhiều thầy cô quan tâm. Ngay khi học lớp 9, Dương bắt đầu phát huy khả năng sáng tạo của bản thân, vận dụng kiến thức được học vào thực tiễn. Đó là thực hiện thành công mô hình “Xe tải đa năng” với sự tích hợp các tính năng của các loại xe khác: Có cần cẩu, thùng xe và thích hợp chạy mọi địa hình. Sản phẩm đầu tay của Dương được chọn thi cấp tỉnh cuộc thi KHKT. Mỗi năm học, Dương lại ấp ủ một ước mơ làm ra sản phẩm, trong đó có “Máy lau nhà 3 trong 1” (năm lớp 10), “Dàn phơi đồ thông minh” (năm lớp 11) và “Thùng nước du lịch” (năm lớp 12).

“Thùng nước du lịch giúp chúng ta ăn mì gói, uống cà phê hay ướp lạnh các loại nước một cách dễ dàng dù ở bất cứ nơi đâu. Đặc biệt, sản phẩm còn chú trọng về tính toán kích cỡ, thẩm mỹ và bảo đảm an toàn cho người sử dụng” - Dương bộc bạch.

Được biết, sản phẩm “Thùng nước du lịch” của Dương đoạt giải ba cấp tỉnh cuộc thi KHKT và sẽ cùng 4 sản phẩm khác của tỉnh tham gia cuộc thi KHKT cấp quốc gia vào tháng 3/2018.

Cuộc thi KHKT không chỉ là sân chơi bổ ích mà còn giúp HS thực hiện ước mơ sáng tạo của mình./.

Sản phẩm "Thùng nước du lịch" với tính năng làm lạnh, nấu nước và tiện lợi khi di chuyển

Sản phẩm "Thùng nước du lịch" với tính năng làm lạnh, nấu nước và tiện lợi khi di chuyển

Ngọc Thạch

Chia sẻ bài viết


Liên kết hữu ích